Đà Nẵng cuối tuần

"Vươn lên" vì những người yếu thế

07:15, 10/12/2017 (GMT+7)

Lần đầu tiên, những dự án dành riêng cho các bạn trẻ từ 14-24 tuổi, đặc biệt là các bạn trẻ yếu thế có cơ hội thử hiện thực hóa các ý tưởng về khởi nghiệp được triển khai ở Đà Nẵng mang tên UPSHIFT – dự án “vươn lên”. Đây là chương trình phi lợi nhuận tìm kiếm và ươm mầm các doanh nghiệp xã hội.

Các thành viên của UPSHIFT Đà Nẵng tiếp cận với học sinh Trường Chuyên biệt Tương Lai đầu tháng 9-2017.
Các thành viên của UPSHIFT Đà Nẵng tiếp cận với học sinh Trường Chuyên biệt Tương Lai đầu tháng 9-2017.

Ươm tạo các ý tưởng

Từ 50 ý tưởng dự án gửi về cho chương trình, ban tổ chức UPSHIFT Việt Nam đã chọn ra 10 dự án và tiếp tục lọc còn 5 dự án để vào vòng ươm tạo trong 4 ngày diễn ra hội thảo kéo dài trong nửa cuối tháng 10 vừa qua, trước đại diện UNICEF Việt Nam, Mạng lưới khởi nghiệp trẻ Việt Nam (VYE) và Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng (DNES). 5 nhóm tốt nhất vào vòng ươm tạo được hỗ trợ 1.000 USD, tiếp tục thử chạy dự án trong 3 tháng và sẽ báo cáo trước hội đồng vào cuối tháng 1-2018.

Các nhóm dự án tổ chức 25 buổi, gặp gỡ 833 em tại các trung tâm, cơ sở bảo trợ trẻ em yếu thế, dễ bị tổn thương; các trường dạy nghề, THPT và cao đẳng, đại học. Trong đó có gần 300 em được tiếp cận thông tin về chương trình là đối tượng trẻ em yếu thế tại các trung tâm, ở Mái ấm số 5 của Trung tâm Giáo dục trẻ em đường phố Đà Nẵng, Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng, Làng Hy Vọng, Làng trẻ em SOS Đà Nẵng, Trường Chuyên biệt Tương Lai, Trung tâm Hướng nghiệp từ thiện, Trung tâm Passerelle Numeriques và mái ấm Giving it back to kids.

Nguyễn Phương Trang (đại diện nhóm ABY) với dự án Ứng dụng hỗ trợ kết nối và định hướng cho người khuyết tật, mang đến chương trình câu chuyện của chính em. Trang vốn gặp vấn đề về mắt từ khi còn nhỏ, nhưng em vẫn đi học ở trường bình thường.

Năm lớp 9, một trận sốt làm em giảm khá nhiều thị lực với mắt bên trái là ánh sáng âm, còn mắt bên phải là 1/10 (sau khi đã đeo kính), từ lớp 10 em bắt đầu vào học ở Trường phổ thông Nguyễn Đình Chiểu. Trang không muốn mình bị xem là khác biệt khi học THCS, em đi bán bánh nhưng bị mẹ ngăn cản vì mẹ muốn em ở trong vòng tròn an toàn, nhưng em lại không thích trạng thái thụ động ấy.

Năm nay 19 tuổi, Trang cùng các thành viên nhóm ABY triển khai dự án giúp người khuyết tật phát triển theo thế mạnh của họ, để mọi người trong xã hội thấy được người khuyết tật vẫn có nghị lực, có tài năng giống như người thường.

Hay dự án Quán cà-phê dành cho trẻ em khiếm thanh và khiếm thính của nhóm 4L. Các bạn nhận thấy trẻ em khiếm thanh và khiếm thính khó khăn trong việc hòa nhập với cộng đồng vì rào cản ngôn ngữ và mặc cảm, vì vậy họ hướng tới dự án tạo môi trường để các em khiếm khuyết có thể vui chơi, làm việc, trang bị cho các em các kỹ năng sống cơ bản giúp các em tự tin hơn, phổ biến ngôn ngữ ký hiệu cho người nghe, nhằm mang đến cho những người bình thường trải nghiệm về cuộc sống của các trẻ em khiếm thanh và khiếm thính.

Nhóm sẽ thực hiện truyền thông trên fanpage, tổ chức 3 buổi hội thảo tại quán cà-phê, thực hiện các video và cẩm nang hướng dẫn về ngôn ngữ ký hiệu để người bình thường có thể tiếp cận loại ngôn ngữ này.

Truyền động lực cho người yếu thế

Năm 2014, dự án UPSHIFT được UNICEF triển khai lần đầu tiên tại Kosovo. Năm 2015, UNICEF phối hợp với VYE triển khai thí điểm UPSHIFT tại Việt Nam. Chương trình đã tạo ra tác động tích cực tới hơn 3.000 bạn trẻ, tìm kiếm được hơn 93 ý tưởng dự án và hỗ trợ triển khai thực tế được 4 dự án từ 10 dự án được chọn.

Năm 2017, UPSHIFT trở lại T.P Hồ Chí Minh, và mùa hè vừa qua đã chính thức có mặt ở Đà Nẵng, nơi cộng đồng có nhiều người nghèo, người bị ảnh hưởng bởi chiến tranh và người bị khuyết tật. Mục tiêu trở lại của dự án là hướng tới việc giúp giới trẻ nhận thức được vai trò của mình trong xã hội, trao quyền cho giới trẻ tham gia vào việc đóng góp ảnh hưởng tích cực cho xã hội và nuôi dưỡng ý tưởng thành lập những doanh nghiệp khởi nghiệp xã hội trong tương lai. 

Dự án không chỉ đào tạo chuyên sâu các kỹ năng: làm việc nhóm, tư duy phản biện, kiến thức về khởi nghiệp xã hội (các kỹ năng cần thiết của thế kỷ 21)…, mà quan trọng nhất là khuyến khích các bạn trẻ dám hiện thực hóa những ý tưởng khởi nghiệp xã hội ra ngoài cộng đồng bằng việc hỗ trợ về người hướng dẫn, tài chính, 3 tháng tư vấn hỗ trợ hiện thực hóa dự án.

Bằng chương trình của mình, UPSHIFT mong muốn đóng góp vào sự phát triển tương lai của giới trẻ thông qua việc huấn luyện các kỹ năng cần thiết, giúp thành viên các dự án tự tin hiện thực hóa các ý tưởng, giải pháp góp phần vào sự thay đổi của xã hội. Bên cạnh đó, UPSHIFT cũng mong muốn truyền động lực cho các bạn trẻ có hoàn cảnh khó khăn, các bạn trẻ là đối tượng yếu thế có thể phát triển kỹ năng cần thiết cho chính bản thân mình để thích ứng với thời đại mới.

Đây là lần đầu tiên một dự án giúp các bạn trẻ yếu thế, khuyết tật tự nghĩ ra các vấn đề của bản thân đang gặp phải, được hỗ trợ để giải quyết những khó khăn đó và có thể quay lại phục vụ chính các em. Giải pháp mà UNICEF đặt ra để không chỉ giải quyết nhu cầu vật chất mà còn là nhu cầu tinh thần của những người dễ bị tổn thương trong xã hội.

Lâu nay chúng ta mới biết đến những dự án tài trợ bằng tiền hoặc phương tiện cho người khuyết tật, người nghèo, thì nay một dự án thay đổi cách nghĩ của chính những người trong cuộc, giúp họ nhận ra nhu cầu của bản thân, nghĩ ra các bước đi tiếp theo và sẽ được UPSHIFT trang bị kiến thức và kỹ năng khởi nghiệp, cho những người rất trẻ, và sẽ có những dự án khả thi có nhà tài trợ rót vốn… Hy vọng từ đây, những người khuyết tật, người trẻ yếu thế tại Đà Nẵng sẽ có bước đi riêng trên con đường khẳng định bản thân.

HOÀNG NHUNG

.