Ngàn dâu

.

Ông Tây và người phụ nữ tên Huệ sững sờ khi bước chân qua cái cổng tre. Một không gian nhà quê thanh bình, nguyên sơ, mộc mạc mở ra. Ngôi nhà thấp thoáng trong màu xanh của vườn dâu. Mảnh sân lát gạch vuông, thứ gạch đóng tay đốt bằng rơm rạ, có chỗ đã phủ rêu xanh. Nếp nhà gạch cổ ba gian, hai chái, cột lim, mái ngói ta đã bạc màu dưới ánh nắng. Hàng cau thẳng tắp chạy từ cổng vào tới giếng nước, cây nào cũng bạnh cổ ôm buồng hoa sắp buông, hương thơm ngọt ngào, hăng hắc.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Ông Tây ngồi bên khung cửi bê bát nước vối trầm ngâm nhìn khắp gian nhà, rồi ông nói tiếng xì xồ với cô Huệ. Họ cứ ngắm nghía ngôi nhà, ông Tây còn hay nhìn trộm chủ nhà. Cô Hẹ chẳng quan tâm, cô vội chạy xuống nhà ngang rắc lá dâu cho tằm ăn, rồi lại chạy đi tìm mấy tấm vải mang đến cho ông Tây xem để còn bán.

Nhà ngang chưa mở cửa sổ tôi tối, cô Hẹ suýt ngã bổ chửng vì dẫm chân lên người cái Lụa, chẳng biết nó về từ lúc nào, nằm sõng sượt trên cái chõng gần cửa sổ.
“Nấu cơm chưa mà nằm đây?”.

“Nấu gì nữa!”.

Cô Hẹ khẽ rít lên:

“Ối giời cao đất dày ơi cúi xuống mà coi con này nó ăn phải bả rồi. Có khổ thân tôi không, ới làng nước ơi, ới ...”.

Sợ bệnh mẹ tái phát, nó đành ngồi bật dậy vơ cái rá đi vo gạo. Lụa theo đám bạn đến khách sạn Cỏ May cát-tinh (casting), nhưng đã bị loại ngay vì lý lịch con của người điên điên khùng khùng mà cái Loan cố tình nói ra.

Sau khi xem vải, thăm nhà, thăm vườn dâu, nong tằm, khung cửi, ông Tây không chỉ đồng ý mua vải để may hẳn mười bộ bà ba mà ông còn muốn thuê căn nhà của cô Hẹ trong vòng thời gian một tuần. Ông Tây  hỏi cái Lụa:

“Cháu có biết tin đoàn làm phim về vùng này không? Tôi là Pi-tơ Rê-mi, là đạo diễn của bộ phim Ngày hôm qua. Tôi mời cháu chiều nay lên khách sạn Cỏ May để vào thử vai Luyên. Tuy là một vai phụ nhưng cũng rất quan trọng”.

Lụa không ngờ ông Tây chính là đạo diễn phim, nó nói rằng đã đi thử vai rồi nhưng bị loại.
“Có lẽ có sự sơ xuất nào chăng? Chiều nay cháu cứ đến gặp tôi”.

Nắng rực rỡ. Đoàn phim bắt đầu ra vườn quay cảnh hái dâu. Cái Lụa đóng vai cô Luyên mặc quần áo bà ba nâu, đầu đội khăn mỏ quạ, đi hái dâu. Tay cô ngoăn ngoắt, cái cảnh hái dâu này cô Hẹ xem cái Lụa đóng đạt ngay từ đầu, song ông Tây vẫn yêu cầu quay lại vì mặt nó chưa biểu cảm, cần biểu lộ sự chờ đợi, háo hức khi sắp gặp người yêu. Quay đi quay lại lần thứ tư thì được. Lúc ấy anh người yêu cô Luyên mới men theo bờ sông, theo ngàn dâu mà xuất hiện bất ngờ sau lưng cô Luyên với tiếng gọi khe khẽ, chàng trai vừa kéo tay Luyên ngồi xuống gốc dâu thì có mấy tiếng súng nổ váng trời. Khói bay lên, đàn chim vội vã phóng như mũi tên lên ngang trời, những cây dâu đổ rạp, tiếng bước chân chạy rầm rập, tiếng người xì xồ, tên chỉ điểm dẫn mấy tên lính Tây chạy xé ruộng dâu định bắt anh người yêu. Nhanh như cắt, Luyên dẫn người yêu chạy vòng ra phía sau, luồn qua mấy bụi dâu lớn, tới sát bờ sông, lách qua bụi găng cỏ dại, chui vào một cái hang đá nhỏ, ẩn trong đó. Bọn lính lùng sục không tìm được đành chia hai cánh bủa vào làng lùng bắt. “Cắt”, cảnh quay đã đạt.

Nhưng bên giếng nước, cô Hẹ đang ngồi ôm đầu rứt tóc, đấm ngực, mắt cô long lên như hai ngọn đèn pha, đầu cô đau như búa bổ. Một bà kể vừa nghe có tiếng súng nổ và mấy diễn viên đóng lính Tây chạy ra hô hào là cô đã lên cơn.

Sắp đến vụ gặt, ông phó cối Màu chuẩn bị đồ nghề lên đường đóng cối. Riêng bên làng Nhữ có ba cái cối xay thóc bị hỏng đã nhắn người mời ông tới đóng cối, ông còn mang cả ít thuốc nam theo để bán cho dân trong vùng. Ở nhà chỉ còn Hẹ. Hẹ vừa mười sáu tuổi. Chị Hành thì đã lấy chồng ở làng bên, trên nữa là anh Tỏi đi làm cách mạng, đã nửa năm nay không về nhà, u thì mất từ khi Hẹ được mười tuổi. Là con út, phải gánh vác việc gia đình sớm nhưng Hẹ vẫn phổng phao hơn chúng bạn. Má hồng, mắt biếc, tóc mây, cái dáng thắt đáy lưng ong. Vài nhà đánh tiếng với ông phó cối muốn xin dâu, nhưng ông phó cối từ chối khéo rằng Hẹ còn nhỏ, cứ thong thả một hai năm nữa chưa muộn.      

 “Lên cánh Củ Mật gặt chạy mau lên!”.
Chị Hành hớt hải chạy về giục Hẹ.
“Lúa đang phơi màu mà chị?”.

“Bọn Tây về bắt nhổ lúa, nhổ dâu trồng đay thì mất trắng, chúng đã tới làng Sành bên sông rồi!”.
Hai chị em tất tả quang gánh lên đồng. Dân làng cũng đều đổ ra các cánh đồng, hối hả cắt lúa non. Đêm về, làng quê rầm rập tiếng đập lúa. Chị Hành phải về nhà chồng còn lo công việc bên đó, còn lại mình Hẹ đập lúa. Chiếc cối đá dựng dưới gốc cau giờ vần ra là bàn đập lúa, chiếc néo làm bằng hai thanh tre đực già còn ngủ vùi trên gác bếp, bồ hóng bám vàng óng da lươn bị đánh thức. Hẹ dùng néo kẹp bó lúa to bằng bắp đùi, vặn dây chéo cho bó lúa neo thật chắc để khi đập xuống cối đá, lúa không bị xổ ra mà hạt thóc lại rụng nhiều, bó lúa nhanh sạch. Nhiều hạt thóc non bị đập xuống cối đá mạnh bật nguyên giọt sữa, quyện vào cối đá, tỏa mùi thơm ngầy ngậy.

Đêm oi nồng. Hẹ nằm nghiêng trên chõng tre dưới mái hiên, thiếp đi. Trong gian nhà ngang tằm ăn rỗ lá dâu rào rào. Chợt có một bàn tay nắm lấy vai Hẹ lay nhẹ. Hẹ vội vàng bật dậy. Bàn tay đầy mùi mồ hôi và bụi đường bịt lấy miệng Hẹ.

“Anh Tỏi đây. Anh về cùng anh Sông”.

Hẹ ra chốt chặt cổng, khép kín cánh cửa bếp tránh cho ánh lửa hắt ra ngoài. Cơm sôi ành ạch, Sông lách người vào bếp, ngồi sát bên Hẹ. Sông là anh em kết nghĩa với anh Tỏi. Năm ngoái trong lần về huyện, Sông đã từng ở trong nhà Hẹ năm ngày, Sông mến Hẹ nhưng chưa nói ra. Hẹ biết Sông đã mồ côi thầy u nên càng đem lòng thầm thương. Sông cầm tay Hẹ, Hẹ để yên tay mình trong tay Sông, má Hẹ nóng bừng.

Sáng ra, Hẹ tãi thóc ra sân phơi rồi đi hái dâu. Sông từ đằng sau chạy đến. Hẹ lo có người nhìn thấy, Sông kéo Hẹ ngồi thụp xuống lấp trong tán dâu. Hai người vừa ngồi thì có tiếng súng nổ, tiếng bàn chân chạy huỳnh huỵch, Hẹ kéo Sông chạy ngang ruộng, len qua đám cây cỏ dại chui vào nấp trong một cái hang cạnh bờ sông. Cái hang này chỉ có Hẹ và anh Tỏi biết. Một lần còn nhỏ, hai anh em ra hái dâu chơi trò trốn tìm, Hẹ đã tìm thấy cửa hang rồi chui vào trong đó nấp. Ngoài bãi, bọn lính Tây đang lùng sục trong ruộng dâu, có tiếng thằng Phay chửi thề sẽ bắt sống hai tên đầu sỏ này.

Tìm mãi không thấy, chúng chia nhau về làng tìm. Tiếng súng, tiếng người đã xa hẳn, Hẹ mới lổm ngổm bò ra khỏi hang nghe ngóng binh tình. Không ngờ một thằng lính Tây trẻ măng tách đàn còn lùng sục trong nương dâu đã nhìn thấy Hẹ chui ra. Nó bước tới, lăm lăm khẩu súng trên tay. Hẹ tái mặt, giật lùi. Bỗng, một báng cuốc nhằm vào gáy thằng lính Tây mà phang, nó chưa kịp kêu lên tiếng nào thì đã ọc máu mồm, cái báng cuốc lại phang tới tấp, nó đổ gục xuống nhũn như bầu đứt dây. Là anh Tỏi đã đến kịp thời. Hai người kéo xác thằng lính vào giấu trong hang, rồi nhanh chóng men theo đám lau lách bơi qua sông. Hẹ cũng chạy vội về nhà.

Suốt đêm ấy Hẹ trằn trọc không ngủ được.

Sáng sớm, làng yên tĩnh, Hẹ quang gánh ra nương dâu. Nhìn trước nhìn sau không thấy có người, cô mon men tới trước cửa hang, trống ngực vẫn đập mạnh. Hẹ khom người chui vào trong hang tới gần xác thằng lính. Nhưng hình như nó không chết, tiếng thở khò khè, môi nó khô cong vết máu, đã có mấy con kiến đang leo lên mặt nó. Hẹ định quay ra, nhưng hình như thằng lính biết có người, mắt nó cố gắng mở, cánh tay khẽ động đậy, miệng kêu lên yếu ớt “Cứu tôi!”. Hẹ bậm môi đi hẳn ra cửa hang. Là con gái ông phó cối kiêm thầy lang, Hẹ biết, cứ để thế rồi nó cũng sẽ tự chết, nhưng tiếng kêu yếu ớt đuổi theo níu kéo trái tim yếu đuối của cô. Hẹ lừng chừng, rồi không dừng được, lại bò vào.

Hẹ gánh thùng ra sông tưới dâu. Đã hai ngày liền Hẹ không thể ra bờ sông tiếp tế cho thằng lính bị thương được vì bọn lính đi quần đảo truy tìm tông tích tên lính mất tích ác quá. Khi vén cây cỏ dại rậm rạp để vào hang Hẹ đã thấy tên lính Tây nằm thoi thóp thở, miệng khô, mặt xám ngoét. Hẹ rót nước cho nó uống, đoạn quay mặt đi móc từ ngực ra nắm cơm nắm trong lá chuối với muối vừng, ít ngài đực rim. Nó ăn bốc mà ngon như đã bị bỏ đói cả tháng nay, mùi gạo mới quyện với mùi hương con gái, thơm ngái, trinh nguyên. Nó không biết Hẹ gạt hết khoai độn sang một góc để ăn, dành cơm trắng cho nó.
Trời bỗng nổi sấm chớp đì đùng, gió kéo đến rồi mưa. Nước mưa vào sẽ làm cho vết thương của nó nhiễm trùng, cái chân sẽ vĩnh viễn không thể hồi phục được. Hẹ vội dìu nó vào trong hang. Lau khô vết thương, đắp thuốc và thay bộ bà ba khác cho nó xong, Hẹ tất tả chạy về nhà.

Nhưng vừa qua nương dâu, thằng Phay đã chặn đường, tra hỏi Hẹ mưa to thế còn ở trên đồng làm gì, đi tiếp tế cho Việt Minh đúng không? Hẹ cãi đi hái dâu mưa còn ở lại đắp bờ rồi mới về. Nhưng nó đã vồ lấy Hẹ, sự giãy giụa chống cự của Hẹ càng kích thích cơn động đực của nó, Hẹ bị nó lôi vào cái lều cá cũ rách bên vệ đồng, mặc cho cô kêu gào giẫy giụa. Phay lao vào xé rách quần áo Hẹ, thân thể trần truồng như nhộng bị thằng Phay đè nghiến, Hẹ thấy mình là con tằm đang bị rút ruột, lại thấy mình là ngài đang bị ném vào chảo mỡ nóng xèo xèo.

Khi Hẹ lết về đến nhà thì thóc đã chảy xuống sông không biết bao nhiêu rồi bị tắc lại ở cái lỗ cống. Trong nhà có mùi nhang, có cả tiếng người, Hẹ đi vào như người mộng du. Sông và mấy người lạ nữa đang đứng ngồi nhấp nhô, mặt ai cũng hốc hác, quần áo dính đầy bùn nước, anh Tỏi nằm trên giường im phăng phắc, mặt dính máu khô.

Sông kể các anh vừa đánh vào một đoàn xe chở quân lương vũ khí của giặc chạy qua đường Năm. Số lương thực thì chia cho dân đang đói, còn vũ khí thì chia đều cho anh em quanh vùng. Nhưng anh Tỏi đã hy sinh, có ba đồng chí của ta bị chúng bắt sống. Bọn giặc cũng chết nhiều, ta cũng bắt sống được hai tên. Giờ thì lính Tây trên đồn đã rút hết đi. Nửa đêm chợt có tiếng súng. Sông ra thám thính mới biết thằng Phay đã bị bắn chết ở gốc đa. Hôm sau, Sông dẫn người ra bờ sông bắt thằng Tây.

Bốn chín ngày anh Tỏi, Hẹ biết mình có thai. Cô đau khổ, uất hận, bát thuốc ra thai đã sắc lên lại đổ đi. Ông phó cối chỉ biết ôm con an ủi, thôi để cho nó làm người. Anh Sông về một lần để thắp hương cho anh Tỏi, nghe lỏm dân làng đang xôn xao lên chuyện của Hẹ, Sông chưa tin, về nhìn thấy Hẹ bụng to lên, anh mới tin là sự thật. Sông hỏi, có phải của thằng Tây không? Biết thế anh đã giết nó ngay rồi chẳng để đổi tù binh làm gì. Hẹ chỉ lắc đầu, khóc. Anh Sông không nói gì nữa, rồi lặng lẽ ra đi.

Cô Hẹ tỉnh lại, đoàn làm phim đã rút, chỉ còn ông Tây mặc áo bà ba ngồi bên bậu cửa xem lại kịch bản phim để điều chỉnh một số tình tiết. Trong bếp, cái Lụa đang nấu cơm, mùi ngài rim thơm mằn mặn bay lên. Chiếc áo bà ba khoét cổ sâu nên Hẹ nhìn thấy sau gáy ông Tây có một vết sẹo dài, mắt cô hoa lên.
“Cô tỉnh rồi”.

“Sao ông lại có vết sẹo ở sau gáy này?”.

“Lần đó, tôi đi trong nương dâu thì bị một báng cuốc giáng xuống bất ngờ. Tôi còn có cả vết sẹo ở chân nữa. Có một cô gái đã cứu tôi”.

Cô Hẹ bị bất ngờ, mắt nhìn mặt ông Tây trân trân.

“Ông thật là người lính năm xưa bị thương trong hang sao?”.

 “Em chính là cô gái đó phải không?”.

Cái Lụa ở dưới nhà ngang, nghe tiếng mẹ khóc nức nở sợ mẹ nổi cơn điên khùng, chạy vội lên. Bàn chân nó chợt khựng lại khi nhìn thấy tay mẹ nó trong tay ông đạo diễn, mái tóc lốm đốm bạc của mẹ nó đã ngả hẳn vào vai ông đạo diễn, những giọt nước mắt đang từ từ chảy trên những gò má đã nhăn nheo.
Một thời gian sau.

Phim Ngày hôm qua được ra mắt khán giả Việt Nam đầu tiên tại sân kho làng Tằm, còn miễn vé vào xem, người ta tranh nhau ra xí chỗ từ chiều, gạch xếp thẳng hàng đầy sân kho. Tối hôm chiếu phim, cô Hẹ vận bộ quần áo bà ba nâu thắp ba nén hương lên bàn thờ rồi lầm rầm khấn vái. Bên cạnh là cái Lụa, và ông Pi-tơ.

“Con có biết, mẹ vừa kể điều gì với người quá cố không?”.
Cô Hẹ vuốt mái tóc đen, dày của Lụa.

Thực ra, Lụa không phải là con ruột của mẹ. Con mẹ chỉ sinh ra được vài tháng đã mắc bệnh mà mất. Vài năm sau, thầy mẹ cũng mất. Mẹ sống như một cái bóng ma, thỉnh thoảng lên cơn điên điên khùng khùng, nếu không có bác Hành về chăm sóc, nếu không có nương dâu, nong tằm, khung cửi để mẹ dệt mình vào quên thì chắc mẹ chết vì điên rồi.

Hơn chục năm sau, lúc mẹ đang ngồi dệt lụa, có một anh bộ đội từ trong Trường Sơn ra, bế trên tay một bé gái còn ẵm ngửa, nói nó là con anh Sông. Anh chị ấy cùng tham gia kháng chiến, hai người tìm hiểu nhau rồi được đơn vị tổ chức đám cưới cho. Vừa sinh cháu gái chưa được bao lâu, thì trận đánh diễn ra. Không may, cả hai người đều hy sinh trong trận đánh ác liệt đó. Lần theo dòng địa chỉ mà anh Sông ghi là thầy nuôi, anh bộ đội ấy tìm về, trao cho mẹ đứa bé được mang ra từ nơi mưa bom bão đạn ấy.

Nguyễn Thu Hằng

 

;
;
.
.
.
.
.