Dựa vào sự tiện lợi trong truyền tải thông tin, một số cá nhân hoặc nhóm dự án đã sử dụng mạng xã hội Facebook để đăng tải những thông tin về tình hình mưa bão, lũ lụt, giúp người dân nhanh chóng tiếp cận và có những ứng phó cần thiết.
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Huy (ngoài cùng bên phải) trong một chương trình truyền hình bàn về các vấn đề biến đổi khí hậu. (Ảnh trên trang facebook của nhân vật) |
Gần 5 năm qua, cộng đồng mạng ở Đà Nẵng không còn xa lạ với trang “Thời tiết Đà Nẵng”. Đều đặn mỗi ngày, trang này cập nhật khá chi tiết những thông tin liên quan đến tình hình thời tiết trên địa bàn thành phố. Cùng với đó, “Thời tiết Đà Nẵng” còn đưa ra những tư vấn về trang phục khi ra đường, tránh mưa, gió làm ảnh hưởng đến sức khỏe. Đơn cử, ngày 18-11, theo thông tin từ trang này, thành phố Đà Nẵng tiếp tục có nắng đẹp cả ngày, trời quang mây và khô ráo.
Nhiệt độ buổi trưa nhích lên 29-30°C. Bắt đầu từ ngày 19-11, do rìa phía Nam không khí lạnh tác động nên trời chuyển nhiều mây, đôi lúc có mưa rào nhẹ theo từng cơn. Thời tiết như thế này sẽ kéo dài cho đến hết tuần... “Anh chị em tranh thủ giặt giũ, phơi khô áo quần và các thứ cần thiết nốt ngày mai (19-11). Đồ đông bây giờ chỉ cần những chiếc áo gió là đủ rồi, áo ấm dày hãy để đến tháng 12”, trang này tư vấn thêm.
Ông Nguyễn Đức Ngọc, sống trên đường Nguyễn Ngọc Nhạ, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà cho biết cả gia đình đều hành nghề trên biển nên rất quan tâm đến vấn đề thời tiết. Ngoài những kinh nghiệm như “trông trời, trông đất, trông mây”, ông Ngọc cũng bắt đầu để ý, phân tích thời tiết như thế nào thì thuận lợi cho việc đánh bắt hoặc cho tàu nằm bờ. “Gia đình tôi chỉ đi tàu nhỏ, đánh bắt trong ngày nên rất cần những thông tin thời tiết hằng ngày, hằng giờ, càng cặn kẽ càng tốt. Từ ngày biết đến trang facebook “Thời tiết Đà Nẵng”, chúng tôi thường xuyên truy cập, xem thông tin để yên tâm hơn khi hành nghề trên biển”, ông Ngọc chia sẻ.
Anh Võ Văn Xuân Lộc, quản lý trang này cho biết, các thông tin thời tiết Đà Nẵng và khu vực Trung Trung bộ phát trên fanpage này được anh khai thác từ các mô hình thời tiết trên thế giới, cộng thêm thông tin chính thức từ Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương, từ đó đưa ra những phân tích, nhận định và dự báo đến người đọc các vấn đề cần lưu ý. “Thông tin đưa lên, phần lớn tôi viết bằng ngôn ngữ bình dân để người đọc dễ dàng tiếp cận. Thông qua những thông tin về thời tiết, tôi đưa ra một số tư vấn cho khách du lịch khi tham quan, mua sắm tại Đà Nẵng và tư vấn trang phục theo mùa là một phần trong đó. Việc này khá mất thời gian nhưng trước sự yêu mến, tin tưởng của bạn đọc, tôi sẽ cố gắng duy trì thường xuyên trang này”, anh Lộc cho hay.
Cần lựa chọn những trang uy tín
Với số lượng người dùng ngày một tăng cao, Facebook trở thành nơi khai thác hiệu quả thông tin về thời tiết cho người dân và du khách. Trong đó, một số trang khai thác, đăng lại những thông tin thời tiết đã được phát sóng trong các chương trình thời sự của Đài Truyền hình Việt Nam hoặc Đài Phát thanh – Truyền hình Đà Nẵng…
Chẳng hạn, ngày 18-11, trên fanpage “Thời tiết miền Trung và Tây Nguyên”, quản trị viên đã cho đăng tải thông tin về cơn bão gần Biển Đông mang tên Kalmaegi. Qua đó, bạn đọc có thể nắm bắt thông tin rất chi tiết từng giờ bão di chuyển và vị trí, sức gió của cơn bão.
Cũng phân tích, nhận định về cơn bão này, tiến sĩ Nguyễn Ngọc Huy (Hà Nội) – chuyên gia về biến đổi khí hậu - viết trên trang cá nhân rằng: “Có khá nhiều diễn đàn dự báo và đưa tin bão đang cho rằng Kalmeagi là cơn bão lớn có khả năng vào Biển Đông. Mình nhận định cơn bão này khó qua khỏi cửa ải Luzon miền núi phía Bắc của Philippines. Thực tế Luzon là một trận đồ phá bão và nó có thể làm tiêu tan mọi cơn bão lớn với địa hình đặc biệt của nó”.
Để khẳng định nhận định của mình có cơ sở, anh Huy chia sẻ: “Tháng 9 năm 2018, mình cùng một nhóm nhà khoa học Nhật Bản và chuyên gia Philippines đến Luzon để đón cơn bão Mangkhut, một cơn siêu bão được dự tính sẽ quần thảo Luzon. Lúc đó, cơ quan chức năng của Philippines đã lên kế hoạch sơ tán 1 triệu người ở vùng Luzon về miền Trung tránh bão bởi lo sợ nó mạnh và gây thiệt hại như bão Hải Yến. Lạ kỳ thay, người dân nơi đây thì bình chân như vại. Nguyên nhân Luzon trở thành trận đồ phá bão bởi các tỉnh phía Bắc này có độ cao trên 1.500m so với mặt nước biển.
Vùng ven biển phía Đông lại được bao bọc bởi nhiều dãy núi cao từ 1.800m đến 2.200m và xếp theo hình vòng cung xen kẽ. Với địa hình núi cao như thế này thì mọi cơn bão khi qua đây đều bị mất năng lượng vì xoáy bão bị phân mảnh vào các khe núi lớn và sâu. Nước bốc hơi lên bao nhiêu thì bị đập vào bức tường cao hơn 2.000m và trả lại biển. Như vậy, khả năng bão Kalmaegi vào Biển Đông không cao. Trong một khả năng thấp, vùng xoáy bão vẫn có thể vượt qua Luzon nhưng nó phải xây lại từ đầu. Khả năng này cũng khó vì không khí lạnh phía Bắc đang tràn về. Có một vùng thấp ở phía Nam ngoài khơi Philippines là có khả năng vào Biển Đông cao hơn cơn bão Kalmaegi”.
Cũng theo tiến sĩ Nguyễn Ngọc Huy, Việt Nam mặc dù chịu nhiều thiên tai nhưng vẫn còn may mắn vì nhờ có những ngọn núi cao ở Philippines làm bình phong chắn bão. Nếu không thì đã có rất nhiều siêu bão vào Việt Nam trong những năm gần đây. Bên cạnh đó, dựa trên kiến thức, kinh nghiệm về biến đổi khí hậu, phân tích, đọc bản đồ vệ tinh, tiến sĩ Nguyễn Ngọc Huy cũng thường xuyên chia sẻ trên trang cá nhân những nhận định về diễn biến thời tiết tại Việt Nam cũng như một số nước trên thế giới.
Có thể nói rằng, không khó để tìm kiếm những trang facebook cá nhân có đăng tải những thông tin về dự báo thời tiết. Tuy nhiên, việc lựa chọn một bảng tin để theo dõi thường xuyên lại phụ thuộc hoàn toàn vào sự hiểu biết và nhận định ở mỗi người dùng mạng xã hội. Và chúng tôi tin rằng, ở những trang mạng công khai như thế này, sự lựa chọn gắn bó của bạn đọc luôn xuất phát từ sự chuẩn xác mà mỗi bản tin mang lại, trong đó có uy tín cá nhân và tinh thần tự nguyện, vì cộng đồng của những con người nhiệt huyết, có trách nhiệm đang đứng đằng sau từng bản tin.
Ông Trần Văn Nguyên, cán bộ Đài Khí tượng thủy văn khu vực Trung Trung Bộ: Cần dựa trên cơ sở khoa học khi đưa thông tin thời tiết lên mạng xã hội Với kinh nghiệm 30 năm trong lĩnh vực dự báo thời tiết, tôi thấy rằng, việc các cá nhân thường xuyên đăng tải những thông tin về thời tiết (có trích nguồn cụ thể) lên mạng xã hội là điều tốt, giúp thông tin nhanh chóng lan tỏa đến người dân để từ đó chủ động ứng phó ở những tình huống cụ thể. Tuy nhiên, cũng có khá nhiều chủ tài khoản không có kiến thức về lĩnh vực này, viết thông tin thiếu chính xác, gây hoang mang trong dư luận. Trước chiều hướng thời tiết ngày càng cực đoan, diễn biến phức tạp, khó lường, việc các trang Facebook phát đi những thông tin sai lệch sẽ ảnh hưởng không tốt tới tâm lý người dân. Chúng tôi mong muốn mỗi cá nhân, khi đưa thông tin thời tiết lên mạng xã hội, cần dựa trên cơ sở khoa học, tham khảo ý kiến chuyên gia, tránh để xảy ra những sai sót không đáng có, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. |
Huỳnh Lê