Những tiết học ở bảo tàng

.

Nhiều năm qua, ngoài trưng bày hiện vật, các bảo tàng còn tổ chức nhiều lớp học nhằm giúp các em học sinh không chỉ có cơ hội hiện thực hóa các tiết học thông qua mô hình trực quan sinh động, hiểu biết hơn lịch sử, truyền thống quê hương, đất nước, nắm bắt kiến thức căn bản về cái đẹp và được định hướng phát triển năng khiếu…

Một buổi học vẽ ở không gian mỹ thuật thiếu nhi tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng. Ảnh: T.L
Một buổi học vẽ ở không gian mỹ thuật thiếu nhi tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng. Ảnh: T.L

Từ tiết học vẽ ở Bảo tàng Mỹ thuật

Cuối tuần, không gian khám phá mỹ thuật dành cho thiếu nhi ở Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng lại rộn ràng bởi những câu hỏi thắc mắc của học trò và sự nhẫn nại trả lời của thầy giáo hướng dẫn.

Em Phạm Quỳnh Như, học sinh lớp 5, Trường tiểu học Lý Tự Trọng (quận Hải Châu) vui vẻ cho biết: “Con rất thích học vẽ. Ở đây con không chỉ được thoải mái vẽ những thứ con thích mà con được thầy hướng dẫn cho cách vẽ thế nào để có bức tranh đúng bố cục và cách pha màu thật đẹp. Con cũng có thể trao đổi với thầy và nghe thầy góp ý về ý tưởng các bức tranh con định vẽ”.

Không riêng Quỳnh Như, hơn 25 học sinh tiểu học, THCS đến với không gian này đều có chung niềm hứng thú. “Ở đây con không chỉ được học vẽ mà còn được các cô chú dẫn đi quanh bảo tàng xem các bức tranh và được giới thiệu về lịch sử, nguồn gốc. Con thấy rất vui và mong được học ở đây thật lâu”, Lê Nhật Hân, một học sinh lớp 4 chia sẻ.

Đi vào hoạt động từ giữa tháng 6-2018, không gian khám phá mỹ thuật dành cho thiếu nhi ở Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng thu hút rất đông học sinh tham gia.

Ông Nguyễn Văn Kỳ, Phó Giám đốc Bảo tàng - giáo viên trực tiếp đứng lớp cho biết, đây là không gian dành cho những em có sở thích khám phá, đam mê mỹ thuật. Mục đích của không gian này nhằm giúp các em học sinh tiếp cận mỹ thuật, nắm bắt để hiểu về mỹ thuật, điêu khắc; tạo cho các em không gian sinh hoạt, tương tác trực tiếp với nhau và với họa sĩ đứng lớp để phát triển năng khiếu, phát hiện và bồi dưỡng một cách bài bản, hệ thống, định hướng thẩm mỹ cho học sinh.

Tham gia lớp học này, các em sẽ biết cách sử dụng màu vẽ. Đồng thời thông qua màu vẽ, chủ đề vẽ tự do, giáo viên dễ nhận ra suy nghĩ của học sinh từ đó định hướng cho các em cách chuyển tải suy nghĩ của mình vào một bức tranh có đầy đủ bố cục.

Không chỉ học vẽ, đến với bảo tàng, các em học sinh được chính các họa sĩ đứng lớp hướng dẫn tham quan và nghe giới thiệu chi tiết về những bức tranh, hiện vật trưng bày trong bảo tàng để hiểu thêm về lịch sử. “Chính các em hiện tại và trong tương lai sẽ là những vị khách thực sự của bảo tàng và làm cầu nối giới thiệu với các lớp nhỏ kế tiếp sau này”, ông Kỳ nói.

Đến giáo dục sinh động về lịch sử

Học sinh đến bảo tàng không chỉ để tham quan. Thông qua nhiều chương trình hoạt động, các em được nắm bắt kiến thức chiều sâu về lịch sử quê hương, đất nước, quá trình đấu tranh chống giặc ngoại xâm, bảo vệ hòa bình.

Em Dương Nhật Khánh, học sinh Trường THCS Tây Sơn (quận Hải Châu) bộc bạch: “Thông qua những tiết học, thực tế tại bảo tàng, em càng thấy yêu hơn lịch sử vì ở đó em được trực tiếp lắng nghe những thuyết minh viên giới thiệu cụ thể và sinh động về từng sự kiện rất hấp dẫn chứ không như những con số khô khan trong sách. Được trực tiếp học như vậy em nắm bắt các sự kiện nhanh hơn và nhớ lâu hơn thay vì ngồi học thuộc từng con chữ rất dễ quên”.

Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng cho biết, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động giáo dục ngoại khóa dành cho học sinh, mà cốt yếu là đưa học sinh đến gần hơn với những tiết học trực quan để thông qua đó giáo dục truyền thống, lịch sử thay vì những bài giảng khô khan trong sách giáo khoa, vài năm trở lại đây, Bảo tàng Đà Nẵng phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố tổ chức nhiều hoạt động giáo dục lịch sử, văn hóa dành cho học sinh tại bảo tàng.

Đơn cử, năm học 2017-2018, chương trình “Giờ học ngoại khóa” tại Bảo tàng Đà Nẵng thu hút 22 trường với 3.705 học sinh ở cả 3 khối từ tiểu học đến THPT tham gia tổng cộng 74 buổi. “Giờ học ngoại khóa” là một trong những hoạt động giáo dục thu hút sự hưởng ứng và tham gia nhiệt tình của các trường, được xem như một giờ học chất lượng thực sự với phương pháp truyền đạt, trao đổi khác ở trường lớp, giúp các em mạnh dạn, chủ động hơn trong việc tiếp cận và học hỏi những kiến thức về lịch sử, văn hóa địa phương.

Cùng với đó, chương trình “Em yêu lịch sử” cho học sinh khối THCS, THPT trên địa bàn thành phố cũng thu hút 300 em tham gia. Các hoạt động tham quan và xem phim tư liệu khác thu hút 52 trường học với hơn 8.100 học sinh.

Đây là điều kiện để tạo sự gắn kết chặt chẽ hơn nữa giữa hoạt động của bảo tàng với giáo dục học đường; đồng thời tạo nên sân chơi bổ ích cho các em với hình thức “học mà chơi, chơi mà học”, giúp các em mở rộng kiến thức, đoàn kết tương trợ và bồi đắp kỹ năng sống, bồi dưỡng và giáo dục tình yêu quê hương, đất nước.

Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện cho biết thêm, thời gian tới, Bảo tàng Đà Nẵng sẽ tiếp tục đổi mới để việc tổ chức các hoạt động giáo dục ngày càng phong phú, đa dạng, hấp dẫn và lôi cuốn các đối tượng học sinh. Nội dung chương trình được đưa ra trên cơ sở những nghiên cứu bước đầu về tâm lý lứa tuổi của học sinh các bậc học và có sự gắn kết giữa các chuyên đề trưng bày của bảo tàng với chương trình học của nhà trường.

THIÊN LAM

;
.
.
.
.
.
.