Đà Nẵng cuối tuần
Thư viện thời sách số
Khi sách số phát triển thì các thư viện không còn cảnh người ra vào nhộn nhịp để chọn sách như trước. Để chuyển mình theo xu hướng mới, các thư viện ở Đà Nẵng đã, đang và sẽ có những chuyển biến gì nhằm đáp ứng nhu cầu của bạn đọc?
Năm 2017, UBND thành phố cấp về Thư viện KHTH Đà Nẵng máy scan robot 2.7 MDS trị giá trên 3,4 tỷ đồng để sao chụp sách, tài liệu đưa lên ebook. Ảnh: V.T.L |
“Sách là bạn”
Đó là chủ đề “Phiên chợ sách năm 2018” do Thư viện Khoa học tổng hợp (KHTH) Đà Nẵng tổ chức mỗi quý một lần, tại khuôn viên và trên vỉa hè trước thư viện với sự phối hợp của các nhà sách, nhà xuất bản, hội nhà văn, cơ quan, đơn vị, trường học trên địa bàn thành phố.
Đã có 3 phiên chợ được tổ chức, phiên thứ tư dự kiến sẽ tổ chức trong tháng 12 năm 2018. Đây là một trong những phương án nhằm đưa sách truyền thống đến với bạn đọc, khi mà sách số có khả năng từng bước “soán ngôi” sách giấy.
Mỗi phiên chợ sách có hơn 50 gian hàng của các nhà sách, nhà xuất bản, cửa hàng sách… đã tham gia trưng bày, giới thiệu, mua bán, trao đổi sách.
Ông Phạm Hồng Thái, Giám đốc Thư viện KHTH Đà Nẵng cho biết, cùng với đó là các hoạt động đóng góp, hiến tặng sách cho tủ sách cơ sở; ký tặng sách cho bạn đọc đến tham quan, mua sách và tham dự chương trình...
Ngoài ra, còn có các hoạt động phụ trợ như: Liên hoan “Tài năng nhí” của Thư viện KHTH năm 2018; chương trình phát triển văn hóa đọc; nói chuyện và trao đổi về văn hóa đọc... Đặc biệt, Thư viện phối hợp với Quận Đoàn Hải Châu tổ chức sự kiện Văn hóa dân gian năm 2018 với sự tham gia của học sinh đến từ 3 trường THPT: Phan Châu Trinh, Trần Phú, Nguyễn Hiền.
Ông Thái xác nhận, do hạn chế về kinh phí, các hoạt động tổ chức “Phiên chợ sách năm 2018” còn khá đơn điệu, quy mô nhỏ, thời gian tổ chức còn hạn chế, ảnh hưởng đến công tác huy động các gian hàng, khó kêu gọi nguồn tài trợ, xã hội hóa từ các công ty, cá nhân bên ngoài; vì vậy chưa đáp ứng cao nhu cầu giao lưu, trao đổi, tìm hiểu về sách của bạn đọc địa phương và du khách.
Dự kiến “Phiên chợ sách năm 2019” cũng với chủ đề “Sách là bạn” sẽ tổ chức 2 lần/năm; mỗi lần 5 ngày, trong tháng 4 và trong tháng 10 tại khuôn viên và trên vỉa hè thư viện. “Nếu có thêm nguồn kinh phí hỗ trợ, thư viện sẽ thực hiện “Phiên chợ sách năm 2019” có hiệu quả”, ông Thái hy vọng.
Sách truyền thống và sách số
Là một thư viện công cộng, phục vụ mọi đối tượng bạn đọc có trình độ, lứa tuổi, sở thích, hoàn cảnh… khác nhau trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, vì thế, song song với việc đẩy mạnh phát triển thư viện điện tử đón đầu thời đại công nghiệp 4.0, Thư viện KHTH Đà Nẵng vẫn tiếp tục quan tâm phát triển thư viện truyền thống, đổi mới các hình thức dịch vụ, phục vụ bạn đọc để thu hút bạn đọc đến trực tiếp thư viện.
Theo bà Vũ Thị Ân, Phó Giám đốc quản lý Phòng Tin học (Thư viện KHTH Đà Nẵng), thư viện điện tử tạo ra cơ hội tiếp cận vốn tài liệu và nguồn lực thông tin không giới hạn không gian, thời gian cho độc giả. Với thư viện điện tử (thư viện số), người đọc không cần đến thư viện vẫn có thể khai thác được nguồn tài liệu thông qua máy tính, thiết bị thông minh kết nối Internet…
Thư viện điện tử tạo điều kiện cho việc chia sẻ nguồn tài nguyên thông tin giữa các thư viện và cơ quan thông tin trên toàn cầu. Thời gian qua, thư viện đã phối hợp với Công ty Samsung trang bị trên 60 máy vi tính phục vụ miễn phí cho bạn đọc có nhu cầu này.
Với xu thế hiện nay, các trường học trên địa bàn thành phố cũng đang lập kế hoạch xây dựng tủ sách điện tử (ebook).
Thư viện Trường THPT Phan Châu Trinh đã đạt chuẩn 01 (theo Quyết định số 01/2003/QĐ-BGD&ĐT Quy định về tiêu chuẩn thư viện trường phổ thông), hiện có trên 5.000 tên sách với trên 22.000 bản sách tham khảo; trên 2.500 tên sách với trên 7.000 bản sách nghiệp vụ và giáo khoa.
Chưa kể giáo viên, trường có trên 3.000 học sinh (93 lớp), việc phục vụ nhu cầu đọc sách cho ngần ấy bạn đọc chỉ với 2 thủ thư Hoàng Nam Khuê và Trần Thị Ngọc Hà thì quả là vất vả.
Thư viện được xem là nghề kinh doanh không có lãi. Đằng sau sự tồn tại và phát triển của thư viện luôn thấp thoáng bóng dáng của những thủ thư tâm huyết, yêu nghề. Nam Khuê đoạt giải xuất sắc
Hội thi Cán bộ-giáo viên thư viện giỏi toàn quốc lần thứ 4 năm 2014 (từ đó đến nay chưa tổ chức lần 5). Khác với thư viện chuyên nghiệp, ở thư viện trường phổ thông, một thủ thư phải kiêm nhiều việc như xử lý kỹ thuật (dán nhãn, đóng dấu…), xử lý nghiệp vụ (xác định nội dung, phân loại sách…), công tác bạn đọc...
Khi thư viện trường phổ thông mở thêm tủ sách điện tử, học sinh có thể đọc mọi lúc mọi nơi. Khi đó, dù lượng bạn đọc sẽ tăng lên nhưng công việc của thủ thư sẽ nhẹ nhàng hơn. “Mà dù có vất vả cũng vui, bởi làm nghề thư viện mà không có người đọc sách thì buồn lắm” – thủ thư Nam Khuê cười.
Sở GD&ĐT thành phố đang chỉ đạo các trường xây dựng thư viện điện tử để đón đầu thời đại công nghiệp 4.0.
Thư viện KHTH Đà Nẵng đang phát triển thư viện điện tử, song vẫn nâng cấp thư viện truyền thống để đáp ứng nhu cầu của rất nhiều độc giả có thói quen và sở thích đọc sách giấy truyền thống, những đối tượng bạn đọc ít có khả năng sử dụng các thiết bị công nghệ để đọc tài liệu online.
“Thư viện KHTH Đà Nẵng vẫn cần phải phát triển song song cả 2 loại hình thư viện này nhằm mục đích thỏa mãn tối đa nhu cầu của mọi tầng lớp nhân dân về sách báo, tài liệu”, ông Thái khẳng định.
Sách giấy và sách số ở Thư viện KHTH Đà Nẵng Về sách giấy truyền thống, hiện có 279.901 bản/94.200 tên sách. Số sách bổ sung được tăng đều qua các năm. Trong 3 năm gần đây, số sách đã tăng từ 10.835bản/3.577 tên (năm 2016) lên 18.930 bản/7.030 tên (năm 2018). Về sách điện tử - sách số: 7.192 bản/2.321 tên sách trên trang sachdientu.thuvien.danang.gov.vn Nguồn: Thư viện KHTH Đà Nẵng |
VĂN THÀNH LÊ