Đà Nẵng cuối tuần

Nhận thức đúng về sức khỏe tâm thần

07:22, 03/12/2017 (GMT+7)

Lâu nay nhiều người cho rằng, chỉ những ai có những hành động kỳ quặc, hay la hét nhảy múa, đi lang thang ngoài đường, đầu xù tóc rối… mới mắc bệnh tâm thần. Trên thực tế, có đến hàng trăm loại rối loạn tâm thần, trong đó có không ít căn bệnh đồng hành với sự phát triển của xã hội hiện đại và quá trình đô thị hóa.

Thi xếp vàng mã - một trong những hình thức lao động trị liệu giúp bệnh nhân phục hồi trí nhớ tại Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần Đà Nẵng. Ảnh: V.T.L
Thi xếp vàng mã - một trong những hình thức lao động trị liệu giúp bệnh nhân phục hồi trí nhớ tại Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần Đà Nẵng. Ảnh: V.T.L

Theo Bảng phân loại bệnh quốc tế lần thứ 10 (ICD-10F) thì có hàng trăm rối loạn tâm thần. Những rối loạn này được xếp theo các mục từ F00 (mất trí) đến F99 (rối loạn tâm thần không xác định).

Do vậy, theo nhận định của BS Trần Nguyên Ngọc, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng, ngày nay phạm vi khám chữa bệnh của chuyên khoa tâm thần rất rộng, bao gồm các dạng: Rối loạn giấc ngủ; rối loạn cảm xúc; rối loạn hành vi; rối loạn tâm thần do bệnh nội khoa, do nội sinh, do nghiện chất; rối loạn nhân cách,…

“Tuy nhiên, các triệu chứng như ăn kém ngon, đau đầu, mất ngủ, buồn chán, hay cáu gắt, mệt mỏi lâu dài không rõ lý do,… không chỉ là triệu chứng của các rối loạn tâm thần mà còn là triệu chứng của nhiều bệnh thực thể khác. Cho nên trước khi kết luận bệnh nhân (có các triệu chứng này) bị rối loạn tâm thần thì thầy thuốc phải loại trừ các bệnh thực thể”, BS Ngọc phân tích.

Các khảo sát gần đây cho thấy, rối loạn tâm thần đồng hành với sự phát triển của xã hội hiện đại và quá trình đô thị hóa. Các bệnh viện tâm thần, nếu như trước đây, gặp nhiều các rối loạn tâm thần nội sinh (tâm thần phân liệt, rối loạn cảm xúc lưỡng cực,…) thì nay gặp nhiều các rối loạn tâm thần do căn nguyên tâm lý (trầm cảm, lo âu, rối loạn stress sau sang chấn,…). Đặc biệt, ngày nay trầm cảm là nguyên nhân gây mất chức năng hàng đầu và tạo gánh nặng bệnh tật lớn cho toàn thế giới.

Trong Đông y, theo Lương y Phan Công Tuấn, Bệnh viên Y học cổ truyền Đà Nẵng, không có bệnh danh Tâm thần phân liệt, nhưng căn cứ các triệu chứng lâm sàng thì bệnh này thuộc phạm vi của chứng điên cuồng. Điên là trạng thái trầm tĩnh, lơ mơ ngây đần, tương ứng với thể trầm cảm của bệnh; cuồng là trạng thái kích thích, hung hăng đập phá, tương ứng với thể hưng phấn của bệnh.

Theo y học cổ truyền, nguyên nhân gây ra bệnh là do tinh thần bị kích động, lo nghĩ, giận dữ quá độ gây ra các rối loạn hoạt động của các tạng tâm, can, tỳ, phát sinh ra đàm, nếu đàm khí uất kết sinh chứng điên, nếu đàm khí hóa hỏa thì sinh chứng cuồng.

Ngày nay, nếu Tây y cho rằng các nguyên nhân chính dẫn đến trầm cảm, loạn thần là do áp lực học hành, cạnh tranh trong cuộc sống, mâu thuẫn gia đình và xã hội, nghiện chất kích thích, nghiện Internet,… thì Đông y khẳng định nguyên nhân dẫn đến chứng loạn thần là do sử dụng ma túy, nhất là ma túy tổng hợp.

Theo thống kê của Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng, số bệnh nhân đến khám tại đây hiện tăng gấp 3 - 4 lần so với 15 năm trước. Nếu như trước đây đến khám chủ yếu là bệnh nhân tâm thần phân liệt và động kinh thì nay là bệnh nhân rối loạn tâm thần do căn nguyên tâm lý (trầm cảm, lo âu, rối loạn tâm thần do nghiện chất, rối loạn tâm thần trẻ em,…) lại chiếm ưu thế.

Về sự “chuyển kênh” đối tượng bệnh lý này, BS Ngọc đưa ra 3 nguyên nhân. Thứ nhất, công tác tuyên truyền về phát hiện sớm các rối loạn tâm thần được Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng thực hiện thường xuyên, liên tục dưới nhiều hình thức khác nhau.

Thứ hai, ý thức phòng và chữa bệnh của người dân ngày càng cao; sự mặc cảm và kỳ thị của người dân đối với các rối loạn tâm thần giảm rõ rệt. Thứ ba, Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng đã điều trị có hiệu quả nhiều loại rối loạn tâm thần khác nhau, tạo niềm tin cho nhân dân và giúp họ tránh xa các phương pháp điều trị phản khoa học hoặc giấu bệnh nhân ở nhà.

Ở Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần Đà Nẵng, trong 9 tháng đầu năm 2017, số bệnh nhân điều trị tại đây là 372 người, tăng 35 người so cuối năm 2016. Ông Nguyễn Văn Cần, Giám đốc Trung tâm cho biết, để thực hiện công tác điều trị bệnh nhân có hiệu quả, phù hợp với từng dạng bệnh, Phòng Y tế của đơn vị đã tiến hành phân loại bệnh nhân, trong đó có 295 bệnh nhân mắc bệnh tâm thần phân liệt, 21 bệnh nhân mắc bệnh động kinh, 20 bệnh nhân có dạng bệnh rối loạn tâm thần khác...

Ngoài công tác khám và điều trị các bệnh đa khoa, tập vật lý trị liệu, phục hồi chức năng, trung tâm cũng chú trọng đến việc hướng dẫn lao động trị liệu và hướng dẫn hành vi cho bệnh nhân đang được nuôi dưỡng, điều trị tại trung tâm.

Bệnh nhân được hướng dẫn một số công việc nhẹ nhàng đời thường như bóc hành, bóc tỏi,... Riêng bệnh nhân nữ cùng nhau làm móc khóa, làm hoa giả... Đặc biệt, mọi bệnh nhân cùng thi xếp giấy vàng mã xem ai phân biệt đúng màu sắc, xếp đúng thứ tự và đúng quy cách.

Ông Cần cho biết, liệu pháp lao động trị liệu này tập cho bệnh nhân nhận biết lại các hành vi đã lãng quên (phục hồi trí nhớ) do căn bệnh - một trong những nội dung chăm sóc, quản lý, điều trị cho bệnh nhân tâm thần tại trung tâm.

Tuy giá trị về tiền bạc không nhiều (tiền công được bao nhiêu, trung tâm mua quà bánh bồi dưỡng lại cho bệnh nhân) nhưng giá trị chữa bệnh là rất lớn. Ngoài tham gia lao động trị liệu, bệnh nhân còn được hướng dẫn tham gia các trò chơi thể thao, văn nghệ, tham gia sinh hoạt hàng tuần,... Từ đó, bệnh nhân tiến triển tốt về sức khỏe tâm thần, nhận thức ít nhiều về bản thân và giảm dần các biểu hiện rối loạn hành vi.

Xã hội càng phát triển, áp lực cuộc sống càng nhiều khiến bệnh tâm thần đang có xu hướng gia tăng. Hiện nay số người được chẩn đoán và tự biết mình có vấn đề về sức khỏe tâm thần chỉ chiếm chưa tới 30%. Số còn lại không biết hoặc không thừa nhận mình có vấn đề về sức khỏe tâm thần nên không được chăm sóc và điều trị kịp thời.

Vì thế, cần một nhận thức đúng về sức khỏe tâm thần để tất cả mọi biểu hiện của căn bệnh này đều được thăm khám, điều trị đúng liệu trình để tránh dẫn đến những hệ lụy khôn lường.

Theo số liệu từ Bộ Y tế, Việt Nam có khoảng 15% dân số mắc các rối loạn tâm thần phổ biến, 3 triệu người bị rối loạn tâm thần nặng. Chỉ tính riêng 10 bệnh tâm thần thường gặp nhất như: Trầm cảm, động kinh, rối loạn hành vi, tâm thần phân liệt... đã có hơn 13 triệu người mắc. Tuy nhiên, số người bệnh được chữa trị còn rất thấp, cứ 10 người thì chỉ có 2-3 người được điều trị.

VĂN THÀNH LÊ

.