Đà Nẵng cuối tuần

Cần sự chung tay của toàn xã hội

07:24, 03/12/2017 (GMT+7)

Mỗi năm, chương trình Chăm sóc sức khỏe tâm thần cộng đồng (CSSKTTCĐ) giúp hàng trăm lượt bệnh nhân (BN) tâm thần chữa bệnh, tái hòa nhập xã hội. Cũng như các địa phương khác, quận Sơn Trà có những cách làm mới để nâng cao hiệu quả điều trị. Nhưng những khó khăn chung trong việc điều trị căn bệnh này, quận Sơn Trà vẫn còn phải đối mặt lâu dài.

Một buổi khám bệnh tại địa phương do Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng và Bệnh viện Đa khoa Sơn Trà thực hiện. Ảnh: Q..T
Một buổi khám bệnh tại địa phương do Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng và Bệnh viện Đa khoa Sơn Trà thực hiện. Ảnh: Q..T

Giúp người bệnh hòa nhập xã hội

Nghiện rượu từ khi còn trẻ, hơn 10 năm trước, ông Đ.V.A (sinh năm 1969, phường Mân Thái) rơi vào tình trạng hoảng loạn, sợ bị người khác hại, mất ngủ triền miên. Mỗi khi lên cơn, ông tự cắn lưỡi mình. 10 năm nay ông uống thuốc do bác sĩ Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng kê toa. Mới đây, khi bác sĩ về thăm khám lại cho ông, họ quyết định tăng liều thuốc lên cho ông.

Bác sĩ Phan Thị Phương Quỳnh cho biết, từ đầu tháng 11 này, Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng phối hợp với bác sĩ đa khoa tuyến quận/huyện mỗi tuần 1 lần trực tiếp đến Đội Y tế dự phòng khám cho BN, luân phiên theo địa bàn. Việc thăm khám này chủ yếu kiểm tra xem tình trạng BN tiến triển theo hướng nào để điều chỉnh/thay đổi liều lượng thuốc phù hợp. Việc bác sĩ về khám tại địa phương giúp BN không phải đi xa, đồng thời giám sát công tác quản lý hồ sơ bệnh án, công tác cấp phát thuốc, công tác phát hiện BN mới tại địa phương.

“Khám bệnh tại cơ sở” là một trong những hoạt động của chương trình CSSKTTCĐ.  Hiện nay người nhập viện điều trị chỉ là con số khiêm tốn so với con số người tâm thần thường xuyên nhận thuốc tại trạm y tế. Hiện có hơn 300 mã bệnh liên quan đến các bệnh lý về thần kinh của con người. Trong số 10 loại bệnh lý tâm thần thường gặp tại Việt Nam, mới chỉ có 2 loại bệnh được đưa vào diện quản lý, điều trị theo chương trình mục tiêu quốc gia là tâm thần phân liệt và động kinh.

Hiện ở 56 phường, xã của Đà Nẵng có chương trình CSSKTTCĐ. Mỗi quận, huyện đều có ít nhất một bác sĩ và một điều dưỡng chuyên trách công tác quản lý và điều trị BN tâm thần trên địa bàn. Mỗi trạm y tế phường, xã đều có một cán bộ chuyên trách về sức khỏe tâm thần, quản lý hồ sơ và cấp phát thuốc cho BN miễn phí hằng tháng.

Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Hùng (Bệnh viện  Đa khoa quận Sơn Trà, phụ trách khám bệnh cho BN tâm thần trên địa bàn), với những BN có hành vi nguy hiểm, có biểu hiện cấp tính như lên cơn sẽ được đưa vào Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần; nếu tình trạng quá nặng sẽ đưa đến Bệnh viện Tâm thần thành phố để điều trị.

Còn với những BN nhẹ hơn, hiệu quả cao nhất là được chăm sóc, điều trị tại cộng đồng và cần kết hợp nhiều yếu tố để đem lại hiệu quả tích cực. BN phải được cấp thuốc; có cán bộ y tế theo dõi thường xuyên, giúp hỗ trợ về mặt tâm lý.

Theo ông Huỳnh Hiến (cán bộ chuyên trách tâm thần, Trung tâm Y tế quận Sơn Trà), đã có hàng trăm trường hợp BN tâm thần được phát hiện sớm và điều trị kịp thời thông qua những hoạt động của chương trình CSSKTTCĐ. Hằng năm, chương trình có những hoạt động khám sàng lọc tại tất cả các phường, xã trên địa bàn để phát hiện sớm BN trong cộng đồng.

Công tác CSSKTTCĐ không chỉ theo dõi, cấp phát thuốc mà quan trọng hơn là giúp BN tái hòa nhập xã hội. Như trường hợp gia đình bà V.T.T.H (sinh năm 1972, phường Mân Thái, quận Sơn Trà). Bà H. bị tâm thần phân liệt nhiều năm nay, con trai bà cũng bị động kinh, hoàn cảnh gia đình khó khăn. Đầu năm 2016, chương trình “Vòng tay yêu thương” của Trạm y tế phường Mân Thái đã hỗ trợ bà 1 triệu đồng làm vốn để bán hàng gia vị tại chợ. Nhờ được tuyên truyền, hướng dẫn uống thuốc đều đặn, bà H. đã có thể tự lao động nuôi sống bản thân và chăm sóc con trai bị bệnh nặng hơn.

Theo đánh giá của Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng, nhờ vào chương trình CSSKTTCĐ, BN không chỉ được chữa bệnh mà còn được tư vấn nâng cao nhận thức và phục hồi chức năng tâm lý xã hội tốt nhất ngay tại gia đình và nơi sinh sống. Nhờ đó, số lượng BN phải nhập viện điều trị giảm, giảm thiểu tối đa chi phí cho gia đình và gánh nặng cho xã hội.

Còn nhiều khó khăn

Bác sĩ Trần Thiện Thanh, Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến và CSSKTTCĐ, Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng cho rằng, hiện nay nhận thức tầm quan trọng của vấn đề sức khỏe tâm thần được nâng lên rất nhiều, nhưng vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Nguồn nhân lực thiếu trầm trọng, đặc biệt ở tuyến địa phương.

Người bệnh tâm thần thường mắc chứng tâm thần phân liệt, với các dạng rối loạn thường gây hậu quả về sức khỏe như: động kinh, khuyết tật thần kinh, tổn thương não, lạm dụng rượu và ma túy... Ngoài điều trị nội trú, cần có chế độ phục hồi chức năng.

Đến nay, quy trình chăm sóc và phục hồi chức năng chưa được luân phiên; kỹ năng và phương pháp chăm sóc chưa khoa học, chưa có dịch vụ trị liệu tâm lý; cán bộ, nhân viên chưa được đào tạo chuyên nghiệp trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tâm thần.

Trạm y tế địa phương chỉ có 6 cán bộ, rất khó để vừa làm công tác tuyên truyền, vừa phục hồi chức năng. Thứ hai là vấn đề về kinh phí, cơ chế, chính sách trợ giúp xã hội chưa đầy đủ và còn nhiều bất cập, chưa phù hợp với đời sống xã hội hiện nay.

Người bệnh tâm thần nặng được hưởng trợ cấp hằng tháng với mức còn thấp so với mức sinh hoạt (405.000 đồng/người/tháng). Ngân sách hoạt động cho ngành tâm thần thấp. Thuốc được sử dụng thuộc thế hệ cũ, rẻ tiền, ít hiệu quả.

Mục tiêu CSSKTTCĐ là hướng tới BN tâm thần có thể được chăm sóc hòa nhập ngay tại cộng đồng. Song, trên thực tế, BN vẫn còn bị kỳ thị, chịu sự phân biệt, đối xử trong đời sống và điều trị. Sau khi thực hiện điều trị ở các cơ sở y tế, nhiều BN được trở về với gia đình.

Sự nỗ lực của người thân và cộng đồng sẽ giúp họ hòa nhập tốt hơn với xã hội. Tuy nhiên, họ lại chưa được quan tâm đúng mức tại cộng đồng, đây chính là “rào cản” lớn nhất của chương trình.

Một trở ngại khác trong công tác điều trị BN là tình trạng bỏ dở điều trị của người bệnh. Theo bà Huỳnh Thị Thủy, Trưởng trạm Y tế phường Mân Thái, BN tâm thần không bao giờ ra viện, đồng nghĩa họ phải uống thuốc cả đời, nếu không muốn bị lên cơn.

Tuy nhiên, rất khó để BN tuân thủ phác đồ điều trị lâu dài như vậy. Nguyên nhân là do BN thiếu sự quan tâm chăm sóc từ phía gia đình, người thân, bản thân người bệnh thường mặc cảm, không muốn chấp nhận việc mình đang bị bệnh.

Một nguyên nhân nữa là có một số thuốc người bệnh không được nhận tại trạm y tế mà phải nhận tại Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng. Trong khi đó, hầu hết BN có hoàn cảnh khó khăn, thậm chí đơn chiếc. Vận động, khuyên nhủ họ uống thuốc đều đặn đã là một nỗ lực không nhỏ.

“Chúng tôi rất mong thuốc dùng cho BN tâm thần nên để tại Trung tâm Y tế quận/huyện hoặc tại trạm y tế để BN thuận tiện đến nhận. Nhiều người ngại xa, không đi nhận thuốc là dang dở phác đồ điều trị”, bà Thủy nhấn mạnh.

Tính đến cuối tháng 10-2017, số BN tâm thần nhận thuốc tại cộng đồng là 3.490 người (trong đó, tâm thần phân liệt là 1.747 BN, động kinh là 1.843 BN, không tính BN của các trung tâm thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Đà Nẵng); BN đang điều trị tại Bệnh viện tâm thần khoảng 1.032 người.

QUỲNH TRANG

.