Sáng kiến bảo vệ môi trường

.

Với thông điệp “Hãy cùng nhau bảo vệ môi trường trước hiểm họa của rác thải nhựa và chung tay xây dựng thành phố môi trường”, sinh viên (SV), đoàn viên thanh niên (ĐVTN) trên địa bàn thành phố đã có những sáng kiến hữu ích.

Sinh viên Trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng giới thiệu về các tác phẩm infographic bảo vệ môi trường.
Sinh viên Trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng giới thiệu về các tác phẩm infographic bảo vệ môi trường.

Tại Trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng, năm 2019, các thành viên CLB Đồ họa tập trung sáng tác infographic (đồ họa thông tin) nhằm tuyên truyền về ý thức bảo vệ môi trường với chủ đề “Không đến từ thiên nhiên mà đến từ chính chúng ta”. Từ 120 tác phẩm ban đầu, Đoàn trường chọn ra 50 tác phẩm xuất sắc để tham gia các cuộc trưng bày, triển lãm tại trường và các hội thi sáng kiến bảo vệ môi trường của các cấp bộ Đoàn thành phố.

Bí thư Đoàn Trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng Ngô Tuấn Anh cho biết: “Cùng với chiến dịch chung tay chống rác thải nhựa, tiến tới việc không sử dụng đồ nhựa dùng một lần, Đoàn trường chúng tôi đã và đang đẩy mạnh nhiều giải pháp bảo vệ môi trường và các tác phẩm infographic là một trong những giải pháp đó. Đây còn là cơ hội để các bạn trẻ thỏa sức thể hiện ý tưởng của mình xoay quanh chủ đề nói không với rác thải nhựa”.

Cũng với sáng kiến góp phần bảo vệ môi trường, ĐVTN Quận Đoàn Thanh Khê lại tìm tòi, nghiên cứu, sáng tạo mô hình trồng cây bằng hệ thống tưới nhỏ giọt tự động. Theo các ĐVTN quận Thanh Khê, đối với cây trồng, việc sử dụng nước để tưới tiêu vô cùng quan trọng, vì vậy, các bạn mong muốn tạo ra một giải pháp có thể đáp ứng đủ nhu cầu của cây, vừa tiết kiệm thời gian, công sức cho người trồng.

Mô hình trồng cây bằng hệ thống tưới nhỏ giọt tự động của thanh niên Thanh Khê đơn giản là sự lắp ráp các giàn đựng giá thể, hệ thống tưới nhỏ giọt, giá thể và cây trồng lại với nhau, giúp tiết kiệm nước. Điểm đặc biệt là trong hệ thống tưới này có một bộ cảm biến có nhiệm vụ đo độ ẩm trong đất và gửi thông tin về bộ điều khiển. Lúc này, bộ điều khiển sẽ xử lý tín hiệu, đưa ra quyết định đóng mở máy bơm để tưới tiêu cây cho phù hợp. Ngoài ra, hệ thống tưới nhỏ giọt tự động còn có một tấm pin năng lượng mặt trời để nhận ánh sáng, biến đổi quang năng thành điện năng, nguồn điện này được nạp vào hệ thống ắc-quy lưu trữ và hỗ trợ cho các thiết bị tưới tiêu.

Anh Nguyễn Vinh, đoàn viên Quận Đoàn Thanh Khê, người trực tiếp lên ý tưởng và thực hiện hệ thống tưới nhỏ giọt, bày tỏ: “Nhóm chúng tôi chế tạo ra mô hình này với mong muốn người dân áp dụng được các thiết bị tự động vào ngành nông nghiệp, góp phần nâng cao ý thức trong ứng phó với biến đối khí hậu, bảo vệ môi trường”. Anh Vinh cũng cho rằng, trong các gia đình nhỏ, để tiết kiệm chi phí cũng như tự trồng các loại cây theo ý muốn thì có thể tự làm mô hình này. Hiện, mô hình đã được một số hộ dân dùng thử nghiệm và cho các phản hồi tích cực.

Còn các đoàn viên ở phường Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn) được biết đến với việc tái chế thành công bộ nhạc cụ dân tộc làm từ rác thải. Theo Nguyễn Nhớ Hoài, Phó Bí thư Đoàn phường Hòa Hải, từ ý tưởng ban đầu, trong thời gian ngắn, các ĐVTN đã tạo được bộ nhạc cụ gồm đàn bầu, đàn tranh, đàn nhị, trống để trưng bày tại Nhà văn hóa phường Hòa Hải. “Chúng tôi mong muốn thông qua mô hình này mọi người thấy được rằng, từ những cái tưởng chừng bỏ đi như hộp bánh, chai nhựa…, qua sự sáng tạo của con người có thể chuyển hóa thành những sản phẩm hữu ích khác”, Nguyễn Nhớ Hoài cho biết.

Việc giới trẻ đang từng ngày đổi mới tư duy, cách làm và dần thay đổi thói quen sử dụng sản phẩm từ nhựa, túi ni-lông để bảo vệ môi trường đang là những hành động đẹp, mang hiệu ứng tích cực.

THANH TÌNH


 

;
;
.
.
.
.
.