Lắng nghe tâm tư học trò

.

Trong rất nhiều diễn đàn về giáo dục, đã có ý kiến cho rằng, nếu thực sự thầy, cô giáo chịu khó dành chút thời gian tìm hiểu, lắng nghe tâm tư của học sinh (HS) thì bức tranh học đường sẽ ít nhiều có sự thay đổi. Một khi thầy cô giáo là chỗ dựa tinh thần của các em thì sẽ cảm hóa được những học trò “lệch chuẩn”, chưa ngoan, chưa chăm, bởi những gì từ trái tim thì sẽ đến được trái tim. Thế nên, ngoài phòng tham vấn tâm lý học đường, một số trường học đã có nhiều “kênh” khác nhau để hỗ trợ cho HS như hộp thư góp ý, tư vấn online…

Học sinh Trường THCS Huỳnh Bá Chánh tham gia Ngày hội đọc sách với chủ đề “Sách trong trái tim em”. Ảnh: H.T
Học sinh Trường THCS Huỳnh Bá Chánh tham gia Ngày hội đọc sách với chủ đề “Sách trong trái tim em”. Ảnh: H.T

Yêu thương để thấu hiểu

Cô Nguyễn Thị Trà Mân, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Huỳnh Bá Chánh (quận Ngũ Hành Sơn) đến giờ vẫn nhớ trường hợp của em C. Dù là HS năm cuối cấp nhưng gần như buổi học nào em cũng ngủ gục hoặc nằm mệt mỏi. “Tìm hiểu lý do thì em giải thích là do em đi làm thêm để phụ giúp kinh tế cho mẹ nên thiếu ngủ. Nhưng thực tế, khi chúng tôi trao đổi với phụ huynh, mẹ em cho biết chỉ thỉnh thoảng em mới ghé trang trại của người bà con để phụ giúp và gia đình cũng không quá áp lực về kinh tế. Không thể để tình trạng này kéo dài được, một mặt, các thầy cô phụ trách CLB Người bạn đồng hành của nhà trường tìm cách khơi gợi để em tâm sự; mặt khác, với học lực khá tốt, C. được chọn đi dự thi HS sáng tạo khoa học kỹ thuật. Dù chỉ đoạt giải nhì cấp trường nhưng chính thời gian mày mò sáng tạo sản phẩm dự thi đã giúp em lấy lại được tinh thần để tập trung học tập”, cô Trà Mân kể.

Ngoài hoạt động tư vấn tâm lý, CLB Người bạn đồng hành của Trường THCS Huỳnh Bá Chánh còn tổ chức các hoạt động vui chơi như: trò chơi dân gian, văn nghệ, tập kịch, đố vui… với mục đích hạn chế thời gian đi chơi của nhiều HS. Từ những hoạt động nhỏ trong khuôn khổ của CLB sẽ giúp các em tự tin tham gia các hoạt động lớn của trường tổ chức. Thầy Đặng Phước Trường, Hiệu trưởng nhà trường cho hay, để tránh tâm lý tự ti, mặc cảm, nhà trường chủ trương những hoạt động của CLB phải làm sao để có thể kết hợp vào những buổi học chính khóa của các em và hạn chế tổ chức trái buổi vì sẽ rất ít HS tham gia.

Mô hình CLB Người bạn đồng hành được Trường THCS Huỳnh Bá Chánh duy trì khoảng 9 năm nay, nhằm giúp đỡ những HS có hoàn cảnh đặc biệt, thuộc diện “chưa ngoan, chưa chăm” vươn lên trong học tập. Những em này, nếu không là HS cá biệt, học lực yếu kém, thích chơi hơn học thì cũng rơi vào trường hợp gia đình có hoàn cảnh khó khăn như eo hẹp về kinh tế, “khuyết” cha hoặc mẹ, thiếu sự quan tâm, theo dõi của gia đình. “Chính vì vậy, việc đầu tiên chúng tôi tiến hành ngay sau khi thành lập CLB là tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của chính các em để có hướng tiếp cận, từ đó có phương pháp giúp các em điều chỉnh hành vi phù hợp.

Các giáo viên tham gia CLB cũng đều thấm nhuần rằng, ngoài trách nhiệm, tình yêu thương thì đối với những HS này còn cần ở người thầy sự kiên trì và không được buông xuôi, “đầu hàng” bởi các em sẽ nghĩ ra rất nhiều “kế” nhằm tránh né sự tiếp cận của thầy cô giáo. Chúng tôi quan niệm, đối với những HS học yếu vẫn có thể bồi dưỡng, kèm cặp cho các em tiến bộ; còn những HS có hoàn cảnh đặc biệt hoặc chưa ngoan thì rất đáng lo ngại nếu giáo viên và nhà trường buông tay hoặc không kịp thời đồng hành, bên cạnh các em”, cô Nguyễn Thị Trà Mân chia sẻ. Từ những sự nhiệt tình của thầy cô, rất nhiều HS lần đầu tiên có cơ hội được trình bày những suy nghĩ thật của mình, từ chuyện vì sao em không muốn đến lớp, rồi “ngồi trong lớp hay trêu chọc bạn vì học bài không vào nên buồn quá, kiếm chuyện cho đỡ buồn”; có em thường xuyên bỏ học vì “ngồi trong lớp có cũng như không” nên chán nản.

Tư vấn… xuyên đêm

Dù hiện nay trường học nào cũng đã thành lập phòng tham vấn tâm lý học đường nhưng với tâm lý e dè, “ngại” với bạn bè và cả thầy cô giáo nên gần như HS rất ít khi tìm đến để nhận sự hỗ trợ. Hiểu được tâm lý này, nhiều trường học đã có một số hình thức sáng tạo, giúp giải đáp tất cả những câu hỏi của HS từ chuyện tình cảm, tâm sinh lý, những thắc mắc về giới… Như Trường THPT Nguyễn Hiền (61 Phan Đăng Lưu, phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng), HS có thể viết thư gửi vào hộp thư góp ý để được tư vấn. Một số trường học cũng có những chương trình mang tính phòng ngừa thông qua các buổi sinh hoạt chuyên đề về những vấn đề HS thường gặp. Tuy nhiên, Trường THCS Huỳnh Bá Chánh chọn hướng tư vấn trực tuyến với mong muốn tiếp cận HS theo hướng cá nhân hóa để có thể giúp các em gỡ rối kịp thời.

Nhóm Tham vấn học đường của Trường THCS Huỳnh Bá Chánh có sự tham gia của 20 giáo viên. “Các em có thể hỏi trực tiếp hoặc gửi câu hỏi trên trang web của nhà trường. Với những câu hỏi gửi qua tư vấn trực tuyến, HS có thể chọn giáo viên nào các em tin tưởng để gửi, và chỉ có admin và giáo viên được chọn biết nội dung câu hỏi của HS. Hình thức này rất có hiệu quả, giúp HS mạnh dạn hỏi tất cả những khúc mắc của tuổi mới lớn, từ ứng xử với bạn bè, thầy cô giáo, đến những rung động đầu đời… đều được giáo viên giải đáp tận tình”, cô Nguyễn Thị Trà Mân chia sẻ.

Có nhiều trường hợp, có những giáo viên trong tổ tư vấn tâm lý thức đến 1-2 giờ sáng chỉ để trò chuyện, tư vấn trực tuyến với các em. “Như mình rất hay nhận những ca xuyên đêm như thế, nhưng khi các em đang còn vướng mắc, chưa thông suốt thì mình cũng không thể yên tâm được. Các vấn đề của HS, đôi khi chỉ cần có người lắng nghe, chia sẻ với tư cách là một người bạn thôi cũng đã là một cách giải quyết rồi”, cô Trà Mân kể. Và như một quy định bất thành văn, nếu HS nào đăng lý tư vấn trực tuyến mà dùng họ tên thật thì giáo viên tư vấn sẽ theo dõi một cách kín đáo những diễn biến tâm lý của HS để có những biện pháp hỗ trợ sau tham vấn.

Hà Trần


 

;
;
.
.
.
.
.