Áp lực rác thải nhựa

.

Sau Trung Quốc, Malaysia cấm nhập khẩu rác thải nhựa, khiến áp lực đè lên các nước đang phát triển khác ở châu Á.

Một bãi đốt rác thải nhựa ở Malaysia.
Một bãi đốt rác thải nhựa ở Malaysia.

Malaysia thế chỗ Trung Quốc

Trong hơn 3 thập niên qua, Mỹ và các nước công nghiệp phát triển thường chuyển rác thải nhựa sang Trung Quốc, nơi nhân công rẻ để tháo gỡ và tái chế thành những sản phẩm nhựa mới. Từ ngày 1-1-2018, Trung Quốc quyết định cấm nhập rác thải nhựa của nước ngoài. Các nước xuất khẩu rác thải nhựa lớn nhất thế giới như Mỹ, Anh hay New Zealand phải tìm “nhà nhập khẩu mới”, và Malaysia thay thế Trung Quốc để trở thành địa chỉ nhập rác thải nhựa lớn nhất thế giới.

Trong quãng thời gian từ tháng 1 đến tháng 7-2018, Malaysia nhập rác thải nhựa từ 10 quốc gia khác nhau lên tới 456.000 tấn. Con số này vượt trội so với 316.000 tấn cả năm 2017 và 168.500 tấn trong năm 2016. Mỹ là nước xuất khẩu 195.444 tấn chất thải nhựa sang Malaysia trong 7 tháng năm 2018, hơn gấp đôi so với 97.544 tấn của năm 2017. Singapore cũng đã “gửi” sang Malaysia 19.000 tấn rác thải nhựa trong năm ngoái. Trong khi đó các nước như Thái Lan nhập rác thải nhựa từ Mỹ gấp 4 lần năm 2017, Đài Loan nhập gấp 2 lần năm trước. Dù Trung Quốc đã cấm nhập rác thải nhựa nhưng các đơn vị xử lý rác thải nhựa ở Trung Quốc nhìn thấy lợi nhuận béo bở đã chuyển máy móc sang các quốc gia chấp nhận nhập khẩu rác thải.

Kết quả một cuộc nghiên cứu hồi năm 2018 cho biết chỉ có 9% trong tổng số 83 triệu tấn rác thải nhựa trên toàn cầu được tái chế, 79% chôn lấp và 12% được đốt cháy. Các nhà máy tái chế đáng ngờ mọc lên ở Kuala Langat, Klang… Những rác thải công nghiệp đã được tái chế, rác thải gia đình không thể tái chế được đổ đống rồi chờ đốt hoặc chôn lấp.

Người dân ở Kuala Langat nhận ra không khí ô nhiễm không phải do khói mù theo mùa nên quyết định tổ chức thành nhóm điều tra và thu thập bằng chứng. Họ tìm kiếm cả ngày lẫn đêm, sẵn sàng đối đầu với các công nhân tại các nhà máy và sử dụng máy bay không người lái trên các bãi rác để tìm ra sự thật. Có cả thảy 45 địa điểm có chất thải nhựa, trong đó có điểm đốt rác đang hoạt động ở Pulau Indah (Klang). Tại nơi phát hiện đốt rác, mọi người ngửi mùi hăng hăng trong không khí, khiến họ bị khó thở, sau đó dễ mắc bệnh hô hấp.

Trong khi đó, nông dân phản ánh rác chôn lấp và đốt đã làm ô nhiễm nguồn nước khiến tôm nuôi chết hàng loạt. Gia đình Ngoo Kwi Hong sống ở thị trấn Jenjarom cách thủ môn Kuala Lumpur 40 phút lái xe cho biết sức khỏe của các thành viên trong gia đình có dấu hiệu sa sút trong thời gian qua. Người phụ nữ 46 tuổi này cho biết, ban đêm bà rất khó thở vì khói đen và mùi khét từ nhựa cháy. Bà đã đi khám 5 bệnh viện, tốn 10.000 ringgit nhưng vẫn không khỏi. Hàng xóm của bà cũng bị bệnh tương tự bởi tại Jenjarom có tới 4 điểm đốt rác nhựa.

Chính phủ cân nhắc

Trước khi Trung Quốc cấm nhập khẩu rác thì Malaysia đã gặp khó khăn trong xử lý rác thải nhựa trong nước. Tình trạng trở nên trầm trọng hơn khi nước này thế Trung Quốc để nhập rác thải về xử lý. Malaysia tái chế nhựa sạch như đồng hồ điện, nồi cơm điện… rồi bán lại cho Trung Quốc để sản xuất đồ dùng giá rẻ. Không thể phủ nhận công nghiệp xử lý rác nhựa tái chế đem lại nguồn lợi kinh tế cho Malaysia đến 3,5 tỷ ringgit mỗi năm, tạo ra 3.000 việc làm và thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài. Nó cũng tạo cơ hội kinh doanh cho ngành hậu cần, bảo hiểm…

Ông Rub Rub, 50 tuổi, là chủ một đơn vị xử lý rác thải nhựa nói đơn giản “rác là tiền”. Các công ty xử lý rác thải nhựa từ Trung Quốc đổ sang, thậm chí thuê nhân công từ các nước với mức lương thấp hơn như Bangladesh sang phân loại nhựa, tái chế, chôn lấp hoặc đốt. Nhiều công ty hoạt động mà không có giấy phép kinh doanh. Chính phủ Malaysia đã đóng cửa một số đơn vị hoạt động không giấy phép hoặc không đúng quy trình như chôn lấp và đốt lộ thiên.

Trở thành “cường quốc” nhập rác thải không phải là tin tốt lành về môi trường, sức khỏe người dân đã khiến Chính phủ Malaysia đang xem xét cấm một phần nhập khẩu rác thải nhựa. Theo đó, Malaysia sẽ không nhập rác thải nhựa không thể tái chế nữa, kiểm soát chặt chẽ hoạt động các đơn vị tái chế nhựa nhằm tránh tình trạng chôn lấp hoặc đốt gây ô nhiễm môi trường và sức khỏe người dân.

Chính trị gia người Malaysia là Charles Santiago thừa nhận một nước phát triển như Malaysia phải đối mặt với tình trạng nhập rác thải về xử lý, biến đất nước trở thành bãi rác thế giới. Cốt yếu là người dân toàn cầu quá lệ thuộc vào nhựa và không thay đổi thói quen thì từ từ rác thải nhựa khắp nơi sẽ dồn về bãi biển của các nước đang phát triển ở châu Á. Các nước phát triển vẫn tìm cách xuất khẩu rác thải nhựa thì Đông Nam Á bị nhìn nhận là địa chỉ thích hợp để trở thành bãi rác thế giới.  

ANH THƯ (tổng hợp)

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.