Khó có "chiến tranh thương mại" Mỹ - EU

.

Tổng thống Mỹ Donald Trump năm 2018 áp thuế 25% lên thép và 10% với nhôm của EU. Đối tác gồm 28 thành viên châu Âu đáp trả lại bằng gói 2,8 tỷ euro cho vải bông và những sản phẩm khác của Mỹ. EU đưa vụ việc ra Tổ chức Thương mại thế giới. Washington và Brussels có những bất hòa về thương mại kể từ khi Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ vào năm 2016 mà đỉnh điểm là chấm dứt đàm phán thương mại giữa hai bên.

Hàng hóa tại cảng Hamburg (Đức).
Hàng hóa tại cảng Hamburg (Đức).

Văn phòng thống kê EU là Eurostat cho biết thặng dư thương mại của EU với Mỹ trong hai tháng đầu năm 2019 tăng so với cùng kỳ năm trước nhưng thâm hụt thương mại với Trung Quốc lại tiếp tục nới rộng ra. Cụ thể là thặng dư thương mại với Mỹ tăng từ 20,9 tỷ euro 2 tháng đầu năm 2018 lên 21,6 tỷ euro trong 2 tháng đầu năm nay; còn thâm hụt với Trung Quốc nới từ 35,5 tỷ euro lên 37,8 tỷ euro. Nhìn chung, thâm hụt thương mại của EU tăng từ 20,7 tỷ euro lên 28,4 tỷ euro, chủ yếu vì nhập khẩu năng lượng từ Nga và Na Uy.

Những dấu hiệu kinh tế nói trên đưa EU đạt tới sự thống nhất trong tuần này về việc đàm phán thương mại với Mỹ nhằm có thỏa thuận trước cuối năm nay. Các nhà phân tích kinh tế thế giới cho rằng dù Mỹ và EU còn lắm bất đồng nhưng khó có thể xảy ra một cuộc chiến thương mại như Mỹ - Trung. Ngay cả cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung được dự báo dai dẳng cũng đang có dấu hiệu kết thúc. Nhà kinh tế nổi tiếng châu Âu Ricardo Garcia cho rằng EU có vị thế tốt hơn Trung Quốc trong việc trả đũa và có thể tác động lớn tới cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020.

Holger Schmieding, nhà kinh tế tại Berenberg (Đức) nhận định EU không phải là đối thủ địa-chiến lược của Mỹ. Sự ủng hộ chính trị ở Mỹ về cuộc chiến thương mại với EU yếu hơn rất nhiều so với cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Hơn nữa, một khi thỏa thuận Mỹ - Trung được thực hiện thì thỏa thuận khác giữa Mỹ - Brussels dễ dàng hơn nhiều.

EU muốn có thỏa thuận tập trung nhiều vào hàng hóa công nghiệp, nghĩa là loại trừ các sản phẩm nông nghiệp, dẫn tới bất đồng với Tổng thống Trump. Ông Trump bảo rằng họ không chịu nhập sản phẩm nông nghiệp của Mỹ nhưng họ lại muốn bán Mercedes Benz và bất cứ thứ gì muốn ở Mỹ, kể cả sản phẩm nông nghiệp là sự không công bằng. Trump lại một lần nữa đe dọa áp nặng thuế đối với các nhà sản xuất ô-tô châu Âu nếu EU không nới lỏng đề xuất này. Ông Holger Schmieding khuyến cáo rằng dù EU có lợi thế hơn Trung Quốc trong đàm phán thương mại nhưng cần nỗ lực tránh tranh cãi leo thang, gây tổn hại cho ngành công nghiệp toàn cầu và căng thẳng như Mỹ - Trung xảy ra trong 3 quý vừa qua.

ANH THƯ (theo CNBC, Euronews)

;
;
.
.
.
.
.