Trẻ con tựa như tờ giấy trắng, người lớn “vẽ” gì thì trẻ sẽ tiếp nhận cái đó. Trẻ học rất nhanh từ việc bắt chước người lớn. Vậy nên, để dạy trẻ sống tử tế thì cách dạy dỗ hay đơn giản là cách hành xử của bố mẹ đóng một vai trò đặc biệt quan trọng. Bố mẹ chính là những người đầu tiên “gieo mầm” sự tử tế trong mỗi đứa trẻ.
Cho con đọc những đầu sách về kỹ năng sống là cách mà chị Trần Thị Hoàng Cơ chọn để dạy con tính tiết kiệm. (Ảnh do nhân vật cung cấp) |
Mở đầu câu chuyện về cách dạy con sống tử tế, chị Trần Thị Hoàng Cơ, nhân viên tư vấn bảo hiểm Công ty TNHH Carthay Life ở quận Ngũ Hành Sơn đã chia sẻ về cách hình thành thói quen không tè dầm ở con trai 6 tuổi lúc bé mới chỉ vừa 7, 8 tháng tuổi.
Chị Cơ cho hay, tầm 5, 6 tháng là bé nhà chị biết lật. Vì sợ con té nên chị không nằm giường mà đặt nệm dưới sàn nhà. Lúc đó, ngày nào chị cũng nói với bé rằng “Con đi tè là phải leo xuống sàn, đi xong hãy lên lại nệm nha”. Dẫu không biết bé có hiểu hay không, nhưng chị vẫn luôn luôn dặn bé như vậy. Sau gần 1 tháng thì bé không còn tè dầm; tầm 7, 8 tháng thì không cần phải dùng bỉm.
Với quan niệm muốn dạy con điều gì thì nên dạy ngay từ đầu, bởi nếu để con lớn mới dạy thì sẽ mang tính ép buộc, nên khi bé mới biết đi, chị Cơ đã bắt đầu dạy con về lòng biết ơn với bài học đầu tiên là nói lời cảm ơn khi được một ai đó giúp đỡ.
Chị Cơ thường xuyên nhờ con trai lấy giúp chị những đồ vật ở gần và trong khả năng của bé. Mỗi lần vậy, chị đều nói: “Mẹ cảm ơn Seven (tên ở nhà của con trai chị Cơ) nha”. Được một vài lần thì bé đã tự biết cảm ơn mỗi khi chị giúp bé một việc gì đấy. Chị Cơ cười bảo: “Lúc Seven 2-3 tuổi, có lần tôi nhờ bé lấy đồ giúp nhưng lại quên cảm ơn thì bé liền nhắc “Mẹ không cảm ơn Seven à?”, và phải đợi mẹ cảm ơn thì bé mới đi ra chỗ khác”.
Rồi chuyện dạy con về tính tiết kiệm. Vốn là một người thích đọc sách, chị Cơ rất hay ghé những nhà sách để tìm sách về đọc. Có lần, thấy những quyển sách dạy kỹ năng sống cho bé của Nhà Xuất bản Kim Đồng, chị đọc qua, thấy hay và sinh động nên mua về đọc cho bé nghe.
Đó là những câu chuyện dạy bé nếu không tiết kiệm tiền mua đồ chơi, thích gì cũng đòi bố mẹ mua cho thì đến một lúc nào đó, bố mẹ sẽ hết tiền, không còn tiền để đóng tiền điện, tiền nước, không còn tiền mua thức ăn và thế là không có điện, không có nước để dùng, không có thức ăn để ăn. Rồi chuyện tiết kiệm điện, tiết kiệm nước, dừng đèn xanh, đèn đỏ...
Lúc trước, bé chưa biết đọc thì chị cho bé xem hình, đọc cho bé nghe. Năm nay vừa vào lớp 1, bắt đầu biết đọc nên bé đã có thể tự đọc. Lâu dần, những câu chuyện trở thành một bài học nhỏ trong cậu bé. Không chỉ thuộc làu những câu chuyện đó, bé còn biết áp dụng vào cuộc sống. Giờ, mỗi lần có ai trong nhà quên tắt đèn, tắt quạt là bé sẽ tắt giúp và không quên nhắc nhở người lớn.
“Tôi không đặt nặng chuyện con phải thế này, con phải thế kia. Tôi chỉ hướng bé đến những điều hay, điều tốt. Khi con sai thì nhắc nhở, phân tích cho con hiểu. Đặc biệt, mình phải làm gương cho con”, chị Cơ nhấn mạnh.
Ở một gia đình khác, vợ chồng anh Cao Minh Công, kiến trúc sư ở quận Sơn Trà cũng có những cách riêng để dạy cô con gái 5 tuổi về sự tử tế. Vợ chồng anh Công luôn chỉ bày cho con gái khi có cơ hội. Như chuyện dạy bé không xả rác bừa bãi.
Anh Công cho hay, con gái của anh rất thích uống sữa. Mỗi khi đi chơi, vợ anh hay mang theo sữa cho bé. Lúc bé uống xong, ở nhà, vợ chồng anh hay bảo cháu bỏ thùng rác. Nhưng khi ở ngoài, nhiều khi không có thùng rác thì vợ chồng anh sẽ nhắc bé bỏ lại vào túi/balo để về nhà bỏ vào thùng rác. Vợ của anh cũng hay chia sẻ với con, nếu bé bỏ rác ngoài đường thì đường sẽ không còn sạch, đẹp nữa.
Hay những khi bắt gặp những cô lao công, vợ của anh sẽ nói với bé rằng nếu bé xả rác ngoài đường, các cô lao công sẽ phải quét rất lâu mới xong, sẽ không về sớm với các con của cô được. Và khi tình cờ gặp hoàn cảnh có người xả rác, nếu tiện thì vợ chồng anh cũng hay góp ý để bé thấy rằng, không chỉ hành động mà nếu được, mình có thể góp ý… Dần dần, bé hình thành thói quen, một mảnh ni-lông của ống hút sữa bé cũng bỏ vào túi/balo mang về nếu không tìm thấy thùng rác.
Dù khá bận rộn, nhưng vợ chồng anh Công luôn dành thời gian để chở con đi chơi. Những nơi gần gũi với thiên nhiên luôn là điểm đến được vợ chồng anh ưu tiên và không quên kết hợp dạy cho bé những bài học hay.
Khi đi chơi nơi có đàn chim thì vợ chồng anh bày bé mang theo gạo để cho chim ăn; nơi có hồ cá thì bày bé chia sẻ bánh mì của bé cho cá. Và có thể, một phần vì vậy mà bé khá thân thiện, biết chia sẻ đồ chơi với bạn. Ngoài ra, vợ chồng anh còn dạy con gái phải biết xếp hàng khi đi mua sắm khi chưa tới lượt của mình, biết xin lỗi những khi sai…
Anh Công chia sẻ: “Để hình thành một thói quen tốt hay cách hành xử đúng ở con thì môi trường xung quanh bé tiếp cận là rất quan trọng. Ví như, bố mẹ phải làm điều đó trước để bé nhìn, tự cảm nhận và học theo. Đơn giản như khi vợ chồng tôi nói chưa đúng hoặc có hành vi không đúng với con thì vợ chồng tôi sẵn sàng xin lỗi con, lý giải vì sao mình phải xin lỗi để mỗi lần con mắc lỗi, con dám nhận và sửa lỗi”. Vợ chồng anh Công luôn cố gắng không thất hứa với con.
“Khi đã hứa điều nào đó trong khả năng của mình thì vợ chồng tôi sẽ cố gắng thực hiện. Còn không làm được thì không hứa với con. Vì khi mình thất hứa nhiều lần con cũng sẽ hình thành thói quen là mình cũng được phép “hứa lèo” với người khác”, anh Công cho hay.
Thói quen tốt sẽ được hình thành từ những hành vi nhỏ. Hành vi nhỏ sẽ là những gì bé học từ bố mẹ hay từ một người lớn nào đó ở gần bé. Trẻ học rất nhanh từ việc bắt chước. Do đó, phụ huynh muốn con sống tử tế, trước hết cần cư xử chuẩn mực. Trẻ cần được quan sát những hành động tử tế, sau đó thực hành nhiều lần để tạo nên thói quen.
M.H