Đứng trước những thách thức ngày càng nghiêm trọng của đô thị như tắc nghẽn giao thông, quá tải về dân số, ngập lụt, sụt lún…, một số quốc gia ở Đông Nam Á muốn dời thủ đô để giảm tải áp lực. Dù quá trình di chuyển thủ đô phải đối mặt với những con đường dài và gập ghềnh nhưng các nhà lãnh đạo Indonesia và Philippines đều phải lựa chọn cho một tầm nhìn xa hơn.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte (trái) và Tổng thống Indonesia Joko Widodo coi việc di dời thủ đô là một giải pháp cho nhiều vấn đề. Ảnh: Nikkei/Reuters |
Tình trạng quá tải đô thị
Nhiều thập niên qua, kể từ thời tổng thống đầu tiên của Indonesia là ông Sukarno (nhiệm kỳ 1945-1967), chuyện di dời trung tâm hành chính của Indonesia đã được thảo luận. Tuy nhiên, việc Tổng thống Widodo xúc tiến kế hoạch vào lúc này đã cho thấy tính cấp bách của vấn đề.
Thủ đô Jakarta của Indonesia có khoảng hơn 10,7 triệu dân. Theo báo Jakarta Post, cơ sở hạ tầng hiện có không được thiết kế để đáp ứng mật độ dân số cao của thành phố. Ngành nước chỉ đáp ứng đủ cho nhu cầu của 40% dân cư. Jakarta ngày càng khó sống hơn do quá tải về dân số, kẹt xe nghiêm trọng, ngập và ô nhiễm không khí. Bất chấp việc khai trương một tuyến đường tàu điện ngầm, giao thông công cộng vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu đi lại, dẫn đến tình trạng tắc nghẽn kinh niên. Thiệt hại kinh tế hằng năm do ùn tắc giao thông được ước tính vào năm 2013 ở mức 56.000 tỷ rupiah (3,9 tỷ USD theo tỷ giá hiện tại) và có thể nhích lên gần 100.000 tỷ rupiah mỗi năm kể từ bây giờ. Bên cạnh đó, Jakarta cũng là thành phố ô nhiễm không khí nhất Đông Nam Á.
Đặc biệt, Jakarta nằm trên vùng đất đầm lầy ở bờ biển tây bắc đảo Java với 13 con sông chảy qua, do đó thường xuyên hứng chịu lũ lụt vào mùa mưa. Đây là một vấn đề đau đầu mà nhiều thị trưởng liên tiếp của thành phố này chưa thể giải quyết. Trong khi đó, câu chuyện khoan tìm kiếm nước ngầm và sức nặng của các tòa nhà chọc trời khiến thành phố này đang sụt lún ở mức báo động. Việc khai thác nước ngầm đã khiến các khu vực rộng lớn của thành phố thấp dưới mực nước biển.
Theo đài ABC, các nhà nghiên cứu đến từ Viện Công nghệ Bandung ở Indonesia cho biết 95% thủ đô Jakarta sẽ chìm trong nước biển vào năm 2050, tức chỉ trong 30 năm tới. Chính vì thế mà ông Widodo cho biết, việc dời đô thể hiện tầm nhìn xa của nước này trong 10, 50 hay thậm chí 100 năm tới. “Jakarta hiện gánh trên mình hai gánh nặng cùng một lúc: vừa là trung tâm của chính phủ và các dịch vụ công, vừa là trung tâm kinh doanh. Trong tương lai, liệu thành phố này chịu nổi gánh nặng đó hay không?”, Tổng thống Widodo đặt vấn đề hồi tháng 4-2019.
Với việc dời đô, Tổng thống Widodo cũng muốn bảo đảm việc phân bố sự giàu có rộng hơn ra ngoài khu vực đảo Java. Có diện tích khoảng 128.000km2 nhưng hòn đảo này hiện chiếm hơn 50% kinh tế cả nước và là nơi sinh sống của gần 60% dân số Indonesia. Ông Widodo đã đánh dấu Kalimantan, một phần đảo Borneo của Indonesia, là ứng viên chính để tiếp nhận cơ quan chính phủ. Trong khi Jakarta vẫn là trung tâm kinh tế của đất nước, ông Widodo cho biết kế hoạch này sẽ “khuyến khích tăng trưởng bên ngoài đảo Java”.
Ở Philippines, Metro Manila là nơi sinh sống của gần 13 triệu người, dựa trên cuộc điều tra dân số mới nhất, nhưng con số tăng lên khoảng 15 triệu người vào ban ngày, khi các công nhân đi vào thành phố từ vùng ngoại ô. Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản ước tính mỗi ngày, Philippines mất 3,5 tỷ peso (68,2 triệu USD) do điều kiện giao thông của Metro Manila. Nếu không được kiểm soát, thất thoát hằng ngày dự kiến đạt 5,4 tỷ peso vào năm 2035.
Trong khi các tuyến tàu và đường cao tốc bổ sung được đưa vào hoạt động ở Metro Manila, chính phủ đang để mắt đến một khu đô thị mới cách đó khoảng 100km về phía bắc - thành phố New Clark. Kể từ năm 2015, Quốc hội Philippines đã thông qua kế hoạch xây thành phố vệ tinh New Clark để dời các cơ quan chính phủ về đây. Theo báo Phil Star, chính quyền Philippines lạc quan rằng, ngoài khả năng làm giảm mật độ dân số ở khu trung tâm, việc chuyển các cơ quan hành chính sang thành phố mới New Clark sẽ giúp phát triển kinh tế, tạo thêm công ăn việc làm cho người dân.
Tốn kém nhưng phải dời
Ý tưởng di dời cơ quan chính phủ không có gì mới bởi Indonesia đã đề cập việc này từ những ngày đầu độc lập vào những năm 1940. Nhưng vấn đề khó khăn ở đây là ngân sách và hậu cần.
Ông Bambang Brodjonegoroa, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch phát triển quốc gia Indonesia, cho biết chính phủ nước này đã lên kế hoạch khởi động xây dựng thành phố mới kể từ năm 2021 và bắt đầu di dời một số văn phòng kể từ năm 2024. Việc dời đô có thể tiêu tốn từ 20-30 tỉ USD.
Với diện tích 743.000km2 Kalimantan là hòn đảo lớn nhất ở châu Á và lớn thứ ba thế giới, rồi mai đây sẽ mọc đầy các tòa nhà chính phủ và cầu đường hiện đại như những gì người ta đang thấy ở Jakarta.
Trong khi đó, Philippines phê duyệt kế hoạch xây dựng thành phố thông minh New Clark vào năm 2015; dự kiến dời toàn bộ các cơ quan cấp bộ, các công ty quốc doanh, các đại sứ quán về đây vào năm 2030. Việc dời thủ đô này dự kiến sẽ tiêu tốn khoảng 14 tỉ USD, được cho là sẽ giúp giảm tải cho thủ đô Manila, giảm các thiệt hại kinh tế do kẹt xe nghiêm trọng ở khu vực nội ô - Metro Manila. Về chi phí, Bộ Kế hoạch phát triển quốc gia cho biết khu vực tư nhân sẽ chi trả 3/4 cho dự án trị giá 466.000 tỷ rupiah, thông qua các biện pháp như quan hệ đối tác công tư.
Thành phố New Clark nằm trong khu bảo tồn quân sự rộng 94,5km2 ở Capas, tỉnh Tarlac. Khoảng 40% tổng diện tích được thiết lập để xây dựng, phần còn lại sẽ được dành cho canh tác và rừng.
Thành phố mới New Clark cũng sẽ cung cấp cho Manila thứ mà nó vô cùng cần là một đối thủ cạnh tranh. Trong báo cáo năm 2017 về đô thị hóa, Ngân hàng Thế giới ghi nhận việc thiếu các lựa chọn thay thế khả thi cho người dân và doanh nghiệp đã góp phần làm tình trạng tắc nghẽn của thủ đô ngày càng tồi tệ khi nền kinh tế quốc gia phát triển. Ông Duterte đã đình chỉ phê duyệt các khu kinh tế mới ở Metro Manila để khuyến khích các nhà đầu tư hướng đến nơi khác. Tình trạng quá tải đô thị là một vấn đề trên khắp châu Á - nơi có 9 trong số 10 đô thị đông đúc nhất thế giới - nhưng số lượng cư dân của Manila trên mỗi km vuông vượt quá 10.000 người so với Mumbai, đô thị xếp ở vị trí thứ hai. Nếu di dời thủ đô đến Clark thành công có thể giảm bớt một số áp lực cho thành phố đông dân nhất thế giới này.
Đoàn Gia Huy (tổng hợp)