Theo tiết lộ của Đặc phái viên Liên Hợp Quốc (LHQ) về Syria Staffan de Mistura hôm 4-9, các cường quốc sẽ có các cuộc đàm phán về việc thành lập một ủy ban để dẫn dắt cải cách hiến pháp ở Syria trong tháng này. Đây sẽ là một “khoảnh khắc thực sự” cho một tiến trình chính trị đáng tin cậy đối với cuộc nội chiến tàn bạo đang diễn ra ở Syria.
Chiến tranh kéo dài gây ra đói nghèo cho nhiều người dân vô tội tại Syria. Ảnh: BBC |
Xung đột trở thành nội chiến
Cuộc nội chiến ở Syria bắt đầu leo thang sau những cuộc biểu tình chống chính phủ hồi tháng 3-2011. Trước khi cuộc xung đột vũ trang diễn ra, đã có những người Syria lên tiếng chỉ trích chính phủ của Tổng thống Assad về tình trạng thất nghiệp tăng cao, tham nhũng trong bộ máy nhà nước và thiếu tự do chính trị. Vào tháng 3-2011, lấy cảm hứng từ các cuộc nổi dậy Mùa xuân Ả rập đang diễn ra trong khu vực, một nhóm thanh thiếu niên vẽ các khẩu hiệu chống chính phủ trên tường một trường học ở thành phố Deraa miền nam Syria. Họ đã bị lực lượng an ninh bắt và tra tấn. Vụ việc châm ngòi cho các cuộc biểu tình trên khắp Syria. Lực lượng chính phủ đàn áp tàn bạo các cuộc biểu tình, trong đó có việc sĩ quan an ninh bắn súng vào dân thường. Căng thẳng lên đỉnh điểm và thêm nhiều người xuống đường đòi Tổng thống Assad từ chức.
Để đáp lại việc chính phủ đàn áp mạnh tay các cuộc biểu tình, các phe nhóm đối lập bắt đầu trang bị vũ trang. Tổng thống Assad thề sẽ “nghiền nát” cái mà ông gọi là “chủ nghĩa khủng bố do các lực lượng bên ngoài tài trợ”. Tình trạng bạo lực nhanh chóng gia tăng, trong khi hàng trăm phe nhóm nổi dậy hình thành trên khắp đất nước để chiến đấu chống lại quân chính phủ và kiểm soát các thị trấn, làng mạc. Cho tới thời điểm này, cuộc xung đột không chỉ là trận chiến giữa chính phủ và quân nổi dậy mà đã nhuốm màu sắc tôn giáo, đưa người Hồi giáo Sunni-chiếm đa số dân Syria, chống lại người thiểu số Alawite, trong đó có gia đình Tổng thống Assad.
Kể từ khi bắt đầu cuộc nội chiến, các lực lượng nổi dậy có vũ trang đã lớn mạnh lên rất nhiều. Các binh sĩ nhà nước Hồi giáo (IS) tạo ra một “cuộc chiến trong một cuộc chiến”, đánh lại cả lực lượng nổi dậy ôn hòa và Mặt trận Nusra. Tuy nhiên, hiện nay nhóm IS bị khống chế về lãnh thổ và chỉ có khả năng gây ra một số cuộc tấn công thi thoảng. Ngoài ra còn có khía cạnh dân tộc thiểu số trong cuộc xung đột này, liên quan đến người thiểu số Kurd ở Syria, những người muốn thành lập vùng lãnh thổ do họ kiểm soát ở miền Bắc Syria. Trong cuộc chiến chống lại IS, Mỹ nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của người Kurd. Để đổi lại, Mỹ hỗ trợ vũ khí và các cuộc không kích cho các lực lượng của người Kurd.
Năm 2015, Nga bắt đầu chiến dịch ném bom để giúp Chính phủ Assad, sau một loạt các thất bại mà quân chính phủ Syria gánh chịu. Sự hỗ trợ của Nga, cùng với sự hỗ trợ trên mặt đất từ phong trào Hezbollah ở Lebanon được Iran ủng hộ, đã làm thay đổi tình thế cho lực lượng của Tổng thống Assad. Thắng lợi lớn nhất cho Tổng thống Assad, do Nga hỗ trợ, là chiếm lại quyền kiểm soát thành phố Aleppo vào tháng 12-2016, nơi từng là căn cứ lớn của phiến quân.
Cuộc chiến đại diện cho các đối thủ
Trong chiến dịch tranh cử, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói hàm ý rằng, cuộc chiến ở Syria không phải là một trong những ưu tiên của chính phủ ông. Thay vào đó, chính quyền của ông tập trung vào chiến đấu chống lại IS. Nhưng sau khi có nghi ngờ về một cuộc tấn công hóa học ở thị trấn Khan Shaykhun do quân nổi dậy kiểm soát hồi tháng 4-2017, Tổng thống Trump ra lệnh cho một cuộc tấn công dùng tên lửa hành trình vào một căn cứ không quân Syria. Đây là hành động quân sự trực tiếp đầu tiên của Mỹ chống lại lực lượng do Tổng thống Bashar al-Assad chỉ huy. Sau đó một năm, ngày 14-4-2018, Washington thực hiện một cuộc không kích khác, cùng với Pháp và Anh, để phản ứng lại một vụ tấn công vũ khí hóa học vào dân thường ở Douma, ngoại ô Damascus, nơi thuộc quyền kiểm soát của phe nổi dậy lúc đó. Mặc dù cuộc ném bom mới nhất được mô tả là “vụ tấn công qua đêm”, ông Trump đe dọa sẽ tiếp tục có hành động quân sự “nếu Chính phủ Syria dùng vũ khí hóa học trong tương lai”.
Tuy nhiên, thế lực có ảnh hưởng lớn nhất trên mặt đất lại không phải là Mỹ, mà là Chính phủ Nga, vốn ủng hộ Tổng thống Assad. Việc tồn tại của Tổng thống Syria được điện Kremlin coi là điều cốt lõi để duy trì lợi ích của Moscow ở Syria và khu vực. Bên cạnh đó là Iran, quốc gia có đa số dân là người Hồi giáo Shia, cũng là đồng minh thân cận của Tổng thống Assad. Lực lượng Hezbollah đã cử hàng ngàn chiến binh tới Syria để ủng hộ quân chính phủ.
Mặt khác, Ả rập Saudi, đối thủ chính của Iran ở Trung Đông, đã gửi viện trợ quân sự và tài chính cho phe phiến quân, trong đó có các nhóm Hồi giáo cực đoan. Các phe nhóm nổi dậy chống lại lực lượng của ông Assad cũng đã nhận được sự trợ giúp ở nhiều mức độ khác nhau từ các nước khác trong khu vực như Qatar và Jordan. Thổ Nhĩ Kỳ, nước láng giềng của Syria, cũng hỗ trợ các nhóm phiến quân chống lại Tổng thống Assad. Tổng thống Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ gọi Tổng thống Assad là một “tên khủng bố” và thường kêu gọi lật đổ ông. Ankara không thoải mái với chuyện người Kurd ở Syria có thắng lợi về chính trị và lãnh thổ trong cuộc xung đột này. Israel lại lo ngại về ảnh hưởng quân sự ngày càng gia tăng của Iran ở Syria và đã tiến hành các cuộc không kích nhắm vào các mục tiêu của Iran và Syria. Đây là một bằng chứng thêm cho thấy cuộc xung đột ở Syria đang trở thành một “cuộc chiến tranh đại diện” cho các đối thủ trong khu vực.
Trong một động thái mới, ngày 4-9, Nhà Trắng tuyên bố Mỹ và các đồng minh của mình cảnh báo sẽ phản ứng ngay lập tức nếu như Tổng thống Syria sử dụng vũ khí hóa học. Nhà Trắng khẳng định Mỹ hiện đang theo dõi chặt chẽ những diễn biến trong khu vực Idlib do quân nổi dậy chiếm đóng. Đây là khu vực mà Mỹ cho rằng Chính phủ Syria sẽ tiến hành một cuộc tấn công có khả năng gây ra một thảm họa nhân đạo. Trong khi đó, Điện Kremlin bác bỏ cảnh báo của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc Syria không được tiến hành một vụ tấn công tại tỉnh Idlib - vùng lãnh thổ Syria hiện do phe nổi dậy kiểm soát, và cho rằng khu vực này là một “ổ khủng bố”. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nêu rõ: “Chỉ nói ra vài lời cảnh báo, mà không tính đến nguy cơ rất nguy hiểm và tiêu cực đối với toàn bộ tình hình ở Syria, có lẽ là một sự tiếp cận không đầy đủ và không toàn diện”.
Ông Peskov cũng nói thêm rằng sự hiện diện của các phiến quân ở Idlib đã làm suy yếu tiến trình hòa bình Syria và biến khu vực này trở thành căn cứ cho các cuộc tấn công nhằm vào lực lượng Nga ở Syria. Ông cho hay tình hình xung quanh Idlib sẽ là một trong những chủ đề chính trong chương trình nghị sự khi các nhà lãnh đạo Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ gặp nhau tại Tehran trong tuần này. Các cuộc đàm phán riêng rẽ sẽ do ông De Mistura, Đặc phái viên LHQ về Syria tổ chức. Trong đó còn có một cuộc đàm phán khác bao gồm Mỹ và Saudi Arabia để thảo luận về việc thành lập ủy ban dẫn dắt cải cách hiến pháp ở Syria. Việc thành lập ủy ban này không được phép trở thành một “quá trình dài và quanh co về quy trình” nhưng nhấn mạnh vào các cải cách của Chính phủ Syria dẫn tới các cuộc bầu cử hậu chiến, mở ra một cánh cửa mới cho tiến trình chính trị ở Syria.
Khoảng 470.000 người thiệt mạng trong nội chiến Theo Trung tâm Nghiên cứu chính sách Syria, đến nay ước tính có khoảng 470.000 người thiệt mạng trong cuộc nội chiến ở Syria. LHQ ước tính khoảng 12 triệu người đã mất nhà cửa và hơn 5 triệu người chạy sang các quốc gia khác, trong đó phần lớn là phụ nữ và trẻ em. Ít nhất 10% người tị nạn xin tị nạn ở châu Âu. Có khoảng 13,5 triệu người (trong đó có 6 triệu trẻ em) ở Syria cần được hỗ trợ nhân đạo với mức chi phí 3,2 tỷ USD. Hiện có 70% dân số Syria thiếu nước uống, 1/3 dân số sống dưới mức nghèo và ít nhất 2 triệu trẻ em không tới trường. |
Đoàn Gia Huy