Bạo lực gia đình làm gia tăng tội phạm xã hội

.

Ngồi ở cuối hội trường với vẻ mặt lầm lì dù không khí giao lưu sôi nổi giữa các học viên Trường Giáo dưỡng số 3 và thành viên các CLB Can thiệp sớm dự phòng nghiện ma túy thành phố, khó khăn lắm em N.T.T (ở quận Hải Châu) mới mở lòng về hoàn cảnh gia đình mình: “Ba con sau mỗi lần uống rượu về lại đánh tụi con, má can ngăn thì đánh luôn cả má.

Buổi gặp mặt thân nhân gia đình học viên đang cai nghiện ở Cơ sở Xã hội Bầu Bàng luôn có những tâm sự đầy nước mắt của những người vợ, người mẹ  khi chồng và con dính vào ma túy. Ảnh: T.V
Buổi gặp mặt thân nhân gia đình học viên đang cai nghiện ở Cơ sở Xã hội Bầu Bàng luôn có những tâm sự đầy nước mắt của những người vợ, người mẹ khi chồng và con dính vào ma túy. Ảnh: T.V

Con buồn quá bỏ học lang thang, bị mấy anh chị rủ đi “bỏ hàng trắng”, rồi một lần tụi con đánh nhau với nhóm khác nên bị bắt đưa vào đây”. Ngồi gần đó, em T. (14 tuổi, quận Liên Chiểu) kể: “Ba con chạy xe ôm, bữa mô có tiền thì uống rượu hết mới về nên cũng ít khi gây gổ trong nhà. Còn bữa mô không có khách, về nhà đòi mẹ đưa tiền đi uống rượu mà không có là đánh tụi con. Chán quá con mới thử “đá” cho vui”.

Hơn 100 học viên của Trường Giáo dưỡng số 3 và gần chừng đó thành viên nhỏ tuổi của các CLB Can thiệp sớm dự phòng ma túy ở thành phố mỗi người một hoàn cảnh nhưng điểm chung là sống trong gia đình không êm ấm, chồng/cha thường xuyên đánh vợ/con, vô tình đẩy các em ra đường rồi vi phạm pháp luật.

Theo thống kê của Công an thành phố, trong năm 2018, trên địa bàn Đà Nẵng xảy ra 137 vụ người chưa thành niên làm trái pháp luật với 237 đối tượng (226 nam và 11 nữ), tăng 19 vụ và 63 đối tượng. Đáng lo ngại, các em có hành vi vi phạm rất nghiêm trọng như: giết người (2 vụ, 9 đối tượng tham gia), cố ý gây thương tích (11 vụ, 27 đối tượng), tổ chức sử dụng ma túy (26 vụ, 34 đối tượng)... Bên cạnh đó, có đến 9,28% đối tượng vi phạm dưới 14 tuổi và 10,13% có trình độ văn hóa tiểu học.

Trong khi đó, thống kê của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) thành phố cho thấy, vài năm gần đây, trên địa bàn xảy ra 21 vụ với 21 phụ nữ bị cưỡng hiếp; 121 vụ trẻ em bị xâm hại. Trong 2 năm 2016 và 2017 có 4.200 vụ ly hôn, trong đó đến 3.516 vụ xuất phát từ nguyên nhân mâu thuẫn gia đình.

Năm 2018, tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) (2008-2018), Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ nhấn mạnh, hành vi bạo lực gia đình là điều xã hội cần lên án mạnh mẽ, không thể chấp nhận và cần xử lý nghiêm khắc. Các cơ quan chức năng hết sức lưu tâm và phải làm liên tục, không được bỏ sót trường hợp nào để đủ sức răn đe những ông chồng vũ phu. Trên hết, công tác tuyên truyền phải thực sự hiệu quả, có sức lan tỏa cao đến mọi thành viên trong tất cả gia đình. Về phía nhà trường cần quan tâm huấn luyện kỹ năng sống cho học sinh cũng như kiến thức PCBLGĐ. Chỉ có gia đình yên ấm mới giảm được tội phạm, nhất là đối với trẻ em.

Để PCBLGĐ, những năm gần đây, thành phố tổ chức các mô hình như: mô hình PCBLGĐ giai đoạn 2016-2020 của ngành văn hóa-thể thao được triển khai ở 56/56 xã, phường. Việc tổ chức đường dây nóng kết nối Hội LHPN các cấp, Công an khu vực, Ban cán sự tổ dân phố... để nạn nhân gọi khi cần cũng được triển khai ở tất cả phường, xã. Nhiều hoạt động của các CLB PCBLGĐ gắn với những ngày kỷ niệm như: Ngày Quốc tế Hạnh phúc (20-3), Ngày Quốc tế Phụ nữ (8-3), Ngày Công tác xã hội Việt Nam (25-3), Ngày Quốc tế Thiếu nhi (1-6)... hay Tháng hành động quốc gia về PCBLGĐ và bình đẳng giới.

Mặc dù vậy, hiệu quả của các hoạt động trên vẫn chưa thực sự lan tỏa trong cộng đồng dân cư, chủ yếu vẫn “khu trú” ở đối tượng là hội viên các đoàn thể và cán bộ công chức. Trong khi đó, đối tượng cần hướng đến nhiều nhất là phụ nữ và nam giới lao động phổ thông, làm việc tự do lại còn hạn chế. Đặc biệt, chính nạn nhân là phụ nữ và trẻ em ít khi chủ động lên tiếng khi họ là nạn nhân của bạo lực gia đình. Những vụ việc được phát hiện chủ yếu thông qua “kênh” người thân, hàng xóm hoặc các tổ chức xã hội.

THANH VÂN

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
Kết quả XSMB thứ 7 hàng tuần
.
.
.