Trong khi nhu cầu của người tiêu dùng tăng cao và nguồn giống khan hiếm, săn cá nâu con thực sự trở thành cơ hội mang lại thu nhập cao cho không ít các ngư dân làm nghề này. Vì cá nâu con mỗi năm chỉ xuất hiện hai lần và kéo dài không quá một tuần, cộng thêm giá trị kinh tế cao nên đa số bà con ngư dân ai cũng háo hức mong cho tới mùa để đánh bắt.
Các ghe đánh bắt cá nâu con giống. Ảnh: T.L |
Theo chân người săn cá
Hằng năm, cứ đến tháng 6 và cuối tháng 8 âm lịch là cá nâu con xuất hiện trên sông Hàn. Vào thời điểm này, bà con ngư dân rộn ràng chuẩn bị xuồng ghe, vợt đi đánh bắt để nuôi hoặc bán cho người nuôi cá thương phẩm. Để bắt cá nâu con chỉ có một cách duy nhất là dùng vợt để vớt cá. Ngư dân dùng thuyền, xuồng, ghe di chuyển chậm sát ven bờ, tay cầm vợt, mắt nhìn quanh, khi nào phát hiện có cá là dùng vợt vớt lên. Đặc điểm của cá nâu con là đi theo bầy, nên việc đánh bắt cũng như dụng cụ sử dụng cho đánh bắt rất đơn giản, đây là cách bắt truyền thống và hiệu quả nhất.
Theo kinh nghiệm của những ngư dân lành nghề, thời điểm này, cá nâu con xuất hiện khá nhiều trên khúc sông trải dài từ chân cầu Nguyễn Tri Phương kéo dài về cầu Thuận Phước. Vì thế, nhiều ngư dân tranh thủ đi săn cá nâu con giống.
Từ lúc trời tờ mờ sáng, trong cái se lạnh của khí trời, hàng chục chiếc ghe nhỏ bắt đầu lướt trên dòng nước sông Hàn để bắt đầu một chuyến đi săn cá nâu con giống. Với dụng cụ chính là cây vợt được làm từ vải mùng tuyn, một thùng - có thể bằng xốp hoặc nhựa, đựng nước để giữ cá con. Đây là “hành trang” không thể thiếu trong mỗi chuyến đi.
Anh Trần Tuấn Anh, ở phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn cho biết: “Nghề săn cá nâu con giống đã có từ rất lâu, nhưng thu hút mạnh người làm nghề trong gần 10 năm trở lại đây, khi nhu cầu và giá trị thương phẩm của cá nâu tăng cao. Phần lớn những người đi săn cá nâu giống thường kết hợp thêm với nghề nuôi cá lồng nên ngoài thu nhập từ việc bán các loại cá, nghề đi săn còn giúp họ chủ động được con giống. Cá con được bắt lên dù lớn hay nhỏ đều có thể nuôi được. Cá nhỏ nuôi lớn lên rồi thả vào lồng, còn cá lớn hơn thì bỏ trực tiếp vào nuôi luôn”.
Thời gian tốt nhất đi săn cá là từ 5 giờ đến 9 giờ sáng và từ 3 giờ đến 5 giờ chiều, đây là lúc dễ phát hiện cá con nhất. Lúc này mặt nước yên tĩnh, cá thường vào sát bờ và bơi theo đàn. Nghề đi săn cá nâu con có cái hay là chủ động được thời gian. “Đi săn câu thường bắt đầu từ 4 giờ đến 9 giờ sáng. Ngoài thời gian này, bọn tui có thể chủ động thời gian làm việc khác. Như tui đây chẳng hạn, ngoài đi săn cá nâu con, nhiều lúc tui còn đi làm thêm để tăng thu nhập”, anh Tuấn Anh nói.
Để săn được cá nâu con, người đi săn cũng phải có lòng kiên nhẫn và không được ồn ào. Họ chỉ cần đứng trên ghe, cho ghe xuôi theo dòng nước ở những nơi gần bờ, hoặc các bè bèo, lục bình đang trôi, tay cầm vợt, mắt nhìn quanh. Khi phát hiện đàn cá thì dùng vợt vớt lên bỏ vào thùng để sẵn trên ghe. Một ngư dân chia sẻ: Làm nghề săn cá nâu con, phải có đam mê và phải biết dựa vào dòng nước chảy, phải biết bơi, giữ thuyền theo ý mình; biết chọn đúng thời điểm, nơi thường xuyên có cá. Nghề đi săn cá nâu cũng phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Những lúc trời động, mưa to gió lớn, nước sông đục ngầu thì không thể đi săn được.
Nghề “làm chơi ăn thiệt”
Nghề săn cá nâu con giống khá nhàn nhã, dù chỉ xuất hiện với thời gian rất ngắn trong năm nhưng lại cho thu nhập cao, nên đa phần người nuôi cá lồng kiêm thêm nghề này. Bởi hiện nay, ngoài việc đi săn thì người nuôi cá chưa chủ động được nguồn giống cá nâu. Nhất là khi cá nuôi thường không sinh sản, nên nghề đi săn cá nâu con được nhiều người lựa chọn.
Năm nay cá nâu con xuất hiện nhiều hơn mọi năm nên ngư dân đánh bắt vô cùng phấn khởi. Ông Ngô Văn Hưng, nguyên Chủ tịch Hội Nông dân phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu, cho biết: Vào những ngày đầu mùa đã có ngư dân mỗi lần đánh bắt được 2.000 – 2.500 con, bình quân cho thu nhập từ 2 triệu đến 2,5 triệu/ngày. Đây là thu nhập khá cao so với phần lớn ngư dân làm nghề đánh bắt cá, tôm bình thường. Điều đặc biệt là cá nâu con không có con giống, chỉ có đánh bắt ở tự nhiên rồi đem về nuôi lớn, nên giá con giống, giá xuất bán cũng khá cao. Nếu như cá con giống bắt về nuôi lớn lên bằng hai ngón tay có giá 10.000 đồng/con; thì cá xuất bán có giá lên đến 400.000 đồng/kg.
Những ngày vào mùa săn cá giống, vùng ven bờ sông Hàn, ngày mới bắt đầu sớm hơn ở những nơi khác. 5 giờ sáng, mặt sông đã có khá đông ghe ngư dân í ới gọi nhau đi “săn” cá nâu. Ông Nguyễn Viết Hiệp, phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu bảo: “Tôi đã có thâm niên gần chục năm làm nghề bắt cá nâu con giống, kể từ khi phong trào nuôi cá nâu phát triển mạnh. Nghề này không đòi hỏi bí quyết gì, chỉ cần kiên nhẫn, siêng năng là được”.
Ngồi trên chiếc ghe của ông Hiệp xem ông thao tác vớt cá, mới thấy đây đúng là nghề “làm chơi, ăn thiệt”. Khi gặp trúng luồng cá, mỗi đợt vớt lên đến hơn mấy trăm con. Sau khoảng hai giờ quần thảo ven bờ sông, các ngư dân đưa thuyền về vịnh Mân Quang để đưa cá ra lồng. Cá đánh bắt được phải nuôi cho đủ độ “cứng cáp” rồi mới cho vào lồng lớn nuôi thêm đến gần năm mới xuất bán cho thương lái đi tiêu thụ.
Anh Trần Văn Quý, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, một ngư dân “kỳ cựu” trong việc đánh bắt và nuôi cá nâu cho biết: Ở cùng độ tuổi, cá nâu đực có khối lượng lớn hơn cá nâu cái. Cá nâu ngoài tự nhiên thường đánh bắt được cỡ 70 - 300g/con, cá có thể lớn tối đa đến 1,2 kg/con. Cá thường sinh sản sau 1 năm tuổi, đạt cỡ 150 - 350g, mùa sinh sản kéo dài từ tháng 7 đến tháng 9 âm lịch. Vào mùa sinh sản, cá thường bắt cặp và di cư ra những rạn san hô, nơi có độ mặn cao để sinh sản. Chúng đẻ đến hàng trăm nghìn trứng mỗi lần, cá con sau khi nở sẽ trôi dạt vào các cửa sông, vũng, vịnh ven bờ, sử dụng tảo, động vật phù du làm thức ăn, khi lớn cá ăn các loài rong rêu, động vật đáy, tôm cá nhỏ và mùn bã hữu cơ.
Cá nâu trở thành một món ăn đặc sản, được ưa chuộng không chỉ tại nơi sinh ra nó, mà còn tận các nhà hàng ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và xa hơn là thị trường Trung Quốc. Cá nâu ngon nhất nặng khoảng 300g. Món đơn giản là cá nâu nướng muối ớt. Món sẽ ngon hơn, đậm đà hơn, nếu được thêm ớt xanh cộng tiêu rừng. Cá nâu nấu chua ngọt với thơm cà cũng là “độc chiêu” của dân nhậu đất Quảng. Hoặc món cá nâu kho rau răm, phải kho cho thật thấm, mềm con cá, nước kho vừa lạt vừa ngọt, ăn không quá mặn mới là thiện nghệ của tay nghề người đầu bếp. Thưởng thức cá nâu kho là ngon hơn hết vì nó thể hiện đầy đủ cái sự béo ngon và chắc thịt của con cá.
Do giá thành cao, việc đánh bắt đơn giản, mỗi năm chỉ có một lần sinh sản, nên ngư dân ráo riết đánh bắt khiến nguy cơ sụt giảm sản lượng cá nâu trong tự nhiên là điều không thể tránh khỏi. Thiết nghĩ, đã đến lúc ngành chức năng của thành phố có giải pháp quản lý, hướng dẫn cho người dân khai thác hợp lý cá nâu con giống, nhằm bảo vệ nguồn lợi này được bền vững, lâu dài.
Cá nâu hay còn gọi là cá dĩa thái, cá hói, có tên khoa học là Scatophagus argus là một loài cá trong họ Scatophagidae; phân bố ở Ấn Độ-Thái Bình Dương, Đông Nam Á và Việt Nam. Cá ăn tạp thiên về thực vật, thức ăn bao gồm rong tảo, rau xanh, côn trùng, giáp xác và thức ăn viên. Chúng sống được cả trong ba khu vực nước ngọt, nước lợ và nước mặn. Cá nâu sinh sống trong các khe đá, rạn san hô, cửa cống ao đầm nước lợ nơi có nhiều rong rêu là thức ăn ưa thích của cá. Cá thường sống ở độ sâu 1-4m nước. |
THÀNH LÂN