Ứng dụng công nghệ bảo vệ môi trường

.

Tại cuộc thi DevFest Hackathon 2019 (lập trình nhanh) do Google Developer Group MienTrung tổ chức vào giữa tháng 10-2019, các bạn trẻ đam mê công nghệ thông tin (CNTT) đến từ các trường đại học, cao đẳng, các doanh nghiệp phần mềm tại thành phố đã đưa ra nhiều ý tưởng, mô hình công nghệ hữu ích để bảo vệ môi trường.

Trong vòng 48 giờ, các thí sinh DevFest Hackathon 2019 phải lên ý tưởng, thiết kế và xây dựng các ứng dụng công nghệ với chủ đề bảo vệ môi trường.
Trong vòng 48 giờ, các thí sinh DevFest Hackathon 2019 phải lên ý tưởng, thiết kế và xây dựng các ứng dụng công nghệ với chủ đề bảo vệ môi trường.

Chủ nhân của giải nhất năm nay là dự án Doctor’s Eyes for Plant (đôi mắt bác sĩ cho thực vật) do 2 học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn là Đỗ Minh Huy và Đỗ Thị Nhân Huyền phát triển. Ứng dụng này vận hành trên nền tảng di động và trang web. Chỉ cần nhập hình ảnh một bộ phận cây, Doctor’s Eyes for Plant sẽ cho ra kết quả liệu cây có bị bệnh không; nếu có, ứng dụng sẽ xác định bệnh và đề xuất cách xử lý.

Đỗ Minh Huy cho biết, Doctor’s Eyes for Plant được thiết kế và xây dựng trong 2 ngày, với dữ liệu lấy từ PlantVillage (đơn vị thuộc Trường Đại học Penn State - Mỹ, giúp cải thiện cuộc sống người nông dân bằng những công nghệ giá rẻ).

Khi chạy thử ứng dụng, Huy nhập hình một chiếc lá táo có những đốm vàng nâu trên bề mặt. Doctor’s Eyes for Plant lập tức phát hiện đây có thể là bệnh thối đen (black rot), đồng thời đề xuất xử lý bằng cách loại bỏ phần thân chết, các quả bị thối và bôi thuốc diệt nấm. Dự án này được đánh giá cao về công nghệ, ý tưởng, tính khả thi và tiềm năng hiện thực hóa.

Một dự án khác là “We collect-we share” (chúng tôi thu gom-chúng tôi chia sẻ”) của nhóm lập trình viên thuộc Công ty TNHH MTV Phát triển công nghệ thông tin Enouvo. Anh Lê Xuân Hoàng, trưởng nhóm chia sẻ, ý tưởng về dự án xuất phát từ câu chuyện thực tế của nhiều gia đình. Khi có vật dụng, quần áo còn tốt nhưng không dùng nữa, họ không biết nên cho ai hay để ở đâu.

“We collect - we share” kết nối những gia đình này với các hội nhóm tình nguyện để đưa đồ đạc đến nơi cần. Bên cạnh đó, ứng dụng còn có chức năng tạo sự kiện thu gom đồ thiện nguyện, thống kê đóng góp của từng cá nhân, hệ thống huy hiệu và chứng nhận...

Được thực hiện theo mô hình các cuộc thi Hackathon của Google trên khắp thế giới, DevFest Hackathon 2019 kéo dài trong vòng 2 ngày. Suốt 48 giờ liên tục, các thí sinh phải lên ý tưởng, thiết kế, xây dựng các ứng dụng với chủ đề môi trường. Sản phẩm cuối cùng phải là một ứng dụng có thể vận hành và thương mại hóa được, chứ không chỉ đơn thuần là ý tưởng.

Tại cuộc thi nhiều ứng dụng mới đã được “trình làng” như Live Noise - ứng dụng theo dõi mức độ ô nhiễm tiếng ồn, FoRe - ứng dụng chia sẻ thực phẩm... Nguyễn Hữu Hoàng Hưng, sinh viên Khoa Công nghệ thông tin (Đại học Bách Khoa Đà Nẵng) chia sẻ: “Nhiều vấn đề về môi trường sống đang được đặt ra một cách cấp thiết. Đã đến lúc công nghệ cần vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa để góp phần giảm thiểu những “tổn thương” mà môi trường đang phải chịu đựng”.

Anh Đoàn Hữu An, lập trình viên trưởng Công ty TNHH Wakumo Việt Nam cho hay, các dự án công nghệ tại DevFest Hackathon 2019 có tính ứng dụng cao với hàm lượng công nghệ lớn. Một số dự án tiềm năng sẽ được các công ty công nghệ thông tin tại Đà Nẵng tiếp tục ươm tạo và phát triển với kỳ vọng sẽ sớm được tung ra thị trường.  

Chị Nguyễn Thị Phương Nhi, nhà sáng lập cộng đồng Google Developer Group MienTrung chia sẻ: “Để giải quyết các vấn đề môi trường, điều đầu tiên là nâng cao nhận thức và thái độ. Sau đó là cần có những định hướng, kết nối hỗ trợ để tạo ra tác động xã hội tích cực.

DevFest Hackathon 2019 là một trong những hành động nhỏ đầu tiên mà các lập trình viên và sinh viên công nghệ thông tin Đà Nẵng có thể bắt đầu cho hành trình của mình. Chúng tôi tin rằng, từ đây sẽ có nhiều dự án mới nhằm tạo ra một môi trường công nghệ xanh, góp phần lan tỏa ý thức sống xanh trong cộng đồng”.

PHONG LAN
 

;
;
.
.
.
.
.