Nhớ mùa đông cũ

.

Hồi trước có cảm giác mùa đông lạnh hơn bây giờ, có những đợt rét kéo dài, nhưng không gắt, không kỳ dị như bây giờ. Hồi trước, mùa đông là mùa của giàu sang, mùa của đói rách. Mùa của những gì còn giấu được cả năm đành phải lộ ra hết, tất tần tật “nội lực” của gia đình. Bởi thế, người ta thường nói, có hay không mùa đông sẽ rõ. Rất rõ.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Cha bật loa chiếc radio hết cỡ. 5 phút, đủ cho chúng tôi nghe tiếng đài phát thanh oang oang giọng cô phát thanh viên. Chiếc radio tắt phụt. Bắt đầu là tiếng mẹ giục: “Nhanh lên, dậy ăn đi học. Cha bay mà vô là không có nói nhiều mô”. Chúng tôi, 3 anh em nằm chung một giường, vẫn vỗ đành đạch xuống ran giường, hô to “dậy rồi” để đáp lời gọi của mẹ. Sau mấy màn lăn lóc, 3 đứa cũng dậy. Nồi khoai luộc đã sẵn, có thêm chén cà muối gối đầu năm này qua năm khác. Lót dạ xong, mỗi đứa ôm cặp mình tản ra theo từng tốp bạn học trong làng, sải bộ đến trường.

Nhà tôi hồi đó không nghèo so bình quân của làng. Nhưng nói giàu thì xa vợi lắm, chỉ đủ ăn khỏi phải đi vay chạy bữa. Có lúc mẹ vẫn san sẻ cho một vài nhà khác ít bát gạo hay mấy bao lúa, dĩ nhiên anh em chúng tôi tiếp tục ăn khoai buổi sáng. Và áo quần, dép tổ ong vẫn chi chít miếng vá “cốt nhôm”. Tôi, phần vì nhỏ con, phần vì nhà khó, nên cái áo lanh xi (nóng như nilon, chúng tôi hay gọi là vải siêu, áo siêu) may từ lớp 4 đến lớp 10 còn hữu dụng, nếu không nói còn mới do tôi rất giữ đồ. Đôi dép tổ ong, có lẽ cân lên nặng cả ký, bởi được móc thêm kha khá sợi nhôm là lõi của dây điện thừa bỏ, để khâu dép tại các chỗ đứt quai. Mấy đứa bạn bảo, dép mi là nhựa cốt nhôm.

Hồi đó, học hết cấp 2, mấy anh em tôi chưa biết đôi giày là gì. Cả làng tôi, hầu hết trang lứa tôi, anh tôi, em tôi đều thế. Đứa nào có đôi giày đi mùa đông thì là thế giới khác. Có đứa ba trợn, “ghen” với sự giàu đó đã hất bùn, cạch giày của bạn. Áo mới thì rảy mực cho nhem. Nghĩ lại thấy vừa buồn cười vừa tội. Chúng tôi, hầu hết giống nhau, nên cũng chẳng đòi cha mẹ này nọ, như kiểu biết thân biết phận. Cô giáo, đông lạnh thế mà cũng chỉ đi đôi dép mộc, đạp xe đến trường, da chân nhăn rúm lên vì lạnh, vì dầm nước, dầm sương. Nên, chúng tôi đi học, cuốc bộ đồng loạt và miệng nói đủ chuyện râm ran xua đi sương sớm, xua đi cái lạnh mùa đông.

Lạnh là thế, mà có thêm mưa là đứa nào cũng chấn răng cầm cập đến trường, nhưng lại nóng lên khi vào lớp cô hỏi bài cũ, kiểm tra vở soạn văn…

Chuyện mặc ấm ngày trước, chủ yếu là mặc nhiều lớp áo vào. Chẳng mấy đứa có cái áo len. Áo bông cũng hiếm lắm, dù ít đứa thích mặc, vì xấu, vì cồng kềnh. Mẹ tôi ngày ấy, mùa đông ra đồng, ngoài việc nhét một đống áo cũ lên người, thì bà quàng thêm tấm nilon được rạch ra từ bao lót chống ẩm, chống nước của bì đạm urê. Có lần không biết bà nhặt được đâu ra cái áo mưa có túi hai bên, nhưng đã cũ nhàu đến lở từng miếng lót chống thấm. Có cảm giác, chỉ cần bóp nhẹ chút là nó phún ra như cám. Nó trở thành áo khoác mùa đông qua mấy mùa của bà, kể cả đi đám giỗ, đi ăn cưới bà cũng quàng vào, đến cổng nhà người ta bỏ ra ngoài, nhét vào đâu đó.

Một chiều mùa đông, trời mưa không lớn, nhưng rét đậm, anh tôi đi chăn trâu, tôi với thằng em được ở nhà. Chiều đó thật hạnh phúc, vì có mẹ ở nhà. Đó là buổi chiều hiếm hoi từ khi nhỏ đến lớn, tôi thấy mẹ ở nhà mà không phải lo âu điều gì. Mẹ lôi 2 bao bì đựng áo quần cũ ra, cắt vải áo quần rách nát, để chằm vá những chiếc còn tận dụng được. Anh em tôi được thể lục tung từng chiếc để chọn, vận thử, đem cất cho riêng mình (như lựa đồ bành bây giờ). Thật ra, nếu cái nào vừa, còn “mới” thì mẹ đã lựa cho chúng tôi từ đầu mùa rồi. Chỉ là cho có cảm giác lục “đồ mới”. Có lẽ, đấy là một buổi chiều êm ả, hạnh phúc nhất tuổi thơ tôi. Năm đó tôi lên 9, 10 gì đó...

Mẹ hay nói với chúng tôi, có hay không mùa đông sẽ rõ. Rồi mẹ bảo, muốn khỏi đói, khỏi khổ, khỏi phải bị cha đay nghiến, nhiếc móc thì học cho giỏi, tay bằng chân rồi bay khỏi đất này, mà sống...

Hết phổ thông, chúng tôi cũng bay thật. Mỗi đứa mỗi kiểu. Hai anh lớn đã đi bộ đội và làm thuê ở miền Nam khi ba chúng tôi còn nhỏ, lại trở về khi chúng tôi đi. Tôi và thằng út bay xa hơn, lấy quê người làm nơi sinh con mình.

Giờ mùa đông, mùa hạ khó nhận ra ai giàu ai nghèo nữa. Thiên hạ bảo, muốn biết giàu, nghèo thì phải xem họ có bao nhiêu đất, bao nhiêu xe (ô-tô). Tôi đi qua nhiều miền quê, cố tìm lại chiếc áo mưa cũ nhàu của mẹ, mà khó gặp quá!

Tôi, trong phép tính thời đại, lại khá giống với nhà tôi những đông trước, không nghèo, nhưng chẳng giàu. Tôi chỉ cố làm sao con tôi đỡ khổ hơn tôi hồi trước. Tôi biết ngày trước mẹ đã không từ quản điều gì để mấy đứa con được đủ ngày ba bữa, kể cả việc nhịn đói. Tôi cũng nghĩ, chưa chắc con tôi sau này có nhớ mình như thế, như những mùa đông trước, ấm áp và đong đầy hơn bây giờ.

MINH SƠN


 

;
;
.
.
.
.
.