Nỗi ám ảnh lớn nhất trong suốt hành trình sáng tạo của nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh vẫn là miền quê yêu dấu, là ngôi làng nguồn cội bên con sông Vu Gia êm đềm. “Xưa tôi sống trong làng/ Giờ làng sống trong tôi”, câu thơ như định mệnh cho cả một đời cầm bút của anh.
Ngay cả khi viết văn, nguồn cảm xúc khơi gợi đằm sâu nội cảm vẫn được khơi dẫn mạch nguồn từ quê quán tôi xưa. Tập ký, phê bình Lòng chưa cạn đêm sâu của Nguyễn Ngọc Hạnh vừa ra mắt bạn đọc vẫn bàng bạc nỗi niềm với làng quê ấy của anh. Sách gồm 2 phần. Phần một gồm 28 bài bút ký, tản văn, phê bình của tác giả. Phần còn lại là những bài viết của nhiều nhà văn, nhà thơ luận bàn về thế giới thi ca của Nguyễn Ngọc Hạnh.
Bìa sách Lòng chưa cạn đêm sâu. |
Những bút ký Một ngày quê mẹ, Về quê, Buôn gánh là cảm xúc từ những hình ảnh in đậm từ ký ức về làng Đại Hồng thao thiết quê anh, của dâu tằm biêng biếc, bánh tráng cuốn thô mộc đã trở thành thương hiệu, trái lòn bon với truyền thuyết những ngày lánh nạn của Nguyễn Ánh… Tiếng chim quê mang nặng cảm thức quy hồi, đồng vọng; làng Bảo An quê ngoại, vùng đất văn hóa xứ sở của những tài danh xứ Quảng, đến chiếc phà xưa bên con sông Hàn… vẫn da diết bóng dáng một làng quê đã lặng lẽ ra đi cùng anh, không hay biết, “chỉ có điều giữa câu thơ tôi viết/ con sông quê bóng núi cứ chập chờn…”.
Ghi chép Gặp bà cháu Thiện Nhân - viết về cháu Thiện Nhân với những tấm lòng thương thảo chở che trong câu chuyện cổ tích đời thường. Người đàn bà Buôn gánh, câu chuyện của một cơ sở cách mạng trước 1975 hoạt động dưới vỏ bọc hợp pháp nội thành biết từ bỏ hư danh để trở về sống bằng chính đời sống của một công dân đầy tự trọng.
Bút ký nhân vật của Nguyễn Ngọc Hạnh viết với chất liệu báo chí nhưng mang sự ngọt ngào của văn chương, bàng bạc nỗi lòng trắc ẩn yêu thương của tác giả với những số phận bất hạnh của con người. Đặc biệt những bài phê bình, cảm nhận về tác phẩm văn học của bạn bè, tác giả luôn đặt mối quan tâm hàng đầu về chủ đề làng quê. Với Hồn thơ Bùi Xuân, xao xác một hình ảnh mẹ “Trơ trọi một mình/ Biết lấy ai làm giàn bầu giàn bí/ Mẹ nhặt nhạnh quanh vườn nhánh gai lẻ củi/ Làm một giàn khổ qua…”.
Trong Kéo co với thơ của Nguyễn Kim Huy bắt gặp một nỗi rung động kỳ lạ, Nguyễn Ngọc Hạnh như vừa tìm thấy trong thơ nỗi lòng tri kỷ: “Nguyễn Kim Huy đang kéo co với thế giới thi ca mình bằng chính ký ức sâu nặng quê kiểng và cảm thức hồn nhiên chân thực của đời mình, có thể đó là một cứu cánh duy nhất để tìm lại một thời thơ dại”.
Về Ngô Minh, “thơ ấy sinh ra từ một vùng quê mẹ đầy cát trắng Vĩnh Linh nên lung linh một màu tinh khiết chói chang đầy nghị lực, tình người dạt dào như sóng biển (Đứa con của cát)”. Khi Nguyễn Ngọc Hạnh cảm nhận về tác phẩm của các nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, Hoàng Tư Thiện, Trần Khắc Tám, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Nguyễn Đức Nam, Nguyễn Văn Long, nhạc sĩ Thái Nghĩa, Diệp Chí Huy, điêu khắc gia Phạm Văn Hạng… dường như đều vương vấn nỗi niềm quê kiểng của chính mình trong sâu thẳm khát vọng sông quê, làng quê trong tâm thức.
Trong phần tác phẩm và dư luận của Lòng chưa cạn đêm sâu với 30 bài của các nhà phê bình, nhà thơ, nhà báo khắp cả nước, bằng nhiều góc nhìn, cách tiếp cận văn bản khác nhau, các tác giả đã phác họa chân dung thơ Nguyễn Ngọc Hạnh trước dâu bể được mất thời gian chưa bao giờ biết cạn kiệt cảm xúc. Nhà thơ Trần Tuấn đã mang đến những phát hiện rất mới:
Thơ của Hạnh “là dòng chảy, là sự dạt trôi, đôi khi lạc trôi. Tất cả các câu thơ, bài thơ đều mang chứa sự chuyển động: Đêm chảy tràn ra góc bể/ Trôi tôi về phía thượng nguồn”, là “cỏ cây một thời vụng dại/ lặng thầm trôi như chiều buông”. Nhà văn Thanh Quế thì cho rằng, thơ Nguyễn Ngọc Hạnh mang nỗi cô đơn ở nhiều trạng thái, nỗi bơ vơ trong trời đêm cõi người, lẻ loi bên bờ sông vắng, là nỗi quạnh hiu “mình tôi ngồi lại cùng tôi phút này”, là trở về bên con sông Vu Gia để “cúi hôn mình trên sông”, hôn nỗi cô đơn lặng thầm của đứa con xa quê trong nỗi nhớ mưa nguồn...
Ngô Minh gọi thơ đó là “ngọn lửa”, là thứ lửa mạch đất làng quê thân thuộc: “Đêm nay ai còn chưa ngủ/ Nghe lúa rung nhịp đập tim người”. Thơ kết tinh của lửa mà những cơn đau chính là nhiệt độ, là lửa để tạo ra phản ứng thi ca: “Ai hiểu được dưới vành nón lá/ Một mặt trời mọc giữa ruộng sâu”. Nhà thơ Ngô Minh cho rằng, hình ảnh mặt trời dưới ruộng sâu là một phát hiện mới mẻ nhất, sâu thẳm nhất trong thi ca viết về nông dân và nông thôn…
Nhà nghiên cứu Bùi Văn Tiếng trong cảm thức hoàng hôn với một phát hiện rất thú vị, đó là hoàng hôn chiều muộn: “Ước gì cầm tay hoàng hôn/ Bóng đời lặn dần xuống núi/ Ước gì tôi với hoàng hôn/ Cứ mãi là chiều lặng lẽ” hay “Qua sông ngồi nhớ con đò/ Nhớ hoàng hôn lẫn câu thơ ban chiều”...
Còn nhà thơ Du Tử Lê lại khẳng định: “Lịch sử thi ca thế giới, nhất là thi ca Việt Nam, dường như chưa tác giả nào quên nói về mẹ. Nhưng cách nói về mẹ của Nguyễn Ngọc Hạnh là cách nói trước đây ta chưa hề thấy: “Mẹ sinh ra trong rơm rạ/ Nên hương đồng còn thơm mãi đời anh” hay: “Không gọi đò, con gọi mẹ ơi/ Sông thì hẹp/ mà vô bờ đến vậy/ Con đi qua hết một thời trai trẻ/ Từ chiếc đò lòng mẹ/ Qua sông”...
Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha thì cho rằng: khi đọc mấy bài thơ mà tiêu đề Hạnh chỉ chọn một chữ, tôi có cảm nhận sự chiêm nghiệm trong thơ anh đã rắn lại, tinh tế, sâu lắng hơn xưa, với nhiều cảm thức khác nhau được viết chắt lọc, tứ thơ lạ, tâm trạng ngơ ngác, bơ vơ…“Một đời lụy với câu thơ/ Còn bao nhiêu chuyến bao giờ đò ơi (Lụy); Khi tóc bạc mới thương ngày thơ bé/ Để bây giờ yêu muộn thuở còn xanh (Muộn); Nửa đời phiêu bạt/ Nhầm một câu thơ/ Nhầm dòng sông chảy/ Tìm không thấy bờ (Nhầm)”...
Bài thơ Điểm danh theo nhà phê bình Phạm Phú Phong: Nguyễn Ngọc Hạnh đã hé lộ nghề dạy học của mình, đã “quy định lối sống, lối yêu đương, cách hành ngôn chừng mực, mạch lạc, có sự tham gia của lý trí”. “Ngọn lửa âm thầm cháy đỏ/ Soi cho các em để sáng cho mình/ Mỗi giờ đến lớp điểm danh/ Thừa một chỗ ngồi thiếu người chia lửa/ Đêm về khoảng trống cháy khôn nguôi” (Điểm danh)…
Vẫn là nỗi day dứt làng xưa, với con sông quê thượng nguồn, đến tuổi xế chiều mà lòng thi sĩ chưa hề vơi cạn, không chỉ có thơ mà cả văn xuôi trong tập sách này, vẫn dòng chảy đầy cảm xúc trong thế giới văn chương của Nguyễn Ngọc Hạnh.
Hồ Sĩ Bình
* Đọc Lòng chưa cạn đêm sâu - Nguyễn Ngọc Hạnh - NXB Đà Nẵng, 2019.