Lần đầu tiên thế giới phải chứng kiến người già nhiều hơn trẻ nhỏ. Tại sao bây giờ thế giới có nhiều ông bà hơn là con cháu? Điều đó tác động như thế nào tới xã hội toàn cầu?
Châu Phi có tỷ lệ sinh cao nhưng tỷ lệ trẻ tử vong cũng còn rất cao. |
Thay đổi sau 60 năm
Số liệu thống kê cuối năm 2018 cho biết số người già trên 65 tuổi toàn thế giới là 705 triệu người, trong khi số trẻ em dưới 5 tuổi là 680 triệu. Các nhà nhân khẩu học theo dõi nhiều thập niên qua đã tóm tắt được: con người sống thọ hơn và sinh đẻ ít hơn. Ngân hàng Thế giới thống kê năm 1960 là trung bình 5 con/phụ nữ thì 60 năm sau tỷ lệ này chỉ còn lại 2,4 con/phụ nữ. Tuổi thọ trung bình năm 1960 là 52 thì tới năm 2017 con số này đã lên 72. Với xu thế như hiện nay thì tới năm 2050 số người trên 65 tuổi sẽ gấp đôi số trẻ con dưới 5 tuổi.
Dân số già thể hiện rõ nét hơn ở những quốc gia phát triển. Ở đó có rất nhiều lý do: Tỷ lệ sinh thấp chủ yếu do đời sống kinh tế sung túc. Tỷ lệ tử vong của trẻ em thấp. Kiểm soát sinh đẻ tốt. Quá trình chăm sóc, nuôi nấng con cái khá tốn kém. Phụ nữ ở những nước này có con trễ và có ít con hơn trước. Nhật Bản là quốc gia có tỷ lệ người trên 65 tuổi cao nhất thế giới (27%) và tuổi thọ trung bình cao nhất thế giới (84 tuổi). Trong khi đó, trẻ em dưới 5 tuổi chỉ có 3,85%. Trung Quốc thuộc diện quốc gia đang phát triển cũng gặp phải hoàn cảnh tương tự. Tỷ lệ người trên 65 tuổi (10,6%) nhưng chính sách dân số nghiêm ngặt từ năm 1970 đã kéo tỷ lệ sinh chỉ là 1,6 con/phụ nữ. Trẻ em dưới 5 tuổi chưa tới 6% dân số.
Châu Phi có những con số thống kê đáng buồn về số lượng và chất lượng của tỷ lệ sinh. Lục địa đen đứng đầu về mức sinh cao như Niger là 7,2 con/phụ nữ năm 2017. Ngược lại, Nigeria lại có tỷ lệ tử vong trẻ em cao hàng đầu thế giới 8,5/100. Bộ phận Dân số Liên Hợp Quốc tính toán rằng tỷ lệ sinh 1,72 con/phụ nữ của Nga sẽ làm cho dân số nước này giảm mạnh trong vài thập niên nữa, từ mức 143 triệu người hiện nay xuống còn 132 triệu người vào năm 2050. Dự kiến tổng dân số toàn cầu sẽ đạt mốc
8 tỷ người vào năm 2024 càng cho thấy dân số già hơn nữa bởi tỷ lệ sinh thấp và tuổi thọ lại tăng cao.
Tác động kinh tế-xã hội
Christopher Murray là Giám đốc Viện Đo lường và đánh giá sức khỏe tại Đại học Washington (Mỹ) cũng là tác giả của báo cáo cho biết một nửa quốc gia trên thế giới đang chịu cảnh thiếu hụt trẻ con để duy trì quy mô dân số. Ông nhận định sẽ có những hậu quả to lớn cả về mặt xã hội lẫn kinh tế với thế giới nhiều ông bà hơn cháu. Con người sống lâu hơn sẽ đòi hỏi nguồn lực nhiều hơn khi về già, áp lực lên các lĩnh vực lương hưu và hệ thống y tế nặng nề hơn bởi vì lúc đó lực lượng lao động thiếu người, giảm năng suất lao động cản trở tăng trưởng kinh tế.
Giám đốc Viện Lão hóa dân số Oxford (Anh) là George Leeson nói với BBC rằng nhân khẩu học tác động tới mọi khía cạnh cuộc sống, từ đường phố, nhà cửa, giao thông cho tới tiêu dùng. Ông còn bảo rằng chỉ cần bạn nhìn ra đường từ cửa sổ nhà mình và quan sát thì sẽ thấy được tác động của dân số già. Quỹ Tiền tệ quốc tế hồi tháng 11 năm 2018 cảnh báo Nhật Bản sẽ suy giảm kinh tế 25% trong vòng 4 thập niên nữa vì dân số già.
Chính sách ứng phó
Các quốc gia đang nỗ lực hành động để giảm thiểu tác động của dân số già. Các nhà chức trách Nhật Bản lo lắng trong nhiều thập niên về lương hưu và hệ thống y tế vì dân số quá già. Năm ngoái, chính phủ nước này dự kiến sẽ tăng độ tuổi nghỉ hưu lên tới… 70 tuổi. Nếu kế hoạch này được thực hiện thì người lao động Nhật Bản sẽ nghỉ hưu trễ nhất thế giới.
Trung Quốc xem xét lại chính sách 1 con vào năm 2015 và năm 2018, dự kiến sẽ chấm dứt sự hạn chế này vào năm tới. Họ có lý do để dỡ bỏ chính sách 1 con khi mà chỉ có 15,2 triệu ca sinh trong năm 2018, thấp nhất trong vòng 60 năm qua. Các học giả Trung Quốc nhận định sự sụt giảm này vì lý do tài chính, đặc biệt là những gia đình có phụ nữ học vấn cao không muốn duy trì vai trò truyền thống chăm sóc gia đình nữa.
Chính sách chăm sóc sức khỏe người cao tuổi được đánh giá là cốt yếu trong việc giảm thiểu tác động của dân số già. Người lớn tuổi có sức khỏe tốt có thể kéo dài tuổi lao động, tự chăm sóc bản thân dẫn tới giảm được sức ép lên hệ thống y tế. Ngoài ra, còn vấn đề lao động nữ cần được phát huy. Tổ chức lao động quốc tế cho biết thị trường lao động nữ toàn cầu năm 2018 là 48,5% thấp hơn nam giới 25%. Các nền kinh tế có tỷ lệ lao động nữ cao thì chịu suy thoái kinh tế ít hơn trong thời gian qua. Lao động nữ không chỉ giúp năng suất lao động cao hơn mà còn đại diện cho công cụ chống đói nghèo một cách hiệu quả.
ANH THƯ (Theo BBC)