Đà Nẵng cuối tuần
Thuốc lá, khó kiểm soát ở Đông Nam Á
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa tổ chức hội nghị về thuốc lá tại thủ đô Manila của Philippines nhằm đánh giá mức độ tuân thủ các quy ước khuôn khổ của WHO năm 2003. Tại đây, Liên minh Kiểm soát thuốc lá Đông Nam Á (SEATCA) đã có báo cáo khá bi quan về việc kiểm soát thuốc lá trong khu vực.
Liên minh này cho biết nỗ lực vận động hành lang của đại gia thuốc lá ở Đông Nam Á đã cản trở nỗ lực chống lại tác hại thuốc lá trên toàn cầu. Chẳng hạn, Malaysia và Indonesia đã chặn đứng kế hoạch tăng thuế thuốc lá.
Một nước khác thì bỏ các khoản thuế nhập khẩu thuốc khô… Quy định về bao bì phẳng (tức bao bì thuốc lá chỉ có 1 màu quy định và không ghi nhãn hiệu) ở Malaysia hay những cảnh báo trên bao bì thuốc lá ở Myanmar, Campuchia và Lào đã ngưng hoặc hoãn lại hồi năm ngoái. Tăng thuế là cách giúp giảm lượng người hút thuốc lá nhưng tăng thuế dẫn tới tăng buôn lậu và giảm thu nhập và việc làm khiến chính phủ các nước cân nhắc.
Ảnh: Internet |
SEATCA nhận định: Can thiệp của ngành công nghiệp thuốc lá vẫn là “vấn đề lớn” trong khu vực. Cố vấn cao cấp của SEATCA là Mary Assunta Kolandai đánh giá: Đông Nam Á đạt được tiến bộ rất chậm, giống như tốc độ của ốc sên! Ngành công nghiệp thuốc lá không bao giờ chịu dừng lại những ý tưởng làm suy yếu chính sách y tế.
Brunei và Philippines được xếp hạng nhất và nhì Đông Nam Á nhưng vẫn không có những tiến bộ trong việc kiểm soát thuốc lá. Đông Nam Á là khu vực có lượng người hút thuốc thuộc vào diện đông top đầu thế giới. Indonesia có tới 76,2% nam giới từ 15 tuổi trở lên hút thuốc lá, Lào (56,6%), Malaysia (43%), Campuchia (44,1%), Thái Lan (41,4%) và Việt Nam (47,7%).
LHQ cảnh báo việc hút thuốc lá dẫn tới mỗi năm có tới 7 triệu người tử vong. Gần 80% trong số hơn một tỷ người hút thuốc lá trên toàn thế giới sống ở những nước có thu nhập thấp và trung bình. Tờ Nation (Thái Lan) cho biết đại gia thuốc lá Mỹ là Philip Morris thông qua công ty quốc tế PMI nhằm vào thị trường một số nước Đông Nam Á để tăng doanh số.
Ở Indonesia, PMI bán ra sản phẩm U Mild với giá rẻ để thu hút lớp trẻ có thu nhập thấp và đang đầu tư 1,9 tỷ USD để mở rộng kinh doanh. PMI đứng sau một tổ chức phản đối các biện pháp kiểm soát thuốc lá, nhất là bao bì phẳng và tăng thuế…
Nên nhớ rằng năm 1954, Chủ tịch của Philip Morris nói “Nếu chúng tôi có bất kỳ suy nghĩ hay kiến thức nào về việc bán một sản phẩm có hại cho người tiêu dùng thì chúng tôi sẽ ngừng kinh doanh vào ngày mai”. Sau 63 năm, “ngày mai” vẫn chưa đến Philip Morris cũng như các đại gia thuốc lá khác trên thế giới…
ANH THƯ (Theo Nation)