Xuất khẩu của thế giới suy giảm

.

Các quốc gia phụ thuộc vào xuất khẩu đang chịu sự suy thoái kinh tế, kéo theo tăng trưởng toàn cầu giảm kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tiến hành chiến tranh thương mại cách đây một năm rưỡi.

Xuất khẩu sắt và thép của Hàn Quốc gặp khó vì căng thẳng thương mại Mỹ - Trung.
Xuất khẩu sắt và thép của Hàn Quốc gặp khó vì căng thẳng thương mại Mỹ - Trung.

Hàn Quốc là một trong những quốc gia phụ thuộc vào xuất khẩu lớn nhất thế giới. Xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ chiếm hơn 40% GDP ở Hàn Quốc, cao nhất trong số 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, số liệu thống kê từ đầu năm tới nay khá ảm đạm khi mà xuất khẩu trong tháng 10 vừa qua của Hàn Quốc giảm 14,7% so với tháng này của năm trước. Đây là mức giảm lớn nhất trong gần 4 năm qua và là tháng thứ 11 liên tiếp.  Xuất khẩu sắt và thép đã giảm 9,7% trong 10 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm 2018. Thế mạnh xuất khẩu sản phẩm điện tử giảm 18%, chất bán dẫn giảm tới 32%. Giám đốc nhà máy sản xuất thép Posco là Jeong Tae-ki than thở về tình hình làm ăn của đơn vị “Chẳng có chút nào sáng sủa cả” khi mà đơn hàng thép rất thấp và ít khiến quý thứ ba liên tiếp giảm lãi ròng.

Khối lượng thương mại toàn cầu giảm hồi tháng 8 vừa qua tới 1,2% so với cùng kỳ năm 2018 và là tháng thứ ba giảm liên tiếp kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hơn 1 thập niên trước. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tháng trước cắt giảm mức tăng trưởng toàn cầu từ 3,3% đã dự báo hồi đầu năm xuống còn 3% vì sự suy giảm thương mại. IMF tiếp tục cắt giảm dự báo kinh tế thế giới hồi đầu tháng 11 qua việc giảm tốc độ tăng trưởng hằng năm xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ toàn cầu theo khối lượng xuất 1,2% cho năm 2019 so với 3,7% của năm ngoái.

Các chuyên gia tài chính của nhật báo Financial Times có trụ sở tại London (Anh) phân tích dữ liệu từ IMF thấy được mức độ tổn hại không chỉ dừng lại ở các quốc gia chủ yếu xuất khẩu. Chiến tranh thương mại năm trước tác động tới 33 quốc gia thì con số hiện tại lên tới 100. Nhà kinh tế học danh tiếng Adam Slater nhận định mối liên hệ chặt chẽ giữa dịch vụ với thương mại hàng hóa đang chậm lại, rào cản thương mại trong một số lĩnh vực tăng lên. Tăng trưởng đầu tư dự kiến trong năm 2019 chỉ còn lại 1,5% ở những nền kinh tế tiên tiến, so với 4,1% của năm 2017.

Trung Quốc chịu tác động khá lớn khi xuất khẩu giảm 3,2% trong tháng 9. Các số liệu công bố cho biết hàng nhập khẩu của Trung Quốc từ Mỹ giảm 26,4%, trong khi xuất khẩu sang nước này cũng giảm 10,7%. Ngoài ra, nguồn cung cấp từ Hàn Quốc cho nền công nghiệp Trung Quốc giảm 17% trong tháng 10. Các quốc gia khác trong khu vực như Nhật Bản, Thái Lan, Singapore cũng sụt giảm vì nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc giảm dần. Có một số dấu hiệu cho thấy tình hình có thể từ từ ổn định bởi các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Trung Quốc bớt đi những giọng điệu đối đầu, cố gắng hoàn tất một thỏa thuận để giải quyết căng thẳng thương mại suốt 18 tháng qua.

ANH THƯ (Theo Financial Times)
 

;
;
.
.
.
.
.