Đà Nẵng cuối tuần
"Nữ hoàng" rau sạch
Trong danh mục ẩm thực tỉnh Quảng Trị có một đặc sản cũng được xếp vào loại “danh trấn” mà nơi khác không dễ gì có được, ấy là xà lách xoong hay còn gọi là cải xoong, người Quảng Trị thì gọi là rau liệt. Rau cải xoong ở vùng đất này trước đây thường mọc tự nhiên hai bên suối ở trên rừng.
Nước suối thanh sạch trong văn vắt mới đủ sức nuôi dưỡng cho cây cao lớn, thân, lá của nó mập, dày mọng nước. Nó là một loại rau sống trong môi trường thủy sinh phải hết sức trong sạch. Nước dơ bẩn, đục thì cây không phát triển mà èo uột ít nước, thân thấp, ngắn chỉ để ‘ăn cho có cho đỡ thèm mà thôi”.
Dòng nước tinh khiết được lấy từ những thủy lộ ngầm dưới những lớp đá đã tưới tắm cho loại rau cải xoong nổi tiếng ở Quảng Trị. Ảnh: Internet |
Loại rau này được trồng nhiều trên vùng đất xã Gio An, huyện Gio Linh, một huyện trung du của tỉnh Quảng Trị. Chúng được trồng đầy tràn lan xung quanh những cái giếng cổ. Theo các nhà khảo cổ, những cái giếng này cũng đã được xây dựng cách đây đã ngàn năm trước, do người Chăm cổ chế tác. Giếng cổ là loại giếng đá xếp, người ta lấy nước từ những thủy lộ ngầm dưới những lớp đá bên dưới mặt đất nên có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng dòng nước này vô cùng tinh khiết.
Người ta làm giếng máng gồm bể lắng trên cùng, nước được dẫn ra bằng 2 máng dài được xếp bằng đá để phục vụ sinh hoạt. Phía bên dưới những cái giếng người ta sắp xếp những vuông đất theo kiểu ruộng bậc thang để trồng cải xoong. Nước giếng mùa đông thì ấm, mùa hè mát lạnh. Rau cải xoong ở đây trong môi trường tự nhiên nên hết sức thanh sạch, không nghi ngờ gì nữa để phong vị cho nó là nữ hoàng rau sạch, thậm chí người ta có thể “nhổ” rau ăn liền tại chỗ không cần phải rửa!
Được nuôi dưỡng trong một môi trường lý tưởng như thế nên thân rau cao lớn “mập mạp” căng nước. Rau được trồng nhiều, phủ phê đủ cung cấp cho cả vùng. Rau được trồng từ tháng 10 âm lịch kéo dài đến tháng 4, tháng 5 năm sau. Ai đã từng thưởng thức loại rau này một lần là ghiền ngay. Cánh tài xế đường dài sành ăn đi qua địa phận Gio Linh thường dừng xe lại, xe du lịch trên đường 9 cũng dừng lại “ăn cho đã”. Vùng quê luôn tự tin và hào sảng để mời khách bằng những dĩa rau đầy ắp “tràn hê”.
Mùa hè, gió Lào thổi ràn rạt khô khốc nóng bức chỉ cần trong bữa cơm có một dĩa rau để ăn thì tuyệt vời làm sao, nó làm dịu mát cơ thể. Mùi vị của nó không chê vào đâu được, ngọt thanh lại chua chua, thơm thơm, mằn mặn rau mềm ăm ắp nước nghĩa là đủ vị mặn ngọt chua hòa trộn.
Những cọng rau tươi xanh ngút trông rất hấp dẫn mời gọi. Dân dã quê kiểng thì chỉ cần một chút muối tiêu dầu giấm là đủ mà thậm chí ăn không cũng được, dọn ra cả thau rau một cách hoang dã mới đã đời làm sao. Còn ở quán ăn, nhà hàng người ta làm món cải xoong xào tỏi. Đặc biệt là món gỏi với thịt bò xào, cà chua hoặc trứng luộc thái mỏng thả trên dĩa rau, vừa bắt mắt lại thấm thía, dùng với cơm cũng tuyệt.
Đó là nói chuyện ẩm thực, còn có một yếu tố vô cùng quan trọng làm tăng giá trị dinh dưỡng và sức khỏe đối với loại rau trứ danh này mang lại. Nhiều anh bộ đội kể rằng lúc còn hành quân trong rừng, đói vàng mắt mà may mắn gặp được những vạt rau liệt mọc dọc dài bên suối thì thi nhau mà ăn cho no luôn, nó còn làm cho mình khỏe ra để đi tiếp.
Người Quảng Trị ở Đà Nẵng, mùa hè nào cũng thế, hễ có ai ở quê vào thăm thường người thân biết ý, quà quê là mấy bó rau cải xoong là đủ thấm hồn quê thương nhớ.
HỒ SĨ BÌNH