Không cần ngọn cỏ hay mô đất lên tiếng, chính Raheem Sterling đã kịp thời nói lên nỗi áy náy day dứt khi chứng kiến điều bất công phi lý. Không hậu vệ đối phương nào chạm vào người mình khiến anh té ngã trong vùng cấm cả.
Anh ngã vì mất thăng bằng sau cú tự mình vấp vào mặt cỏ. Cho đội anh được hưởng phạt đền trong tình huống này là sai! Sterling đã nói với trọng tài Viktor Kassai về điều này. Chẳng biết anh nói vào lúc nào mà vị trọng tài Hungary điều khiển trận Manchester City-Shakhtar Donetsk vẫn lạnh lùng chỉ tay vào chấm phạt đền. Bóng lại vào lưới và đội chủ sân Ethiad nới rộng khoảng cách dẫn bàn trước một đối thủ dưới cơ.
Tình huống ngã của Raheem Sterling mang về một quả penalty trong chiến thắng 6-0 của Man City trước Shakhtar tại Champions League. Ảnh: Thethaovanhoa.vn |
Lượt trận mới nhất vòng đấu bảng Champions League để lại một dấu ấn về phẩm giá sân cỏ xuất phát từ sai lầm và các hạn chế của trọng tài khi công nghệ VAR chưa được đưa vào áp dụng ở sân chơi này. Chiến thắng cách biệt 6-0 của Manchester City phần nào bớt đi vị ngọt chỉ vì họ có thêm một bàn thắng từ chấm 11m nhờ vào sự chậm chạp, thiếu bao quát của trọng tài và các trợ lý của ông ta. Đích thân cầu thủ tự ngã té đã lên tiếng xin lỗi trọng tài, xin lỗi khán giả. Có thể trọng tài rồi cũng tỏ bày sự tiếc nuối vì sai lầm của mình đã khiến một cuộc thư hùng vơi đi tính hấp dẫn. Khán giả có thể sẽ dễ cảm thông khi thấm nhuần nguyên tắc “sai lầm của trọng tài là một phần của bóng đá” và các đòi hỏi ngặt nghèo đối với công việc của người cầm cân nẩy mực. Trong đó có một quy định đầy thách thức trong vòng 10 giây, người cầm còi phải đưa ra cho được quyết định về một tình huống cụ thể của sân cỏ.
Mark Clattenburg, trọng tài có uy tín một thời của bóng đá Anh, nhân sự cố này, chia sẻ rằng ngay cả khi Sterling đến báo tức khắc với trọng tài thực tế hậu vệ đối phương không hề có lỗi thì chưa chắc ông Kassai thay đổi quyết định về quả phạt đền. Phận sự và phẩm giá buộc trọng tài phải tin trước hết vào chính mình và các trợ lý, đồng thời chịu trách nhiệm về các phán quyết đưa ra. 21 năm trước- năm 1997- trong trận đấu giữa Liverpool và Arsenal ở giải ngoại hạng Anh, Liverpool đã được trọng tài Gerald Ashby cho hưởng phạt đền vì nhận định rằng tiền đạo Robie Fowler trong lúc đi bóng đã bị thủ môn David Seaman đốn ngã. Bằng sự thật thà, chàng tiền đạo 21 tuổi của Liverpool đã kịp đến khai báo với ông Ashby rằng không hề có va chạm giữa anh và Seaman, phạt đền là oan cho đối thủ. Tuy vậy, trọng tài đã không hề thay đổi quyết định, vẫn lạnh lùng đặt quả bóng trên chấm 11 mét trước cầu môn Arsenal.
Công nghệ VAR, vì thế, thêm một lần được Mark Clattenburg nhắc tới như một giải pháp hỗ trợ cần thiết cho công tác trọng tài ở giải bóng đá có uy tín lớn, giàu truyền thống của châu Âu như Champions League. Với công nghệ này, các hạt sạn thô thiển do sai sót từ tiếng còi trọng tài và oan ức sân cỏ sẽ giảm bớt; các chiến thắng chính đáng sẽ không bỗng nhiên bị viện cớ để gièm pha; cảm giác day dứt, ân hận sẽ thôi còn ám ảnh những tâm hồn cầu thủ tự trọng.
Chẳng biết rồi Sterling có sớm nguôi ngoai niềm ân hận dù huấn luyện viên và đồng đội vẫn cố an ủi rằng anh không hề liên đới trong quyết định của trọng tài Kassai. Chính huấn luyện viên của Shakhtar Donetsk- ông Paulo Foseca- dù bất bình trước tiếng còi sai lạc của trọng tài cũng thừa nhận rằng đội mình không thất bại vì quả phạt đền ấy mà thất bại vì đối phương quá giỏi.
Chấp nhận thua vì ta yếu hơn đối thủ chứ chẳng phải vì bị xử ép, phải chăng nói được điều này cũng là một phẩm chất sân cỏ đáng ngợi ca!
Đình Xê