Thôn Bắc An, xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang là căn cứ lõm của xã Hòa Khương trong thời kỳ chống Pháp và của Huyện ủy Hòa Vang suốt thời kỳ chống Mỹ. Sông Yên đoạn qua nơi này từng có một đội ghe và hệ thống hầm bí mật phục vụ cho hai cuộc chiến chống ngoại xâm.
Ông Nguyễn Văn Mính (bìa phải) kể nhiều chuyện xưa kháng chiến tại buổi gặp gỡ cơ sở cách mạng do Ban Tuyên giáo Huyện ủy Hòa Vang tổ chức tại Bắc An vào cuối tháng 4-2018. |
Ông Nguyễn Văn Mính, 90 tuổi, tham gia cách mạng từ kháng Pháp đến chống Mỹ, kể rằng, đội ghe Xóm Vạn được lập từ thời kháng Pháp, ban đầu chỉ có 6 hộ, trong đó có 2 hộ là người địa phương, 4 hộ làm nghề chài lưới từ các nơi lên đây lập nghiệp. Đội ghe được “chỉ huy” bởi các ông Hà, ông Tịnh, ông Hai Tiên, ông Bốn Cư. Cả xóm ai cũng biết bơi.
Nghề chính của bà con là đánh cá sông, ngày được “tổ đãi” có khi bắt được tới 50-60 con cá gáy - loại cá còn có tên là cá chép biển hay cá hè, thịt trắng thơm ngon. Ngoài ra, họ còn có một “nghề” nữa là chuyên việc đưa rước cán bộ, bộ đội qua lại sông Yên hoặc chở gạo từ khu vực ngày nay thuộc các xã Hòa Phước, Hòa Châu qua sông.
Từ bên kia sông, dân công đưa gạo lên nhập vào kho Phú Túc của Khu II Hòa Vang, bấy giờ do ông Bửu An, người Lệ Trạch (xã Hòa Tiến) làm thủ kho. Vũ khí để đánh xuống nội thành Đà Nẵng cũng được đội ghe chuyển qua sông.
Bên kia sông (nam là xã Hòa Khương ngày nay, bắc là Hòa Phong ngày nay) nếu có đánh nhau với địch, bộ đội rút về bên này sông là đội ghe lo chở. Nếu có địch từ phía cầu Đỏ, đường xe lửa đi càn lên Bắc An, đội ghe đưa cán bộ, bộ đội và ngay cả dân qua sông. Đội ghe có 5 chiếc lớn, mỗi chiếc có thể chở được 20 người, chưa kể các loại ghe nhỏ, thúng rái.
Sông rộng nhất khoảng 100m, hẹp nhất khoảng 70m. Trường hợp gấp quá, chưa có ghe, muốn qua sông ai bơi được thì bơi, ai không bơi được thì phải níu dây mà lội qua. Đó là sợi dây thừng ngày trước bện bằng dợi dừa to bằng ngón chân cái; nếu cột vào neo để neo tàu thuyền thì gọi là dây neo; nếu cột vào lưới để giữ cho lưới đứng khi bắt cá thì gọi là dây viền.
Đội ghe tới năm 1975 thì chấm dứt hoạt động. Năm 2018, nhân kỷ niệm 43 năm thống nhất đất nước, ông Mính ngẫu hứng làm bài thơ kể lại hoạt động của đội ghe, đọc cho mọi người nghe mỗi khi sinh hoạt CLB Người cao tuổi thôn:
Bắc An ở dọc sông Yên
Cấp trên tổ chức đội thuyền
Chú Hà, chú Tịnh, ông Hai Tiên
Phải sắm ghe cho lớn chở bộ đội, cán bộ thường xuyên cả đêm ngày
Thời chống Mỹ, Bắc An hầu như nhà nào cũng có hầm bí mật. Như nhà ông Biện Thường có 5 hầm bí mật ở các vị trí: dưới giàn bí, dưới bàn thờ, dưới tủ ăn, dưới bụi tre sau nhà và dưới bờ sông Yên. Nhà ông Biện Thường bấy giờ chỉ lợp tranh lụp xụp, có thêm chái với bờ phên 2 lớp.
Nếu lính Mỹ tới, người trong nhà ra chỉ chỗ cho chúng đi hái ổi, để cán bộ lẻn vào nấp trong bờ phên 2 lớp. Có lần các ông Trần Văn Đán, Mai Đăng Chơn đứng lâu cả mấy tiếng đồng hồ trong đó, khi lính Mỹ đi rồi, người nhà mở phên ra thì thấy chân các ông bị máu dồn xuống không cử động được, phải dìu ra.
Ông Mính giải thích, ông Biện Thường tên thật Nguyễn Văn Liêm, là cha ông Nguyễn Văn Chi (nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương). Người địa phương gọi ông Liêm là ông Biện Thường. Biện là gọi tắt của chuyên biện, chức danh chỉ việc ông chuyên việc đi chợ mua đồ thức ăn uống cho tộc Nguyễn Văn trong làng.Thường là tên bà Hai Thường, con gái đầu của ông; người miền Trung có lệ gọi tên cha bằng tên người con đầu để bày tỏ sự nể trọng.
Ở nhà ông Mính, ông làm hầm nổi cho ông Mai Đăng Chơn nấp, bởi ông Chơn bị đau, không nằm hầm chìm được, mỗi lần bị lụt là ẩm thấp. Ông Mính đúc táp-lô, xây cái hầm rất kiên cố. Đêm không ngủ, ông lẻn xuống đường sắt lật tà-vẹt về làm hầm bí mật nổi phía sau nhà, tường bằng táp-lô, mái lót 30 thanh tà-vẹt và một số sắt thu được sau khi đi phá ấp chiến lược. Tà-vẹt sau năm 1975 được ông bán hết, chỉ còn giữ lại một số sắt ấp chiến lược giữ làm kỷ niệm.
Theo mô tả của ông Mính, sông Yên bấy giờ là chiến lũy, cả làng Bắc An đào hầm bí mật dưới bụi tre ven sông, lỗ thông hơi giấu kỹ trong gai tre dày đặc nên chó đánh hơi cũng không chui vô được. Tre chằng chịt che giấu mọi thứ, lính Mỹ pha đèn pin 3 (loại pin dùng 3 viên pin đại, có độ rọi mạnh) mà vẫn không phát hiện ra điều gì.
Người dân tổ chức đào hầm bí mật toàn ban đêm, được bao nhiêu đất là đem đổ ngay xuống sông để phi tang. Mỗi hầm có 2 miệng vào, bà con hồi đó gọi là miệng sông (miệng không có nắp hầm, muốn vô hầm phải lặn xuống sông chui vô) và miệng mình (miệng ở trên khô, có cơ sở người của mình ở trên đậy nắp hầm). Nếu địch đi càn một phía thì lặn xuống sông vô hầm qua miệng sông. Nếu địch càn chặt quá (nhiều phía) thì xuống hầm bằng miệng mình.
Người chuyên đóng nắp hầm bí mật (kích cỡ 60x80cm) lúc đó là ông Tư Sáu. Trước sau cả trăm cái, ngoài việc cung cấp cho quanh vùng, ông còn bí mật chuyển ra các quận nội thành Đà Nẵng lúc bấy giờ.
Kể xong câu chuyện về đội ghe và hệ thống hầm bí mật bên sông Yên, ông Mính bảo: “Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước có sự đóng góp thầm lặng của người dân thôn Bắc An, xã Hòa Tiến”.
Bài và ảnh: VIÊN PHÚC QUÂN