Đà Nẵng cuối tuần

Huyện Hoàng Sa - Qua tư liệu và hồi ức: Một cuốn sách đáng đọc

08:55, 04/11/2018 (GMT+7)

Nhà Xuất bản Đà Nẵng vừa cho ra đời cuốn sách Huyện Hoàng Sa - Qua tư liệu và hồi ức do hai tác giả Võ Công Trí và Lưu Anh Rô chủ biên. Sách in khổ 16x24, dày 482 trang, bìa cứng thật đẹp và trang trọng.

Như chúng ta biết, nghiên cứu quá trình khai thác, bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam, nhất là Hoàng Sa và Trường Sa trong lịch sử, có thể nhận thấy rằng: Quần đảo Hoàng Sa luôn là đối tượng quản lý, khai thác và bảo vệ của các tỉnh: Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng.

Tập sách Huyện Hoàng Sa - Qua tư liệu và hồi ức.
Tập sách Huyện Hoàng Sa - Qua tư liệu và hồi ức.

Có lẽ vì vậy nên mấy năm qua, các hội thảo khoa học quốc gia, quốc tế cũng như những công trình nghiên cứu chuyên sâu về Hoàng Sa, đều được tổ chức nhiều nhất ở các địa phương này.

Điều này cho thấy, cha ông ta xưa cũng như các chính quyền Việt Nam qua các thời kỳ đã căn cứ vào những điều kiện cụ thể về địa chính trị, địa kinh tế để giao Hoàng Sa cho Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế hay Quảng Nam hoặc thành phố Đà Nẵng cai quản.

Tôi nhắc lại điều đó, vì lẽ tập sách các bạn đang cầm trên tay: Huyện Hoàng Sa - Qua tư liệu và hồi ức do hai tác giả Võ Công Trí và Lưu Anh Rô (đồng chủ biên), đã cho thấy điều này.

Các tác giả đã kỳ công tuyển chọn, sưu tầm, biên tập những tham luận khoa học quốc gia và quốc tế mà mình được mời tham dự trong thời gian gần đây; những bài báo khoa học được đăng trên các tạp chí uy tín chuyên ngành trong cả nước; nhất là những tài liệu được sưu tầm tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia Hải ngoại Pháp (Archives nationales d’Outre-mer, ANOM), những hồi ức của các nhân chứng từng sống và làm việc tại quần đảo Hoàng Sa qua các thời kỳ lịch sử… để hình thành nên tập sách Huyện Hoàng Sa - Qua tư liệu và hồi ức.

Nếu các công trình viết về Hoàng Sa xuất bản trong thời gian gần đây chú trọng nhiều đến việc khai thác các tư liệu Hán Nôm, các chứng cứ chủ quyền, các luận giải về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa thì tập sách này lại giới thiệu, phân tích nhiều tài liệu quý, tập trung vào giai đoạn lịch sử từ đầu thế kỷ XX đến năm 1975.

Tập sách đã dựa trên 3 nguồn tư liệu chính: Một là, tư liệu báo chí tiếng Pháp được xuất bản tại Đông Dương và Pháp, đề cập đến Hoàng Sa. Hai là, tài liệu của các trung tâm lưu trữ quốc gia II, IV, Văn phòng Trung ương Đảng và tư liệu lịch sử của Đảng bộ Quảng Nam-Đà Nẵng có đề cập đến chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.

Ba là, nguồn tư liệu hồi ức của các nhân chứng là những người trực tiếp thực thi chủ quyền tại quần đảo này từ năm 1954 đến năm 1975. Các tài liệu trên đã đem đến cho tập sách nhiều thông tin khoa học thú vị, mới mẻ và có tính thuyết phục cao.

Theo tôi, Huyện Hoàng Sa - Qua tư liệu và hồi ức là một cuốn sách đáng đọc, đã góp phần hữu hiệu vào việc tiếp tục đấu tranh bảo vệ chủ quyền của nước ta đối với huyện Hoàng Sa, đồng thời giúp người đọc hiểu hơn, yêu hơn mảnh đất thiêng liêng này của Tổ quốc.

PGS, TS ĐỖ BANG (Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam)
 

.