Đà Nẵng cuối tuần

Phương thuốc tình thương

07:23, 03/12/2017 (GMT+7)

Vì thương mà kiên nhẫn chỉ bày, vì thương mà thường xuyên trò chuyện, xoa dịu, dỗ dành, trả lời những câu hỏi đôi khi rất vô nghĩa, và cũng vì thương mà họ sẵn lòng tha thứ dù không ít lần bị bệnh nhân lao tới bóp cổ, la hét, chửi bới, thậm chí đòi giết nếu có cơ hội…

Anh Nguyễn Văn Lâm (trái) thường xuyên dành thời gian trò chuyện với người bệnh tại khuôn viên Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng. Ảnh: T.Y
Anh Nguyễn Văn Lâm (trái) thường xuyên dành thời gian trò chuyện với người bệnh tại khuôn viên Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng. Ảnh: T.Y

Mỗi bệnh nhân là một đứa trẻ

Nhiều lần bước vào Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng để tác nghiệp, tôi đã vượt qua được nỗi sợ hãi ban đầu, bắt đầu trò chuyện với người bệnh, hỏi han và cười cùng họ. Dù câu chuyện của người tâm thần đôi khi rất rời rạc, mông lung, xa rời thực tế. Như có anh bị ma túy tàn phá, đầu óc lúc nào cũng u u mê mê, nói như người “ở cõi trên”, rằng anh là Thiên lôi được Ngọc hoàng phái xuống hạ giới để trừng trị những ai hư hỏng, dám cãi lời.

Anh “khoe” trước khi vào đây (bệnh viện – PV) anh đã đấm vào mặt mấy đứa dám trâng tráo nhìn anh cười cợt. Có anh lại thích vẽ tranh, vẽ được gì lại mang đi khoe từng người và “đòi” người ta phải nhận xét tranh của anh đẹp hay xấu.

Cuối cùng, anh lẳng lặng mang tranh ra ngồi ở góc sân, nhìn vào đó rồi phá lên cười, đôi khi là khóc, nói rằng điều cuối cùng anh nhớ được là con gái của anh vẽ rất đẹp, ở viện nhớ con, nên anh cố vẽ để nếu có dịp gặp thì “khoe” nó. Mấy chị hộ lý bảo, đó là lúc anh tỉnh táo nhất. 

Người tâm thần bị coi là “điên”, không biết gì, lúc nào cũng có thể nổi nóng, đập phá đồ đạc, sáp vô đánh người nên bị xã hội xa lánh, thậm chí không bao giờ trò chuyện, hỏi han. Nhưng ít ai biết rằng, càng xa lánh, người bệnh càng chìm sâu vào thế giới của những cơn mê, càng dễ “lên cơn” vì tinh thần bí bách.

Như đã quen, chị Nguyễn Thị Thu Ba, Điều dưỡng trưởng khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng luôn nói chuyện nhẹ nhàng, chậm rãi. Theo chị, người bệnh tâm thần hầu như mất đi nhiều khả năng sinh hoạt bình thường, ngay cả việc vệ sinh cá nhân đơn giản như đánh răng cũng dễ bị lãng quên nếu không có người hằng ngày nhắc nhở, hướng dẫn.

Vì thế, việc thực hiện những biện pháp phục hồi khả năng sinh hoạt cho người bệnh là một phần trong kế hoạch trị liệu. Chị Thu Ba cho biết: “Trong điều trị bệnh tâm thần, khoa Phục hồi chức năng được xem là khoa điều trị cuối cùng trước khi đưa người bệnh tái hòa nhập xã hội. Tuy nhiên, việc điều trị bằng thuốc chỉ giúp người bệnh ổn định trạng thái tinh thần, cải thiện khả năng tư duy và nhận thức chứ không thể phục hồi tất cả những khả năng sinh hoạt.

Chưa kể, đa phần người bệnh điều trị lâu năm ở bệnh viện dường như đã quen với việc sống phụ thuộc vào sự giúp đỡ, chỉ dẫn và chăm sóc của đội ngũ y tế, không chịu áp lực kiếm tiền, chăm sóc người thân nên dần mất ý thức trách nhiệm của mình. Khi về với gia đình, họ vô tình trở thành gánh nặng”.

Gần 30 năm gắn bó với khoa Phục hồi chức năng, chị Thu Ba lắm khi thấy mình như cô giáo dạy mầm non. Mỗi người bệnh là một đứa trẻ. Lắm khi, chị phải hướng dẫn họ mặc lại quần áo, bày cách đánh răng, rửa sạch bàn chải, vặn lại vòi nước trong nhà vệ sinh… Ai làm tốt, chị lại động viên, khuyến khích bằng một nụ cười hoặc bằng cái xiết tay tin cậy.

Trăn trở hai tiếng gia đình

“T. ơi, lại đây nói chuyện chút nào”, anh Nguyễn Văn Lâm, kỹ thuật viên phục hồi chức năng đi ngang buồng bệnh cất tiếng gọi. Nam thanh niên từ bên trong chậm rãi đi ra, nhìn Lâm gãi đầu, cười ngờ nghệch: “Em biết anh dặn em cái chi rồi. Ít bữa về nhà thì giúp má quét nhà, tự đánh răng, không đi phá làng phá xóm. À, mà không được hút thuốc nữa. Em nhớ cả rồi mà”.

Lâm cười, hỏi tiếp: “Còn gì nữa không?”. Nam thanh niên trả lời “À, cố gắng không được vào đây gặp anh nữa” rồi phá lên cười lớn. Giữa lúc cậu thanh niên quay đi, Lâm nhìn tôi, nói nhỏ: “T. bữa ni tỉnh táo rồi chứ tháng trước vào đây suốt ngày cứ lẩm bẩm cười nói một mình, ngẩn ngơ ngơ ngẩn vì bị tình phụ, tìm quên trong men rượu, thuốc lá đến phát điên”. Giờ thì sức khỏe, tâm trạng của T. đều khá hơn, chuẩn bị gia đình lên đón về chăm sóc, thuốc thang.

Anh Lâm cho biết, suốt ngày tiếp xúc với người bệnh, anh biết ai nên la, ai nên dỗ. Dỗ như thế nào, la mắng ra sao cũng phải suy tính kỹ. Bởi có người, càng dỗ càng làm nũng, càng la càng nóng tính. Cũng có người, tới giờ ăn không chịu ăn, phải “dỗ gần chết” mới đút được chén cơm. Cực, nhưng chưa bao giờ trong anh Lâm có suy nghĩ sẽ bỏ nghề. 

Mỗi ngày, khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng có từ 40 đến 50 bệnh nhân được điều trị. Mỗi người một câu chuyện, một hoàn cảnh, một góc khuất của cuộc đời. Trong đó có không ít người bệnh có thâm niên vào, ra bệnh viện gần 20 năm.

Có gia đình, lần lượt 5 anh em được người nhà đưa vào điều trị một thời gian rồi bỏ mặc. May mắn thì tinh thần ổn định, nhận biết được mọi thứ xung quanh để có thể trở về đời thường, còn không thì cứ quẩn quanh trong khuôn viên bệnh viện từ năm này sang năm khác.

Tại Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng, không ai không biết B., một thanh niên cao lớn, đẹp trai, trắng trẻo bỗng trở nên im lặng đến khó hiểu. B. không bao giờ cười, không bao giờ nói chuyện, lúc nào cũng nhìn ngó bâng quơ, thỉnh thoảng hét lên một tiếng thật lớn rồi đưa hai tay ôm lấy đầu.

Nhìn B., ai cũng xa xót và nuối tiếc cho một cuộc đời. Mọi người kể lại, chừng 2 năm trước, B. đưa người yêu đi tắm biển chẳng may hụt chân. Người yêu anh chới với trong dòng nước rồi bị sóng cuốn xa ra ngay trước mặt B. mà anh không cứu được. Chị mất, anh đau buồn đến hóa khùng hóa điên, ai khuyên nhủ chi cũng bỏ ngoài tai. Rồi chứng trầm cảm xuất hiện, nhiều lần anh có ý định tự tử nhưng được gia đình phát hiện kịp thời. Mẹ của anh, cứ một thời gian lại đưa anh đi khám.

Điều dưỡng viên Võ Hữu Nghị cho biết, sự thương cảm cho mỗi mảnh đời, mỗi hoàn cảnh người bệnh tâm thần đã giúp ông tiếp tục bám nghề. Hơn 30 năm công tác tại bệnh viện, ông đã kịp ghi lại “99 câu chuyện” và “99 câu thơ” về những người điên mà ông có dịp gần gũi, chăm sóc. Đó là khi ông nhìn thấy người bệnh đòi ăn thịt sống, tự bóc miếng da ghẻ lở bỏ vào miệng…

Những câu chuyện ông viết lại như một sự chia sẻ, trăn trở với nghề, chứ không thể phổ biến ra bên ngoài vì nó quá đau buồn. Bởi viết thật, nên kể cả cách đặt tên cho mỗi truyện ngắn, ông cũng không cần trau chuốt, như “Treo cổ”, “Đào mộ”, “Ăn hốt”, “Bắt nhầm”, “Tưởng ghen”...

Trong câu chuyện của mình, ông Nghị nói rằng điều ông băn khoăn nhất trong nghề chính là chuyện kết nối giữa người bệnh và gia đình theo thời gian hầu như bị phá vỡ hoàn toàn. Có người vào viện mấy năm không có ai vào thăm.

Có người lành bệnh, bệnh viện liên lạc gia đình vào đón nhưng cuối cùng chờ mãi chẳng thấy đâu. Thậm chí, có nhiều bệnh nhân vô danh, được người đi đường đưa vào viện mãi mãi không tìm được người thân. “Mọi người không biết rằng, chính sự quan tâm, gần gũi của người thân là liều thuốc tinh thần tốt nhất giúp họ chóng phục hồi. Gia đình, hai tiếng đó luôn là nỗi buồn ẩn sâu trong lòng họ mà phải thật thân thiết, họ mới chịu mở miệng chia sẻ”, ông Nghị nói.

Có thể nói, làm việc trong ngành y là mơ ước của nhiều người, nhưng công tác trong bệnh viện tâm thần lại là nghề nguy hiểm, giỏi tâm lý và giỏi chịu đựng. Điều trị cho bệnh nhân không chỉ là trách nhiệm, bổn phận mà còn là tình thương giữa người với người, với nhau.

TIỂU YẾN

.