Dạy và học ở nông thôn

Tiếp cận mới trong dạy và học tiếng Anh

.

So với học sinh tiểu học ở các quận trung tâm thành phố, học sinh trên địa bàn huyện Hòa Vang không chỉ thiếu thốn cơ sở vật chất dạy và học mà còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận giáo viên hay người nước ngoài để thực hành nghe nói môn ngoại ngữ.

Tuy nhiên, trong vài năm gần đây, học sinh tiểu học được học nhiều chương trình tiếng Anh mới và hiện đại, góp phần nâng cao các kỹ năng ngay từ đầu cấp, tạo nền tảng vững chắc để tiếp thu chương trình ở bậc THCS.

Cô giáo Trường tiểu học số 1 Hòa Tiến hướng dẫn học sinh học tiếng Anh theo chương trình của Công ty Victoria.
Cô giáo Trường tiểu học số 1 Hòa Tiến hướng dẫn học sinh học tiếng Anh theo chương trình của Công ty Victoria.

Phát triển vốn từ, phát âm chuẩn

Theo báo cáo của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hòa Vang, trong năm học 2017-2018, phòng thực hiện đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng dạy học tiếng Anh; đồng thời tham mưu các cấp đầu tư trang bị máy tính và các điều kiện để thực hiện dạy tiếng Anh có hiệu quả.

Bên cạnh đó, phòng chỉ đạo các trường tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, phương pháp dạy và học tiếng Anh do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Đến nay, trên địa bàn huyện có 2 trường dạy tiếng Anh cho học sinh lớp 3, 4 theo chương trình Smart Start của Công ty CP Giáo dục Đại Trường Phát gồm Trường tiểu học Hòa Bắc và Trường tiểu học số 2 Hòa Liên; có 3 trường dạy tiếng Anh theo chương trình Next Stop dành cho học sinh lớp 1, 2 của Công ty CP Giáo dục và Đào tạo Victoria gồm Trường tiểu học số 2 Hòa Khương, Trường tiểu học Lê Kim Lăng và Trường tiểu học số 1 Hòa Tiến.

Chia sẻ về kết quả sau 1 năm triển khai dạy tiếng Anh theo chương trình của Victoria, cô Đặng Thị Thêm, Hiệu phó Trường tiểu học số 1 Hòa Tiến cho biết, để thực hiện tốt chương trình, ngay từ đầu năm học, nhà trường tổ chức họp phụ huynh lấy ý kiến, sau đó ký cam kết tham gia.

Trong năm học 2017-2018, có 10 lớp thực hiện đối với học sinh lớp 1 và lớp 2, còn học sinh lớp 3, 4, 5 vẫn học theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Học phí mỗi em là 50.000 đồng/tháng. Mỗi tuần, các em được học 2 tiết trong chương trình chính khóa.

“Ưu điểm của chương trình này là học sinh làm quen tiếng Anh trên máy chiếu như giới thiệu tên, cách chào hỏi, màu sắc, hoa quả và biết một số văn hóa của các nước trên thế giới. Học sinh được nghe đọc trên máy nên dễ tiếp thu, phát âm chuẩn.

Cuối năm, các em thực hiện bài kiểm tra bằng các đề thi in sẵn. Qua đó, nhà trường chọn ra một số em tiêu biểu tham gia hội thi giao lưu giữa các trường trong ngành. Nhà trường cũng tận dụng giáo viên nhà trường để dạy, không phải nhận giáo viên của Công ty Victoria”, cô Thêm chia sẻ.

Là giáo viên tiếng Anh được phân công trực tiếp dạy chương trình của Công ty Victoria, cô Nguyễn Thị Thanh cho biết, sách giáo khoa của chương trình khá phong phú, có nhiều tranh ảnh, màu sắc và các trò chơi cho học sinh tham gia.

Giáo viên chỉ việc sử dụng màn hình chiếu và hướng dẫn học sinh thực hành. Hằng năm, công ty còn cử người về dự giờ và khảo sát để đóng góp, xây dựng cho thầy cô dạy tốt hơn. Đề bài thi cũng ra vừa tầm với khả năng của các em nên kết quả làm bài rất tốt, giúp học sinh nhớ được nhiều từ hơn. Nhờ vậy, khi lên lớp 3, các em tiếp thu bài theo chương trình của bộ rất nhanh.

Qua thực tế cho thấy, chương trình dạy tiếng Anh tiểu học của Công ty Victoria giúp giáo viên tiếp cận với phương pháp giảng dạy mới, hiện đại từ các chuyên gia nước ngoài; đồng thời được hỗ trợ cao nhất về thiết bị, tài liệu và thiết bị dạy học cho công tác giảng dạy.

Bên cạnh đó, nhà trường còn được đội ngũ cán bộ chuyên môn của công ty thường xuyên dự giờ, kiểm tra. Đặc biệt, các em học sinh được học phát âm chuẩn về ngữ âm, ngữ điệu theo người bản ngữ. Thông qua các bài hát, trò chơi, câu chuyện hấp dẫn đã giúp các em kích thích hoạt động trí não.

Sau khi hoàn thành khóa học lớp 1, nhiều em đã biết sử dụng tiếng Anh để giới thiệu tên mình, tên bố mẹ, màu sắc, con vật… Em Nguyễn Vương Gia Huy, học sinh lớp 2/1 Trường tiểu học số 1 Hòa Tiến vui vẻ cho biết: “Con học rất vui. Biết và nghe nói được nhiều từ. Các bài kiểm tra con đều được 10 điểm”.

Trong khi đó, chương trình Smart Start của Công ty CP Giáo dục Đại Trường Phát có 5 cấp độ dành cho những học sinh từ 6 đến 11 tuổi. Điểm nổi bật của chương trình này là bám sát khung chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đồng thời mở rộng thêm các nội dung thực tế với lớp học ở Việt Nam. Đặc biệt, yếu tố văn hóa, truyền thống Việt Nam được lồng ghép trong các bài học một cách tự nhiên, không khiên cưỡng.

Các bài học được thiết kế giúp học sinh dễ theo dõi, giáo viên có thể dễ dàng chuẩn bị bài giảng một cách nhanh chóng và hiệu quả. Học sinh còn được làm quen với dạng bài thi quốc tế thông qua các bài tập.

“Các chương trình này do các trường tự chọn sao cho phù hợp với điều kiện dạy và học của nhà trường. Hiện nay, Trường tiểu học Hòa Bắc và Trường tiểu học số 2 Hòa Liên đang triển khai thực hiện tốt. Ngoài ra, Trường tiểu học An Phước là trường duy nhất trên địa bàn huyện dạy và học chương trình tiếng Anh thiếu nhi DYNED từ năm 2013 và đem lại kết quả tốt.

Chương trình này giúp các em nghe nói tiếng Anh trực tiếp với người bản xứ trên màn hình và tai nghe. Hầu hết học sinh sau khi tham gia đều có vốn từ vựng tiếng Anh khá, tạo nền tảng kiến thức vững chắc để tiếp thu tốt chương trình tiếng Anh lớp 6”, bà Phạm Hồ Quỳnh Trang, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hòa Vang nhấn mạnh.

Cần quan tâm đến điều kiện học tập

Mặc dù các chương trình tiếng Anh mang lại hiệu quả khá tốt nhưng vẫn tồn tại một số bất cập cần khắc phục. Theo cô Nguyễn Thị Thanh, chương trình tiếng Anh lớp 1 của Công ty Victoria hơi nặng vì từ mới nhiều, các từ được học không thông dụng, âm tiết dài nên các em rất khó đọc khi mới bắt đầu học.

Ví dụ, sách của Bộ Giáo dục và Đào tạo, mỗi tiết chỉ học từ 3 - 4 từ vựng nhưng chương trình của Victoria giới thiệu tới 10 từ vựng. Các mẫu câu, đoạn hội thoại cũng dài, chưa thể áp dụng vào thực tế được.

Do đó, chương trình cần đưa vào một số từ đơn giản, một âm tiết, thông dụng hơn bởi Tiếng Việt của các em chưa hoàn chỉnh. Ngoài ra, chế độ cho giáo viên vẫn còn thấp, chỉ 40.000 đồng/tiết, chưa phù hợp với công sức của các thầy cô bỏ ra.

 Học sinh làm bài tập tiếng Anh theo giáo trình của Công ty Victoria.Ảnh: Đ.H.L
Học sinh làm bài tập tiếng Anh theo giáo trình của Công ty Victoria.Ảnh: Đ.H.L

Trong khi đó, cô Đinh Thị Dễ, Hiệu trưởng Trường tiểu học An Phước cho rằng, chương trình Tiếng Anh thiếu nhi DYNED mang lại hiệu quả rất cao cho người học do được trực tiếp nghe nói với người bản xứ trên máy bằng tai nghe.

Trong quá trình giao tiếp sẽ cho kết quả đúng sai ngay tại chỗ. Tuy nhiên, học phí tương đối cao so với học sinh vùng nông thôn, 110.000 đồng/tháng nên học sinh ít học, mỗi lớp chỉ có vài em tham gia. “Trước đây, công ty đầu tư một phòng Lab với 35 máy tính. Đến nay, nhiều máy đã bị hỏng nên năm học mới này nhà trường chưa tiếp tục thực hiện dạy và học được”, cô Dễ cho biết thêm.

Có thể nhận thấy rằng, tính hiệu quả của các chương trình tiếng Anh mới mang lại rất cao trong năm học 2017-2018, cụ thể trong Hội Giao lưu tiếng Anh học sinh lớp 2 do Công ty Victoria tổ chức, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã đoạt 9 giải gồm 1 giải nhất, 3 giải nhì và 5 giải ba.

Ngoài ra, còn có 2 học sinh đoạt giải ba cuộc thi giao lưu câu lạc bộ tiếng Anh cấp thành phố. Tuy nhiên, bên cạnh đó nhiều trường vẫn còn thiếu thốn cơ sở vật chất; thiết bị dạy và học chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng dạy học tiếng Anh.

Năm học vừa qua, trên địa bàn huyện có 11/19 trường tiểu học được trang bị phòng nghe nhìn bộ môn tiếng Anh (phòng Lab), giúp học sinh có cơ hội phát triển kỹ năng nghe nói tiếng Anh. Song do đặc thù của phòng học được bố trí theo thiết kế của dự án nên còn nhiều bất cập như số lượng học sinh nhiều hơn số máy, khoảng cách các cabin chật hẹp, hệ thống loa nghe trong phòng thường xuyên gặp sự cố, gây khó khăn cho giáo viên và học sinh khi thực hiện các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết.

Lãnh đạo ngành và địa phương các cấp cần quan tâm đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu đổi mới dạy và học tiếng Anh; đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát các hoạt động chuyên môn và chỉ đạo các trường tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, phương pháp dạy học nhằm nâng cao chất lượng giáo dục ở nông thôn hiện nay.

Đoàn Hạo Lương

;
.
.
.
.
.
.