*Tôi nghe có người đọc câu ca “Ghe đi để lại dấu dầm” nhưng cũng có người lại cho rằng “Ghe đi để lại dấu dằm”. Xin cho hỏi, trong câu này, dấu dầm hay dấu dằm? (Phan Hoàng, Sơn Trà, Đà Nẵng)
-Dầm (danh từ), Từ điển tiếng Việt giảng là mái chèo ngắn, dùng cầm tay để chèo. Dằm (danh từ) có hai nghĩa: (1) Mảnh gỗ, tre, nứa..., rất nhỏ và nhọn, đâm vào da thịt - bị dằm đâm vào tay đau điếng; (2) Dấu vết chỗ ngồi, nằm, hay để đặt vật gì (phương ngữ) - nằm chưa ấm dằm đã phải dậy.
Ghe lui để lại dấu dằm. Ảnh minh họa |
Về từ dằm nghĩa là “chỗ ngồi, nằm, hay để đặt vật gì” này, Nam Bộ có một câu ca xuất phát từ văn nghệ dân gian nhưng cấu tứ rất bác học: “Ghe lui còn để dấu dằm/ Người yêu đâu mất, chỗ nằm còn đây”. “Ghe lui” (ghe không còn ở đó nữa) cùng với “dấu dằm” ở câu lục là cách mượn cảnh vật để gởi gắm tâm trạng trong nghệ thuật tả cảnh ngụ tình, được giãi bày ở câu bát tiếp theo qua các từ “người yêu” và “chỗ nằm”. Cả hai cặp từ này đều nói về sự mất – còn, một của cảnh vật và một của con người, chỉ với 14 chữ mà đã vượt lên ngữ nghĩa thường tình để chạm đến cảm xúc thẩm mỹ đối với bất cứ ai đọc/nghe đến.
Có lẽ vì thế mà Xuân Diệu, nhà thơ được mệnh danh “Ông hoàng thơ tình”, đã vin vào câu ca Nam Bộ ấy để viết nên bài “Dấu nằm” (năm 1977) mang đậm dấu ấn tài hoa, trong đó có đoạn: “Ghe lui còn để dấu dằm/ Người yêu đâu vắng, dấu nằm còn đây/ Dấu nằm cũng vẫn xinh thay/ Đường vai phảng phất, nét tay mơ màng”.
Nhà thơ Lê Minh Quốc trong bài thơ cùng tên với nhà thơ Xuân Diệu, có đoạn: “Mở lòng ra với đất trời/ Ngày vui bất tuyệt những lời xa xăm/ Chiếu chăn bền chặt tơ tằm/ Yêu em? Yêu cả dấu nằm còn đây…”.
Nhà thơ Đoàn Minh Vân (Bình Định) lấy câu ca Nam Bộ làm tít “Ghe lui còn để dấu dằm” và lặp lại ở khổ cuối: “Ghe lui còn để dấu dằm/ Người đi kẻ ở, tháng năm đợi chờ/ Trăng tròn, trăng khuyết, trăng mờ/ Ngàn năm anh gởi trong thơ hương thầm”.
Có nhà thơ còn đưa câu ca này vào sáng tác của mình theo cách chơi thơ “khoán thủ” (lấy những chữ trong đề mục làm chữ đầu các câu thơ), như Thanh Hùng (TP. Hồ Chí Minh) có bài “Bến đò xưa” như sau (những chữ IN HOA chép theo nguyên văn của tác giả):
GHE tách bến về nơi xứ lạ/ LUI xa bờ tình đã đôi nơi/ CÒN chi giấc mộng bên đời/ ĐỂ lòng uất nghẹn chơi vơi nỗi sầu/ DẤU yêu hỡi nào đâu có biết/ DẰM trong tim khi biệt tình buồn/ NGƯỜI làm cho lệ ta tuôn/ YÊU đương chất ngất nửa hồn thương đau/ ĐI xa mãi ngày sau có gặp/ MẤT nhau rồi buồn khắp con tim/ CHỖ xưa nếu có về tìm/ NẰM chờ nơi đó lặng im nhớ người/ CÒN gì nữa hồng tươi rực rỡ/ ĐÂY chỉ là nỗi nhớ xa xăm/ GHE LUI CÒN ĐỂ DẤU DẰM/ NGƯỜI YÊU ĐI MẤT CHỖ NẰM CÒN ĐÂY.
Câu ca Nam Bộ có một số dị bản, chủ yếu ở từ dằm/dầm: Ghe lui khỏi bến còn dầm? Người thương dầu vắng chỗ nằm còn đây; hoặc Ghe lui còn để dấu dầm/ Người yêu đâu vắng, dấu nằm còn thương...
Xem ra, nếu từ DẦM xuất hiện trong câu đang xét thì câu thơ vẫn mang trọn ý đẹp.
Tuy nhiên, DẦM ở đây không “đắt” bằng DẰM. Bởi DẰM mới cho nghĩa “chỗ ngồi, nằm, hay để đặt vật gì” khiến cho cái sự “ghe lui” vẫn để lại “dấu nằm” vấn vương thương nhớ như trong câu thơ Xuân Diệu, Dấu nằm cũng vẫn xinh thay/ Đường vai phảng phất, nét tay mơ màng. Và, gần 2 thế kỷ trước, đại thi hào Nguyễn Du đã khẳng định điều này qua một trong những tuyệt cú của Truyện Kiều: Một lời thuyền đã êm dằm/ Hãy đưa canh thiếp, trước cầm làm ghi.
ĐNCT