Mức lương tối thiểu ở EU

.

Liên minh châu Âu muốn thiết lập quy định về mức lương tối thiểu cho người lao động như một cách bảo đảm mức sống ổn định, nhưng giới phân tích cho rằng, cần phải tôn trọng lịch sử của từng quốc gia để quy định này phát huy tác động bởi có những nước, nhất là khu vực Bắc Âu, với nguyên tắc thương lượng tập thể.

Mức lương tối thiểu áp dụng có thể được sử dụng để tăng mức lương thấp nhất, nhưng trong một cuộc suy thoái hoặc khủng hoảng tài chính, nó có thể được sử dụng để giảm lương. Ảnh: Andrew Willis/EU Observer.
Mức lương tối thiểu áp dụng có thể được sử dụng để tăng mức lương thấp nhất, nhưng trong một cuộc suy thoái hoặc khủng hoảng tài chính, nó có thể được sử dụng để giảm lương. Ảnh: Andrew Willis/EU Observer.

Mục tiêu của bà Ursula von der Leyen trong 100 ngày làm việc đầu tiên với tư cách Chủ tịch EU là đưa ra đề xuất về mức lương tối thiểu được áp dụng cho toàn bộ 28 quốc gia thành viên. Số lượng người lao động có việc làm ở EU đang ở mức kỷ lục nhưng nhiều người vẫn phải vật lộn kiếm sống, thậm chí rơi vào cảnh nghèo đói. Ý tưởng của tân Chủ tịch người Đức là nhằm bắt buộc tất cả các quốc gia thành viên phải có mức lương nhất định hoặc tính theo công thức nhất định nhằm cải thiện điều kiện làm việc và thu nhập cho người lao động.

Tuy nhiên, các nhà phân tích thị trường tiền lương châu Âu cho biết điều này cũng khá nguy hiểm bởi có hai mặt. Thứ nhất là nó sẽ được sử dụng để tăng mức lương thấp nhất hiện nay. Thứ hai là khi gặp cuộc suy thoái hay khủng hoảng tài chính sẽ sử dụng quy định này để giảm mức lương tối thiểu. Ý tưởng này được cho là suy yếu hệ thống thương lượng tập thể giữa người sử dụng lao động và người lao động.

Hiện tại có sự chênh lệch lớn về tiền lương giữa các quốc gia phía tây với phía đông. Mức lương tối thiểu hằng tháng dao động từ 285 euro ở Bulgaria và Romania; 2.071 euro ở Luxembourg… Chỉ có 6/28 thành viên EU không có mức lương tối thiểu là Đan Mạch, Phần Lan, Thụy Điển, Áo, Ý và Síp. Những quốc gia ở Bắc Âu có mức lương cao nhờ hệ thống thương lượng tập thể, trong khi nhà nước đóng vai trò tối thiểu. Chẳng hạn như ở Đan Mạch, tiền lương một giờ lao động của công nhân lên tới 43,5 euro là mức lương cao nhất EU hồi năm 2018. Đó là lý do các nước Bắc Âu không muốn ý tưởng này thành hiện thực.

Tân Chủ tịch EU Ursula von der Leyen.
Tân Chủ tịch EU Ursula von der Leyen.

Chủ tịch Liên đoàn Công đoàn Thụy Điển là ông Karl-Petter Thorwaldsson cho biết, đất nước ông chống lại những nỗ lực áp đặt mức lương tối thiểu và không muốn có một trận chiến về chủ đề này, nghĩa là muốn EU có một chính sách mức lương tối thiểu trừ các quốc gia như Thụy Điển. Lý do ông đưa ra là có tới 91% người lao động tham gia vào các thỏa thuận tập thể. Một khi buộc phải thực thi chính sách này thì thu nhập của người lao động sẽ thấp hơn hiện tại.

Chủ tịch Liên đoàn Công đoàn Đan Mạch Lizette Risgaard nói thêm, mô hình thương lượng tập thể bảo đảm mức lương để có mức sống tốt cho người lao động. Nếu phải thực thi theo mô hình mức lương tối thiểu mà EU dự kiến đưa ra sẽ làm suy yếu thu nhập cho người lao động, bởi lúc đó người sử dụng lao động có thể dựa theo quy định này để đặt ra ngưỡng lương thấp hơn mức hiện tại. Bộ trưởng Việc làm Đan Mạch là Peter Hummelgaard ủng hộ chính sách giúp nâng mức lương cao cho những người lao động nhưng mục tiêu đó phải tôn trọng truyền thống của từng quốc gia và các mô hình hoạt động đang rất tốt hiện nay. Tiền lương tại Đan Mạch được đàm phán bởi công đoàn và các tổ chức sử dụng lao động có lịch sử hơn 100 năm qua.

ANH THƯ (Theo Financial Times, Guardian, EU Observer)

;
;
.
.
.
.
.