Khắc phục thẻ vàng thủy sản

.

Tại hội nghị về kết quả kiểm tra của Đoàn Thanh tra Ủy ban châu Âu (EC) về khai thác thủy sản bất hợp pháp tổ chức tại thành phố Đà Nẵng ngày 28-12-2019 với 28 địa phương ven biển, đoàn EC ghi nhận nỗ lực của Việt Nam trong việc hoàn thiện khung pháp lý, đã tạo nên cơ sở pháp lý toàn diện chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU) và có nhiều tiến bộ so với đợt kiểm tra lần 1 (tháng 5-2018) cũng như đang đi đúng hướng.

Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang Đà Nẵng mỗi năm tiếp nhận khoảng 18.000 lượt tàu cập cảng, là 1 trong 6 cảng cá lớn nhất cả nước.Ảnh: H.L
Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang Đà Nẵng mỗi năm tiếp nhận khoảng 18.000 lượt tàu cập cảng, là 1 trong 6 cảng cá lớn nhất cả nước.Ảnh: H.L

Đà Nẵng là một trong những địa phương nhiều năm qua làm tốt công tác tuyên truyền, quản lý và chưa có tàu bị bắt ở vùng biển nước ngoài, có nhiều nỗ lực để xây dựng một nền tảng nghề cá truyền thống có trách nhiệm.

Chuyển đổi từ nghề cá tự nhiên sang nghề cá có trách nhiệm

Năm 2008, EC ban hành Quy định 1005/2008, theo đó, IUU (Illegal, Unrepoted and Unregulated Fishing) nghĩa là hoạt động đánh bắt cá trái phép, không báo cáo và không được quản lý. Quy định này bao gồm 3 tiêu chuẩn với những hải sản nhập khẩu vào EU.

Đó là hoạt động đánh bắt cá trái phép, nghĩa là các tàu cá đánh bắt thủy sản ở những vùng biển trái phép hoặc cấm đánh bắt. Những tàu cá không được cấp phép đánh bắt cá hay vi phạm quy định khai thác hải sản của quốc gia, quốc tế cũng bị liệt vào nhóm trên. Tiếp đó, IUU quy định những hoạt động khai thác hải sản cần được báo cáo với các cơ quan chức năng nhằm tuân thủ những quy định của pháp luật trong nước lẫn quốc tế. Yếu tố cuối cùng yêu cầu các tàu đánh cá treo cờ của một quốc gia nào đó và không được khai thác quá mức, đánh bắt cá con hay tàn phá nguồn thủy sản của một khu vực. Việc đánh bắt quá đà ở một vùng biển có thể ảnh hưởng đến hệ sinh thái của những vùng biển khác, qua đó tác động đến nguồn lợi thủy sản của khu vực này.

Những năm qua, 24 quốc gia đã bị EU phạt thẻ, trong đó 15 nước đã được dỡ bỏ thẻ phạt do cải thiện được hệ thống quản lý đánh bắt, còn 9 nước đang bị thẻ vàng. Việt Nam bị áp dụng thẻ vàng đối với sản phẩm thủy sản khai thác xuất khẩu vào EU cách đây 2 năm.

Trong 2 năm qua, Việt Nam hai lần sửa đổi Luật Thủy sản (năm 2017 và 2019), ban bố 2 nghị định và trên 20 thông tư liên quan đến đánh bắt thủy hải sản. Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 13-12-2017 trong đó có các khuyến nghị về tàu đánh bắt bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.
Ông Nguyễn Lại, Trưởng phòng Khai thác dịch vụ, Ban Quản lý Âu thuyền và cảng cá Thọ Quang cho biết, Đà Nẵng từ trước đến nay làm tốt công tác tuyên truyền, quản lý, đến nay chưa có tàu nào vi phạm đánh bắt ở vùng biển nước ngoài. Các tàu cá chấp hành khai báo, ghi nhật ký khai thác, thời gian khai thác, vùng khai thác, tọa độ bao nhiêu; thành phần, loại cá khai thác (chủng loại, số lượng). Khi tàu về cảng đều khai báo theo quy định và nộp nhật ký khai thác trước khi bốc dỡ hàng vào cảng.

“Tháng 11-2017, EU bắt đầu rút thẻ vàng cảnh cáo đối với thủy sản từ Việt Nam, thì cũng trong tháng đó, bằng Quyết định số 35/2017/QĐ-UBND về Ban hành khung giá dịch vụ sử dụng cảng cá được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý trên địa bàn thành phố, Đà Nẵng đã có thể nắm được số phương tiện ở mức khai báo thông tin. Và khi có thông tin về việc rút thẻ vàng, chúng tôi đã có thể tập trung vào các công tác tuyên truyền, triển khai tránh vi phạm”, ông Lại nhấn mạnh.

Cảng cá Thọ Quang là 1 trong 6 cảng cá lớn của cả nước, với 70-80% tàu vào cảng mang số hiệu của nhiều tỉnh, thành, trong đó nhiều nhất là tàu cá của Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định. Trung bình mỗi năm có khoảng 18.000 lượt tàu vào cảng, đưa lên bờ khoảng 110.000 tấn thủy sản/năm.

Giai đoạn đầu áp dụng khuyến nghị của EC, Ban Quản lý Âu thuyền và cảng cá Thọ Quang chủ yếu nhắc nhở ngư dân về việc không ghi, nộp nhật ký khai thác và báo Trạm Biên phòng Mân Quang. Nhưng khi thực hiện đánh bắt thủy sản theo quan điểm chuyển nghề cá truyền thống có trách nhiệm sang xây dựng nghề cá bền vững, những người được giao trách nhiệm ở cảng cá bắt đầu lên kế hoạch tuyên truyền, triển khai đến từng ngư dân. “Khi chưa cấp hạng ngạch thì nhiều tàu khai thác vô tội vạ hoặc khai thác cả với những loài cá bị cấm khai thác. Trong thời gian qua, Việt Nam đã tham gia công ước cá di cư đại dương, qua đó nếu tàu vượt hạng ngạch thì không được đánh bắt, hoặc không được đánh bắt loài cá đó nếu đó là mùa sinh sản của chúng”, ông Nguyễn Lại thông tin thêm.

Qua đó, Ban Quản lý Âu thuyền và cảng cá Thọ Quang in tờ rơi tuyên truyền gửi các tàu cá, tổ chức cho các tàu ký cam kết không đánh bắt ở vùng biển không được phép; in và phát nhật ký hành trình cho các tàu trong mỗi chuyến biển. Các tàu còn được nghe tuyên truyền qua loa truyền thanh và bảng điện tử.
Từ ngày 1-4-2019, tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên đánh bắt ở vùng khơi được gắn thiết bị giám sát hành trình và từ ngày 1-7-2019 áp dụng thiết bị giám sát hành trình với tàu dài 24m và triển khai toàn diện quy trình để theo dõi, kiểm soát hiệu quả đội tàu này.

Đà Nẵng có nhiều chính sách hỗ trợ tàu cá

Đà Nẵng hiện có hơn 520 tàu cá xa bờ. Tại kỳ họp thứ 11, HĐND thành phố Đà Nẵng ban hành Nghị quyết về quy định chính sách hỗ trợ phát triển khai thác hải sản xa bờ trên địa bàn thành phố giai đoạn 2019-2025. Các chủ tàu cá khai thác thủy sản hoặc hậu cần đánh bắt nguồn lợi thủy sản có công suất từ 90CV trở lên của thành phố được hỗ trợ 40% kinh phí mua bảo hiểm thân tàu (ngoài mức hỗ trợ 50% theo chính sách hỗ trợ của Chính phủ); hỗ trợ 100% kinh phí mua thiết bị giám sát hành trình lắp đặt trên tàu cá và kinh phí thuê bao năm đầu tiên cho tàu có tổng công suất máy chính từ 90CV trở lên và có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên; hỗ trợ 50% kinh phí với tổng mức hỗ trợ tối đa không quá 500 triệu đồng/tàu để trang bị máy, thiết bị dùng trong bảo quản sản phẩm như: hầm bảo quản sản phẩm bằng vật liệu Polyurethane (PU), hầm (thùng) bảo quản sản phẩm có gắn thiết bị lạnh, máy và thiết bị sản xuất nước đá sệt, đá vảy, đá tuyết cấp đông, máy và thiết bị bảo quản sản phẩm bằng công nghệ nano; máy, thiết bị dùng trong khai thác thủy sản gồm: máy, thiết bị dò cá; máy và thiết bị định dạng tự động AIS, ra-đa, máy, thiết bị lọc nước biển làm nước ngọt sử dụng trên tàu cá.

Dự kiến từ nay đến năm 2025, sẽ có khoảng 700 tàu cá được hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm thân tàu với tổng kinh phí hỗ trợ đến 64,66 tỷ đồng; hỗ trợ 550 tàu lắp đặt thiết bị giám sát hành trình với tổng kinh phí 30,8 tỷ đồng; hỗ trợ 140 tàu mua máy móc, lắp đặt thiết bị bảo quản sản phẩm… với tổng kinh phí hỗ trợ 70 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Lại cho rằng, thực ra “thẻ vàng” của châu Âu đối với thủy sản khai thác của Việt Nam giúp chúng ta chuyển đổi quyết liệt nghề cá nhằm phát triển bền vững và có trách nhiệm.

Có thể nói, những kiến nghị của EC để xóa thẻ vàng trong xuất khẩu thủy sản cũng trùng với lợi ích của ngành khai thác thủy sản của Việt Nam. Đó là phát triển nghề cá có trách nhiệm bền vững, nuôi dưỡng nguồn tài nguyên, bảo đảm hiệu quả cho ngư dân đánh bắt trên biển, bảo đảm cân bằng đội tàu khai thác với hiện trạng nguồn lợi hải sản. Qua đó còn có thể phát triển nghề nuôi cá ven bờ, xu hướng này đang được các nước khuyến khích thực hiện.

Nghị định 42/2019/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản quy định mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân trong lĩnh vực thủy sản là 1 tỷ đồng.

Hiền Lương

;
;
.
.
.
.
.