Chìa khóa để giảm tự tử ở nhật bản

Lắng nghe và thấu cảm

.

Với sự ra đời của đường dây nóng, hay nói cách khác, chính sự thấu cảm, lắng nghe và quan tâm giữa con người với con người đã giúp Nhật Bản giảm tỷ lệ tự tử trong thời gian gần đây.

Việc lắng nghe và sẻ chia làm giảm nguy cơ tự tử trong giới trẻ Nhật Bản.  Ảnh: Humanium
Việc lắng nghe và sẻ chia làm giảm nguy cơ tự tử trong giới trẻ Nhật Bản. Ảnh: Humanium

“Alô, Trung tâm ngăn ngừa tự tử Tokyo xin nghe”. Câu nói quen thuộc đó cất lên vào 8 giờ tối hằng ngày, khi tất cả điện thoại tại đường dây nóng ngăn ngừa tự tử của Nhật Bản cùng đổ chuông. Không gian nhỏ hẹp của căn phòng nhanh chóng được lấp đầy bởi giọng nói trầm ấm của các tổng đài viên. Hoạt động xuyên suốt tất cả các ngày trong năm, từ 8 giờ tối đến 5 giờ 30 sáng hôm sau, điện thoại tại trung tâm hầu như lúc nào cũng đổ chuông. Ngoài ra còn có rất nhiều tình nguyện viên sẵn sàng dành hàng giờ trò chuyện với nhóm người có nguy cơ tự tử cao. Đây là một phần trong nỗ lực quốc gia giúp giảm tỷ lệ tự tử ở Nhật Bản.

Bà Sumiko, người từng có ý định tự tử chia sẻ: “Tôi từng nói chuyện với con cháu, nhưng điều đó là không đủ. Nếu có người tới thăm và nói chuyện với tôi hàng giờ đồng hồ như thế này, tôi bỗng nhận ra ý định của mình thật ngớ ngẩn, thấy rằng mình cần phải suy nghĩ lại. Tôi rất mừng vì đã có người lắng nghe và chia sẻ cùng tôi”.

Trong văn hóa Nhật Bản, tự tử được coi là một cách để tránh hổ thẹn hay nhục nhã, những người muốn nhận giúp đỡ tâm lý thường bị kỳ thị. Nhưng khi số vụ tự tử lên tới đỉnh điểm 34.427 trường hợp năm 2003, các nhà hoạch định chính sách tại Nhật Bản đã có những thay đổi.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, Nhật Bản là một trong số những quốc gia có tỷ lệ tự tử cao nhất thế giới năm 2015. Tuy nhiên, nhờ các biện pháp phòng ngừa, tổng số vụ tự tử ở Nhật Bản đã giảm xuống còn 21.000 vụ năm 2017. 

Bà Emiko Teranishi, Hội Bảo vệ những gia đình có thành viên tự tử cho biết: “Ở Nhật Bản người ta làm việc rất nhiều và gần như không có mấy thời gian để ngủ. Trong suy nghĩ, họ cho rằng đây là một cách để chứng minh năng lực bản thân. Nếu không làm được, đó là điều nhục nhã. Và cần phải ngay lập tức thay đổi suy nghĩ này”.

Các tập đoàn thường đối mặt với các vụ kiện từ gia đình của những người tự sát vì làm việc quá sức, đã cho nhân viên nghỉ phép nhiều hơn, bên cạnh việc cung cấp hỗ trợ tâm lý và tuân thủ luật tăng ca do chính phủ đề ra. Do đó, việc trò chuyện và chia sẻ thông qua đường dây nóng hay gặp gỡ các tình nguyện viên được xem là chìa khóa trong việc giảm nguy cơ tự tử. Tuy nhiên, việc hạn chế nạn tự tử ở giới trẻ Nhật Bản vẫn còn là bài toàn khó. Bởi đây là lứa tuổi thường bỏ qua các hoạt động cộng đồng và chỉ tập trung vào các công việc ở trường lớp, khiến việc tâm sự, trò chuyện bị hạn chế tối đa.

Bà Watanabe, một người có con trai tự tử, ngồi đau buồn bên cạnh bàn thờ con trai mình. Ảnh: Reuters
Bà Watanabe, một người có con trai tự tử, ngồi đau buồn bên cạnh bàn thờ con trai mình. Ảnh: Reuters

Năm 2018, số vụ tự tử ở người 19 tuổi trở xuống tại Nhật Bản là 543 trường hợp, cao nhất trong 30 năm trở lại đây. Để hạn chế tình trạng này, Bộ Giáo dục đã ra một cuốn sách nhỏ dành cho trẻ tiểu học. Thông qua các câu chuyện vui vẻ, cho phép các em biểu đạt cảm xúc, dạy các em cách giảm căng thẳng như hít thở sâu, khuyến khích trẻ tìm kiếm giúp đỡ. Chính phủ Nhật Bản cũng đã thành lập các mạng lưới giúp đỡ và ngăn chặn người tự tử ở các địa phương. Bên cạnh đó, Chính phủ Nhật cũng bắt những công ty có hơn 50 nhân viên phải cho người lao động kiểm tra sức khỏe tâm thần thường niên.

Mặc dù là đất nước nổi tiếng vì sự kín đáo trong giao tiếp, song các chuyên gia và tình nguyện viên ở Nhật Bản khẳng định việc tạo cơ hội cho mọi người bày tỏ cảm xúc sâu thẳm bên trong mới là chìa khóa giúp giảm tỷ lệ các ca tự tử thêm gần 40% so với thời kỳ khủng hoảng nhất năm 2003.

ĐOÀN GIA HUY (tổng hợp)

;
;
.
.
.
.
.