Đà Nẵng cuối tuần
Chuyện của vườn tiêu
Căn nhà rộng nằm lọt thỏm ở phía trước của một vườn tiêu bạt ngàn. Lúc cô lững thững và nhàn tản ngang qua cái cửa bên hông có phần mênh mông quá mức cần thiết, đã thấy bà già ngồi đó, với một mớ vải vóc áo quần khó đoán kiểu. Như thể người phụ nữ và khung cảnh vắng vẻ không bóng người ấy nhất định phải thuộc về nhau, mới chịu. Cái nhìn bà già dành cho cô và đám bạn đi chung không nhuốm màu soi mói tò mò, nhưng vẫn cứ khiến cô cảm thấy vương vướng đầy thắc mắc. Vì đâu?
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Bỏ mặc mấy người đồng hành đi sâu vào phía trong lo công việc, cô thơ thẩn ngắm mấy cọc tiêu đang mùa thu hoạch. Từng nhánh trái vừa chín tới, đan xen giữa màu xanh và đỏ thẫm thật đẹp. Trông lạ lẫm ngon lành vô cùng, gợi cô nhớ tới mấy món ăn có kèm tiêu xanh hấp dẫn. Không cưỡng lại được sự lôi cuốn của mấy nhành tiêu ưng ửng chín ấy, cô thích thú hái thử một mớ, cố xòe tay ra để cầm…
Lối quay ra, bà già xa lạ kia không còn ngồi thờ ơ nữa, mà đưa mắt ngó cô chăm chú. Cô chào bà, rồi hỏi thăm vài câu. Rằng bà ở đây một mình sao? Vườn tiêu của bà à, cho con xin vài trái nhé! Bà may đồ ư?
Người già thật buồn cười. Họ giống như một cái chai được đóng nút cẩn thận, nhưng chỉ đợi lúc nào thuận tiện hoặc ai đó hợp ý là sẵn sàng trút ngược hết mọi nỗi lòng thì phải. Tất cả tâm tư. Rằng ông nhà tôi vừa mới mất tháng rồi. Con trai tôi đã ngoài bốn mươi mà chưa chịu lấy vợ, nên tôi đâu thể cố chơi với con cháu để quên muộn phiền. May vá cho nó đỡ buồn vậy thôi, tiền bạc để làm gì nữa. Vườn tiêu này ông nhà tôi vẫn một tay chăm sóc đấy. Tiêu nó khó lắm, không phải muốn hái sao cũng được, rất dễ chết cả cây cả luống. Nếu ông nhà tôi còn, thì chắc chắn nãy giờ cô đã bị la vì cái tội tự ý ngắt tiêu rồi. Nhưng thôi, tôi thấy cô người lạ không biết nên chẳng trách. Cô cứ ngắt thêm một ít nữa đi…
Nhưng cô chẳng còn bụng dạ nào để vui thú nông dân thu hái nữa. Người đàn bà ấy, nhìn còn khỏe, hóa ra đã hơn sáu chục tuổi rồi. “Ông nhà tôi” khuất núi khi ngoài bảy mươi, không hẳn quá trẻ, càng chẳng phải độ tuổi để vợ con ở lại thổn thức tới mức này. Ý nghĩ lạnh lùng đầy thực tế ấy lướt qua đầu cô, vừa kịp lúc bà già bật khóc. Bệu bạo kể lể. Rằng nhà này ông nhà tôi mới xây sửa, thêm công trình phụ đủ thứ, to lớn rộng rãi để làm chi, giờ chỉ còn có mẹ con tôi thui thủi ra vào. Xứ này, ông nhà tôi dắt cả nhà đến lập nghiệp, rồi bỏ mẹ con tôi ở lại mà đi là sao...
Là sao? Cô ngó mông lung ra vạt nắng vàng hiu hắt cuối chiều. Lòng bất giác lặng đi trước nước mắt người già đang khó nhọc rơi xuống, chầm chậm mà đắng đót. Đời người hư vô ngắn ngủi vô thường, ai cũng thấu hiểu. Nhưng sự an yên đến tầm thường mà chúng ta hay chê bai khó chịu, có khi phải đợi đến lúc mất đi thì người ta mới thấy giật mình tiếc nhớ. Phải sống với nhau thế nào, nghĩa phu thê phải êm ái dịu dàng dằng dặc tới cỡ nào, thì người ở lại mới đau đáu xót xa muộn phiền đến mức ấy chứ… Cô vụng về nên chỉ biết im lặng chạm nhẹ lên cánh tay người phụ nữ. Niềm ủi an không lời ấy khiến bà dường như bình tâm hơn một chút. Vừa kịp lúc nhóm bạn của cô ồn ã quay ra. Trước đám đông xa lạ, có vẻ là người ta dễ lấy lại tự chủ để che giấu nỗi đau của mình hơn thì phải. Nên chỉ đôi mắt hoe đỏ là không thể nào xóa kịp trước ánh nhìn ngạc nhiên của mọi người mà thôi.
Trên xe, ai nấy trêu đùa. Là cô hái trộm tiêu hay vì cái gì mà bà già tức đến phát khóc vậy hả? Cô không thể trả lời hay kể lại cho đầu đũa câu chuyện. Loay hoay với mớ tiêu đang tỏa ra thứ mùi thơm hăng hắc ngùi cay trên tay mình. Rồi lẳng lặng ngoái lại nhìn cái thị trấn vắng vẻ buồn tênh của vùng trung du đang dần lùi xa lại phía sau. Thầm hiểu là, tất cả rồi cũng đều vì hai chữ “nhân duyên” thoáng qua mà thôi…
HOÀNG MY