Lễ hội Nowruz - lễ chào mừng năm mới của người Ba Tư hay còn được gọi là Nauryz, Navruz hoặc Nowrouz, có nghĩa là “ngày mới”. Lễ hội Nowruz thường được tổ chức vào ngày 21-3, hoặc ngày trước hoặc ngày sau đó, tùy theo nơi cử hành, miễn đúng vào ngày Xuân phân. Năm 2010, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc chính thức công nhận là Ngày Quốc tế Nowruz, theo yêu cầu của các quốc gia, bao gồm Afghanistan, Albania, Ấn Độ, Iran, Kazakhstan, Thổ Nhĩ Kỳ và Turkmenistan.
Rửa sạch bụi của năm cũ. |
Nowruz không phải là một ngày lễ tôn giáo mà là một lễ kỷ niệm phổ quát về sự khởi đầu tốt đẹp vào năm mới: chúc nhau thịnh vượng, chào đón tương lai, rũ bỏ quá khứ. Đó là lý do tại sao các gia đình người Ba Tư sử dụng thời gian này để làm sạch sẽ nhà cửa và mua quần áo mới.
Lễ hội Nowruz kéo dài một tháng, với nhiều sinh hoạt văn hóa truyền thống, biểu diễn đường phố và các nghi lễ công cộng. Và hẳn nhiên, rất nhiều thức ăn, tiệc tùng.
Trẻ em thu thập các vỏ đạn bắn từ máy bay để đánh dấu năm mới. |
Duy trì qua hơn 3.000 năm, hiện có hơn 300 triệu người trên toàn thế giới ăn mừng lễ hội Nowruz, từ Balkan đến lưu vực Biển Đen, Trung Á, Trung Đông và các nơi khác. Los Angeles, nơi có những cộng đồng Ba Tư lớn nhất bên ngoài Iran, tự hào là nơi tổ chức lễ hội Nowruz lớn nhất, với các lễ hội kéo dài hàng ngày cho du khách ở mọi lứa tuổi. Cựu Đệ nhất phu nhân Michelle Obama đã tổ chức một bữa tiệc mừng năm mới truyền thống của Iran vào thứ Tư tại Nhà Trắng để ăn mừng sự đa dạng và hòa nhập của các lễ hội văn hóa tại Hoa Kỳ.
Được coi là một ngày lễ ngoại giáo, Nowruz đã bị cấm trong thời kỳ Taliban. Nowruz cũng là một ngày lễ Hỏa giáo - là tôn giáo do nhà tiên tri Zoroaster sáng lập vào khoảng cuối thế kỷ 7 trước Công nguyên tại miền đông đế quốc Ba Tư cổ đại, có ý nghĩa quan trọng trong nguồn gốc Hỏa giáo của người Iran hiện nay. Còn đối với người Afghanistan, lễ kỷ niệm năm mới Nowruz năm nay đồng thời cũng đánh dấu ngày Afghanistan giành lại độc lập, hoàn toàn thoát khỏi ảnh hưởng của Anh quốc, vào năm 1919.
Người Kurd mang đuốc đến ngọn núi Akre ở Kurdistan. |
Có thể thấy, nổi bật tại lễ hội năm mới ở Afghanistan là những bộ váy sặc sỡ, quốc kỳ, kèn nhựa và những người vui chơi tràn ngập các đường phố và nhà thờ Hồi giáo Blue nổi tiếng ở thành phố phía bắc Mazar-e-Sharif. Mọi người từ khắp nơi trên đất nước - cũng như một số người lân cận cùng vào cuộc vui để chào mừng năm mới.
Rostam, 45 tuổi, đến từ tỉnh Sar-e-Pol, biểu diễn một điệu nhảy ở Mazar-e-Sharif để chào mừng năm mới. Nhóm của Rostam gồm khoảng 5 người đàn ông vẫy tay đánh trống và thổi sáo, gõ chân theo nhịp điệu. “Tôi đến đây để nhảy- Rostam nói- Vào thời Taliban, chúng tôi không được phép biểu diễn các điệu nhảy, nhưng nhảy múa là một phần trong văn hóa của chúng tôi. Tôi lớn lên trong chiến tranh và năm nay, chúng tôi kỷ niệm ngày độc lập đất nước. Tôi muốn mọi người đến thăm Afghanistan và trải nghiệm văn hóa của chúng tôi”.
Nhóm nhảy Khorshid Khanoom của Montreal, Canada biểu diễn các điệu múa dân gian truyền thống của Iran và Ba Tư trong lễ hội Nowruz. |
Trong khi đó, người Kurd ở Iraq tổ chức lễ kỷ niệm Nowruz 2019 vào ngày 20-3 bằng cách mang đuốc đến ngọn núi Akre ở Kurdistan - vùng đất có người Kurd sinh sống. Trong trang phục truyền thống của người Kurd ở Iraq, lễ hội tượng trưng cho sự vượt qua bóng tối và sự xuất hiện của mùa xuân, của ánh sáng. Lửa có một ý nghĩa đặc biệt trong lễ hội vì nó tượng trưng cho sự kết thúc của mùa đông, mùa tối.
Theo tập quán người Kurd, Newruz là lễ hội quan trọng nhất trong văn hóa người Kurd. Truyền thống lễ hội cũng bao gồm đập vỡ gốm cho sự may mắn. Qua hình ảnh truyền thông, có thể nhìn thấy người Kurd, mỗi người cầm trên tay ngọn đuốc sáng rực, đi nối theo nhau chập chùng trên bóng núi, họ ăn mừng bằng cách bắn pháo hoa, với một lá cờ dài của Kurdistan treo từ chân lên ngọn núi Akre.
Đối với hầu hết người dân Ba Tư, Nowruz còn có ý nghĩa là ngày của gia đình, ngày của tình yêu.
HOÀNG ĐẶNG (theo The Guardian)