Giếng cũ nhà Ngoại

.

Cái giếng ở sau nhà ngoại tôi có tự hồi nào tôi không biết, chỉ nhớ lần đầu tiên tôi theo mẹ về quê đám giỗ ông ngoại, năm đó tôi mới vào lớp vỡ lòng, tối trời nóng nực, mẹ đem tôi ra giếng múc nước cho tôi tắm, thì tôi đã cao ngang miệng giếng. Ở quê, lúc ấy có ít nhà xây được giếng, nên cái giếng nhà ngoại tôi trở thành nơi cung cấp nước uống cho cả xóm, dù là nước đóng phèn, phải lọc qua mấy lớp sỏi, than, cát mới uống được. 

Căn nhà xưa của Ngoại, nơi có cái giếng cũ in đậm trong ký ức tuổi thơ tôi. Ảnh: HOÀI GIANG
Căn nhà xưa của Ngoại, nơi có cái giếng cũ in đậm trong ký ức tuổi thơ tôi. Ảnh: HOÀI GIANG

Để bà con có chỗ đứng múc nước, cậu tôi xây thềm rộng chung quanh giếng rồi trồng mấy cây mít lấy bóng mát. Cái giếng quanh năm có bóng cây che phủ nên mỗi lần được mẹ cho về nhà ngoại, tôi lại tha thẩn hái lá, hái hoa dại, chơi đồ hàng với mấy đứa em con nhà cậu bên thềm giếng mát rượi. Dưới tán cây mít, giàn đậu ván, mướp hương chen nhau ra hoa kết trái kéo lũ bướm, bầy ong về hút mật làm tổ. Nhờ được tưới tắm hằng ngày nên những vạt rau muống, rau lang, húng quế, rồi mấy cây ớt, cà tím… chung quanh giếng luôn xanh tốt và cho rau, cho trái ăn quanh năm.

Trong trí nhớ của đứa con nít trong tôi qua lời kể của mẹ, cái giếng nhà ngoại chứa đựng một miền ký ức êm đềm của mẹ tôi và các cậu, các dì khi còn quây quần bên nhau trong ngôi nhà ba gian hai chái của ông bà ngoại tôi. Ngoại tôi có chín người con. Các cậu, dì tôi lập gia đình với người trong làng, chỉ có mẹ tôi đi lấy chồng ở nơi khác. Tôi như nhìn thấy những giọt nước mắt chia xa mà mẹ khóc thầm bên giếng trước ngày mẹ rời nhà ngoại về làm dâu ở phố. Ngày xưa người ở quê gọi Hội An là phố.

Ngày rước dâu, cô thôn nữ mới vừa qua tuổi trăng rằm ấy đã phải gạt nước mắt vì xa cha mẹ, anh em, xa công việc đồng áng, mặc vào người cái áo dài cưới may sẵn bằng vải nhuộm màu rộng thùng thình bước lên thuyền xuôi về Hội An mà lòng ngổn ngang. Tuổi mười sáu của mẹ tôi lúc ấy chưa vướng bận tơ duyên, lấy chồng mà chưa hề biết mặt chồng dài ngắn ra sao bởi thời ấy cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy, làm gì có chuyện trai gái hẹn hò rồi mới nên duyên.

Mẹ tôi về làm dâu xứ khác phải học nghề buôn bán vì nhà chồng không làm ruộng. Nhà không có giếng nên hằng ngày mẹ phải thức dậy rất sớm để ra sông gánh nước về ăn uống. Mẹ sợ ma, nên cứ vục đại đôi thùng xuống sông mà gánh vội nước về. Lúc ấy mẹ kể, mẹ nhớ da diết cái giếng nước ngọt nhà mình. Nhớ cái dây cột gàu có bao nhiêu nút, nhớ tiếng gàu khua vào miệng giếng những đêm trăng sáng ra giếng múc nước gội đầu. Nhớ những lần bị bà ngoại mắng vì ham chơi để em té đau, mẹ ra ngồi khóc bên thềm giếng. Những lần hiếm hoi được về thăm nhà, mẹ lại ra bên thềm giếng ngồi một mình, không dám kể với ngoại tôi những nỗi niềm từ chuyện mẹ chồng nàng dâu sợ ngoại tôi lo. Cái giếng ấy như người bạn tâm giao để mẹ tôi trút hết buồn vui một thời.

Khi tôi lên mười tuổi, nhà tôi sa sút vì ba má tôi bệnh nặng, mẹ đưa tôi về ở nhà ngoại với cậu để đi học và đỡ đần việc nhà cho cậu mợ. Cái giếng cũ ấy lại là người bạn sớm hôm gần gũi với tôi. Từ sớm tinh mơ, tôi đã dậy nấu cơm, nấu cám cho bầy heo rồi múc nước đổ lên lọc cho đủ hai chum để có nước đủ cho cả ngày. Nhà cậu tôi có nhiều ruộng nên thợ làm rất đông. Cứ mỗi lần cấy hay làm cỏ, gặt lúa, tôi lại xoay vần với việc nấu cơm, nấu nước gánh ra đồng cho người làm nên phải dậy rất sớm. Vốn sợ ma, mà ngoài trời còn tối, tôi múc nước cố tình va mạnh chiếc gàu sắt vào thành giếng cho phát ra tiếng loảng xoảng để mình đỡ sợ. Cứ thế, ngày tháng trôi qua, ngoài giờ học, tôi cặm cụi bên cái giếng múc nước, hái rau, xắt chuối cho bầy heo trong chuồng. Những buồn vui của tôi cũng chỉ quanh quẩn từ trong bếp ra ngoài giếng. Tôi nhớ nhà, nhớ ba má, nhớ con út mà không biết nói với ai, chỉ có cái giếng âm thầm nghe tôi nói chuyện hằng ngày.

Tôi lớn lên, đi học xa rồi đi làm. Cuốn theo công việc, rồi có thêm nhiều mối bận tâm khác, thỉnh thoảng tôi mới trở về nhà ngoại khi có giỗ chạp. Mỗi lần về vội vàng ấy, chỉ kịp thắp mấy nén nhang lên bàn thờ tổ tiên, ăn quày quả bữa cơm trưa rồi đi cho kịp giờ làm buổi chiều, tôi như quên mất những tháng ngày buồn vui bên gian bếp nhỏ, cái giếng cũ và mảnh vườn sau lưng nhà ngoại.

Trưa nay lại về nhà ngoại có đám chạp, nhưng bếp không đỏ lửa, nhà dưới vắng bóng người qua lại nấu đám bởi các anh họ tôi thuê người làm cỗ đem đến dọn sẵn. Nhà ngoại bây giờ không có người ở, chỉ để làm nhà thờ. Tôi bỗng nhớ quay quắt cái không khí rộn rịp mỗi lần nhà ngoại có giỗ xưa kia, lúc các mợ, các dì và mẹ tôi quây quần trong bếp, mỗi người một tay, vừa làm vừa chuyện trò vui vẻ.

Tôi lần bước ra sau hè. Gian bếp cũ không còn nguyên vẹn hình hài bởi sức nặng của thời gian làm nó xiêu vẹo, đổ nát. Cái giếng đứng trơ vơ dưới nắng trưa, bên thềm cỏ hoang mọc đầy. Trên miệng giếng đậy mấy miếng gỗ mục, chắc để ngăn bọn trẻ con vứt rác xuống. Bây giờ nhà nào cũng có máy bơm điện, đâu còn ai múc từng gàu nước như tôi ngày nào. Nhìn khung cảnh hoang tàn, quạnh hiu ấy, tôi như thấy mình có lỗi. 

KIM EM

;
;
.
.
.
.
.