Những năm qua, việc học ở Trung tâm học tập cộng đồng cũng như tham gia 4 mô hình học tập: “Cồng đồng học tập”, “Đơn vị học tập”, “Dòng họ học tập”, “Gia đình học tập” được người dân tại các xã ở huyện Hòa Vang tích cực hưởng ứng và đạt được nhiều kết quả.
Người dân thôn Bắc An, xã Hòa Tiến thường đến thư viện ở hội trường thôn để đọc sách, trau dồi thêm kiến thức. Ảnh: M.H |
Năm 2013, anh Phan Văn Hùng (sinh năm 1985, thôn Cẩm Toại Đông, xã Hòa Phong) quyết định bỏ việc về trồng nấm. Anh đọc hàng chục đầu sách về kỹ thuật trồng nấm rồi bắt tay vào làm 2 loại nấm bào ngư và linh chi.
Anh Hùng bảo, mình tự học từ sách, qua mạng Internet là chính. Đến năm 2017, anh đăng ký tham gia lớp dạy trồng nấm do Trung tâm học tập cộng đồng xã Hòa Phong tổ chức và cũng từ đó, năng suất sản xuất nấm bào ngư cũng như nấm linh chi tăng lên đáng kể. 5 năm qua, từ chuyện anh không nhận được sự ủng hộ từ gia đình, thì nay việc trồng nấm đã trở thành thu nhập chính của cả nhà.
Lúc trước, anh Hùng bổ sung chất dinh dưỡng cho phôi để trồng nấm bào ngư với liều lượng: 25kg cám gạo + 40kg cám bắp/1 tấn mùn cưa thì trung bình 1 bịch phôi cho ra 3-4 lạng nấm. Nhưng sau khi được những thầy cô ở lớp dạy trồng nấm hướng dẫn, anh đã thay đổi liều lượng với: 40kg cám gạo + 40kg cám bắp/1 tấn mùn cưa thì trung bình 1 bịch phôi cho ra 6-7 lạng nấm.
“Trước đây, tự học nên không được người có chuyên môn, nghiệp vụ hướng dẫn trực tiếp mà chỉ đọc, học kinh nghiệm người này, người kia, tham khảo sách này sách kia, không ai giống ai, phải tự rút ra bài học cho chính mình rồi áp dụng nên còn nhiều bất cập. Giờ đây, được các thầy cô ở Trường Cao đẳng Lương thực-Thực phẩm Đà Nẵng trực tiếp giảng dạy, tôi được trau dồi thêm rất nhiều những kiến thức hữu ích. Thấy năng suất nấm tăng lên nhiều so với trước đây, cả nhà tôi mừng lắm”, anh Hùng chia sẻ.
Có thể nhận thấy, Trung tâm học tập cộng đồng các xã chính là cầu nối nắm bắt nhu cầu người dân để mở các lớp học. Năm 2017, Trung tâm học tập cộng đồng xã Hòa Tiến đã mở được 3 lớp nghề chăn nuôi cho 89 lao động; tổ chức trồng lúa trung ngắn ngày, tập huấn kiến thức chăn nuôi, IPM, sản xuất an toàn thực phẩm, sản xuất lúa sử dụng phân hữu cơ, thông tin về tình hình thời sự, học tập nghị quyết cho 8.808 người. Đây là một trong những trung tâm tổ chức được nhiều buổi thông tin cho bà con nông dân của xã.
Cùng với việc tham gia học tập tại các Trung tâm học tập cộng đồng, việc tham gia các mô hình học tập cũng được người dân tại các xã ở huyện Hòa Vang chú trọng, trong đó có thể kể đến thôn Bắc An (xã Hòa Tiến). Nằm ở phía tây bắc của xã Hòa Tiến với 86 hộ/328 nhân khẩu, từ xưa đến nay, thôn Bắc An luôn có tiếng là một địa phương có truyền thống hiếu học.
Chính vì vậy, việc triển khai thực hiện Quyết định 281/QĐ-TTg “Đẩy mạnh phong trào toàn dân học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020” và kế hoạch xây dựng mô hình “Gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập” đã có nhiều thuận lợi. Đến nay, cả 86 hộ gia đình ở thôn đều tham gia mô hình “Gia đình học tập” và có 78/86 hộ đạt danh hiệu “Gia đình học tập”, đạt tỉ lệ 90,7%.
Thỉnh thoảng, vào sáng thứ bảy, chủ nhật, người dân thôn Bắc An, từ già đến trẻ lại ghé đến thư viện ở hội trường thôn để đọc sách, nâng cao hiểu biết. Có người chọn đọc những cuốn sách về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi; có người lại chọn cho mình những đầu sách về văn học để làm phong phú thêm đời sống tinh thần; những em học sinh thì thường chọn sách giáo khoa, sách tham khảo để đọc.
Ông Nguyễn Văn Trình, Trưởng thôn Bắc An cho hay: “Thư viện của thôn được thành lập từ năm 2009 với nguồn sách được ủng hộ từ những người con của thôn. Hiện thư viện có hơn 1.000 đầu sách với rất nhiều thể loại: sách giáo khoa, sách văn học, sách khoa học-kỹ thuật, sách lịch sử, truyện tranh,…
Thư viện mở cửa vào sáng thứ bảy, chủ nhật hằng tuần. Không chỉ được đọc sách, mọi người còn có thể mượn về nhà và trả lại cho thư viện theo đúng thời gian cam kết”. Vào đầu mỗi năm học, Chi hội Khuyến học thôn sẽ sử dụng nguồn sách giáo khoa được ủng hộ để tặng những em học sinh giỏi như một sự động viên các em trong học tập. Và từ lúc có thư viện thì ông Trình còn phát hiện được một điều rằng, người già ở thôn Bắc An rất thích đọc và nghiên cứu Truyện Kiều.
Có đứng giữa không gian sách từ thư viện nông thôn này, nhìn những người nông dân, những em học sinh nâng niu những cuốn sách, say sưa đọc chúng ta mới hiểu được sự ham học hỏi của họ. Không chỉ vậy, người dân nơi đây còn tăng cường học tập qua báo chí, truyền hình. Với họ, học là một cuộc hành trình chỉ có dài ra chứ không bao giờ dừng lại.
Ông Tán Văn Thạnh (thôn Bồ Bản 1, xã Hòa Phong) hồ hởi khoe về hai người con của ông, nay một đứa đã tốt nghiệp Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng), một đứa tốt nghiệp Trường ĐH Cảnh sát nhân dân.
Theo ông, việc tham gia mô hình “Gia đình học tập” đã tạo được động lực rất lớn để mỗi thành viên trong gia đình ông có ý thức trong việc học. Với ông Thạnh, học trong nhà trường, trên sách vở là chưa đủ, phải học thêm ở ngoài xã hội, học qua báo chí, truyền hình, học mọi lúc mọi nơi có thể.
Ông Thạnh chia sẻ: “Tôi thấy mô hình “Gia đình học tập” này rất hay và ý nghĩa. Như chuyện cãi vã, bạo lực gia đình, nhờ mô hình này mà có sự thuyên giảm đáng kể. Thông qua việc tích cực học tập thì những người chồng, người vợ hay lớn tiếng với nhau, rồi những ông chồng hay có xu hướng bạo lực được mở mang tầm hiểu biết, từ đó biết điều chỉnh việc cư xử sao cho mềm mỏng, hòa thuận hơn”.
Ông Nguyễn Văn Quý, Phó phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hòa Vang cho hay: “Mục đích chính của Trung tâm học tập cộng đồng là cần gì học nấy.
Vậy nên, cứ đầu năm, ban điều hành của các trung tâm sẽ khảo sát nhu cầu học tập của người dân để xây dựng kế hoạch mở các lớp dạy nghề. Cùng với đó là tổ chức các chuyên đề về giáo dục pháp luật, phòng chống bạo lực gia đình, thông tin về tình hình thời sự, học tập nghị quyết.
Hiện 11 xã trên địa bàn huyện đều có Trung tâm học tập cộng đồng, riêng Trung tâm học tập cộng đồng xã Hòa Tiến đã được hợp nhất với Trung tâm Văn hóa-Thể thao xã Hòa Tiến thành Trung tâm Văn hóa-Thể thao và học tập cộng đồng. Còn về việc xây dựng 4 mô hình học tập, sau mô hình thí điểm ở xã Hòa Tiến và xã Hòa Phong vào năm 2015, đến năm 2016, 4 mô hình này đã được triển khai đại trà ở 11 xã”.
Theo thống kê của Phòng GD&ĐT huyện Hòa Vang, trong năm 2017, toàn huyện có 5 xã: Hòa Phước, Hòa Châu, Hòa Tiến, Hòa Phong, Hòa Bắc đạt danh hiệu “Cộng đồng học tập” cấp xã loại tốt, xã Hòa Sơn đạt danh hiệu “Cộng đồng học tập” cấp xã loại khá. Ban nhân dân thôn Bắc An, xã Hòa Tiến, Trường THCS Nguyễn Bá Phát, Tộc Đặng Công (phái nhì) có thành tích trong phong trào xây dựng 4 mô hình học tập: “Cộng đồng học tập” cấp thôn, “Đơn vị học tập”, “Dòng họ học tập”, “Gia đình học tập”. |
Mai Hiền