Mấy hôm nay nghe bọn trẻ con trong xóm gõ trống bập bùng lại nhớ những mùa Trung thu cũ-khi lũ chúng tôi còn là những đứa trẻ đầu trần chân đất, cứ mỗi mùa Trung thu về lại gò lưng chẻ tre dán lồng đèn, làm đầu lân rồi đêm đêm rồng rắn theo đám múa lân đi khắp xóm làng dưới ánh trăng ngà.
Để rồi đêm về mệt quá ngủ mơ, thấy mình lạc vào cung trăng, nơi có chị Hằng xinh đẹp và chú cuội già suốt bao năm ròng ngồi dưới gốc đa nhớ về quê cũ.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Kỷ niệm về những mùa Trung thu xưa cũ ấy luôn làm tôi và những đứa bạn cùng trang lứa nhắc nhớ mỗi khi gặp nhau hàn huyên chuyện ngày thơ ấu. Những năm tháng đó, nhà ai cũng nghèo.
Ba mẹ đứa nào cũng đầu tắt mặt tối lo chạy gạo nuôi con, nên chuyện vui chơi của lũ chúng tôi chỉ quanh quẩn với những thứ lượm, nhặt được trong vườn nhà, xó bếp. Con trai thì làm ná bắn chim, bắt cào cào, châu chấu rồi hái cỏ cú chơi đá gà. Con gái chơi nhảy dây, đánh chuyền hay hái lá mít, lá ổi chơi đồ hàng.
Nhưng cứ đến gần Trung thu là lũ con nít xóm tôi cả trai lẫn gái lại tụ tập cùng nhau làm đầu lân, ông địa và dán lồng đèn cho những đêm múa lân rộn ràng. Không có tiền mua các thứ, mỗi đứa lại về nhà mình tha lôi nào khăn, nào áo, cờ quạt ra góp cho cả bọn hì hụi cắt dán.
Và tôi cũng đã từng ăn roi mây của ba tôi vì cả gan đem chiếc áo dài bằng vải lương đen - mà ba tôi rất quý và chỉ mặc vào những dịp cúng tế quan trọng, góp cho bọn bạn trong xóm làm áo múa cho ông địa.
Những ngày ấy, hễ tan học là cả bọn xếp sách vở lại một góc và hì hụi làm sườn, làm khung cho đầu lân. Con trai khéo tay thì gò khung, cắt vải, cắt giấy dán mũi, làm mắt. Con gái thì khuấy hồ, phụ dán và làm những việc linh tinh khác.
Có đứa được phân công đi thám thính xóm trên, xóm dưới coi bọn con nít xóm kia làm ra sao rồi chạy về báo. Tất bật làm chừng hai ngày đã thành hình một cái đầu lân khá hùng dũng, oai vệ. Phần đuôi được chắp nối bằng các mảnh khăn nhiều màu quét qua, quét lại trông rất vui mắt.
Xong phần đầu lân là tới việc may áo, làm bụng, làm mặt nạ và quạt cho ông địa. Việc múa lân do các anh lớn đảm nhiệm. Còn lũ trẻ nít chúng tôi có nhiệm vụ cầm đuốc và xách lồng đèn đi theo đám múa lân.
Đuốc được làm bằng ống tre lồ ô cho dầu vào trong và nút bấc bằng giẻ. Còn lồng đèn thì đòi hỏi nhiều thứ hơn, dù chỉ là lồng đèn bánh ú được ghép bằng ba thanh tre vót mỏng chứ không phải những chiếc đèn ông sao, đèn kéo quân nhiều màu sắc rực rỡ mà bất cứ đứa con nít nào thời ấy cũng thèm thuồng. Để làm lồng đèn, chúng tôi phải chẻ tre làm khung rồi dán giấy màu.
Chiếc lồng đèn bánh ú có bảy mặt mà dán tới mấy màu xanh đỏ tím vàng; thậm chí có đứa còn xé vở học của mình lấy giấy dán vì không có tiền mua giấy màu. Chiếc lồng đèn đơn giản, cục mịch của thời khó khăn ấy là niềm vui bé mọn mà chúng tôi tự tay làm cho mình để có đồ chơi đêm Trung thu.
Không có tiền mua nến, tôi lấy đèn dầu cho vào trong lồng đèn xách đi theo đám múa lân. Và lúng túng thế nào đó, tôi đã làm lửa bén lên cháy hết cả cái lồng đèn bánh ú mà tôi đã cặm cụi mất một ngày chủ nhật để dán. Chỉ dám gạt nước mắt chớ không dám khóc to vì sợ đám bạn không cho đi theo cùng.
Bây giờ cứ vào mùa Trung thu là bánh trái bày bán ê hề. Và hình như những đứa trẻ thời nay cũng không mặn mà lắm với những thứ bánh dẻo, bánh nướng đựng trong những chiếc hộp sang trọng, lịch sự ấy. Khác với thời của chúng tôi.
Có nằm mơ tôi cũng không bao giờ được nhìn thấy chứ đừng nói là được nếm những cái bánh Trung thu thơm ngon, đẹp đẽ ấy. Quà Trung thu của chúng tôi có khi là mấy chiếc kẹo ú đầy bột. Khi thì cái bánh chưng nhỏ mà các mẹ, các chị trong xóm gom tiền mua nếp gói bánh nấu rồi chia cho mỗi đứa con nít một cái để gọi là có Tết Trung thu.
Đám múa lân của chúng tôi đi khắp làng trên xóm dưới suốt cả mùa trăng cũng chỉ đủ tiền mua mấy lon đậu đen và đường bát nấu một nồi chè. Những bữa chè đậu đen hậu Trung thu của lũ con nít xóm tôi thời ấy thật ngon, thật ngọt và dư vị của nó đi theo lũ chúng tôi suốt những mùa Trung thu sau này.
Ai rồi cũng lớn lên và già đi, chỉ có Tết Trung thu là năm nào cũng có.
Tết Trung thu với những đám múa lân, rước đèn và phá cỗ đêm trăng đem lại niềm vui thơ trẻ cho cả trẻ em và hồi ức cho người đã qua những năm tháng tuổi thơ thật đẹp. Và tôi - cứ mỗi lần Trung thu về lại lẩm nhẩm hát một bài hát xưa cũ và mơ về một miền cổ tích thật đẹp với “bóng trăng trắng ngà, có cây đa to, có thằng cuội già ôm một mối mơ”…
Kim Em