Không chỉ là món ăn(*)

.

Không chỉ viết về những món ăn, bộ đôi tùy bút ẩm thực “Tôi đã ăn cả cánh đồng hoa” và “Nửa vòng Trái đất uống một ly trà” vừa ra mắt của nhà văn Di Li còn là cái cớ để chia sẻ nhiều điều khác.

Bìa sách Nửa vòng Trái đất uống một ly trà và Tôi đã ăn cả cánh đồng hoa.
Bìa sách Nửa vòng Trái đất uống một ly trà và Tôi đã ăn cả cánh đồng hoa.

Trong 319 trang sách Tôi đã ăn cả cánh đồng hoa, Di Li đã bày ra dư vị đa dạng của món ăn Việt Nam, từ món ăn nhanh như mỳ ăn liền đến món bún thang cầu kỳ, từ món cầu gai ngoài biển khơi cho đến bún đỏ và phở khô phố núi, từ món phổ thông là bánh mì cho đến những khẩu vị li kỳ là lẩu hoa, cá sấu, chuột đồng. Bên cạnh những món “muôn năm cũ” như phở, còn có các món ăn tình cờ chỉ duy nhất một lần trong đời trên đường thiên lý mà tác giả ví như một cuộc tình ngắn ngủi giữa chàng trai mới lớn với cô gái Digan xinh đẹp.

Thế nhưng, dẫu đơn giản hay cầu kỳ, dẫu tình cờ hay quen thuộc, món ăn nào qua ngòi bút của Di Li cũng thấm đẫm “mùi xứ sở”. Mùi xứ sở trong những món ăn hồi cố ấu thơ đậm vị nhớ thương xưa cũ, với kẹo bông, đường phổi, đường phèn, mạch nha, bánh caramen… Mùi xứ sở trong những bước chân lang thang khắp các vùng miền đất nước đậm đặc sự phấn khởi, tò mò, với cháo nghêu Cửa Lò, phở khô Gia Lai, cao lầu Hội An…

Vẫn là phong cách hài hước quen thuộc, Di Li đã nâng niu từng món ăn bằng sự tinh tế riêng biệt. Đơn cử cái cách mà cô miêu tả bánh mì: “Bánh mì, đích thị là một bản giao hưởng đường phố mà mỗi góc nẻo trên xứ Việt lại có một phong vị riêng, song bối rối thay, vị nào cũng ngon mới chết”. Những món ăn hiện lên vừa quen vừa lạ: “Bún mắm cua kiêu hãnh y như A capella, hát chay không cần nhạc đệm, ca sĩ sẽ hòa thanh, phối bè bằng chính giọng của mình mà vứt hết cả nhạc cụ đi. Món này không có thịt cá chi hết, cũng chẳng cần gạch cua nữa”…

Nếu 53 câu chuyện ở Tôi đã ăn cả cánh đồng hoa bàng bạc dư vị hoài niệm thì 54 câu chuyện ở Nửa vòng Trái đất uống một ly trà như là một khu chợ đa văn hóa, đó là nghệ thuật tối giản trong ẩm thực Nhật Bản, món ăn cầu kỳ của Trung Hoa, gia vị bí ẩn ở đồ ăn Trung Đông, phong cách lạ lùng của thực đơn Bắc Phi và Ấn Độ Dương, món ăn lãng mạn vùng Địa Trung Hải… Đặc biệt, ở cuốn sách này, Di Li đã dành tâm huyết cho những trang sách áp cuối mà chị gọi là “chương trà”: Trà Ô Long Trung Hoa, trà đỏ Thổ Nhĩ Kỳ, trà sữa đất nung Ấn Độ, trà bạc hà Maroc, trà đen Sri Lanka, trà nhuộm màu Thái Lan,
trà đạo Nhật Bản... Nhà văn cho biết cô đã lên Tây Tạng chỉ với mục đích chính là viết về món trà bơ núi tuyết.

Qua những trang viết, ẩm thực hiện lên không chỉ là những món ăn mà còn là hồn cốt của một dân tộc, là linh hồn của lịch sử và đánh dấu những vùng địa lý khác nhau. Đó là những sinh vật kỳ dị trong khay hải sản ở Busan, lịch sử 1.200 năm không ăn thịt của người Nhật, những người cuồng ớt ở Tứ Xuyên, sở thích ăn côn trùng của người Campuchia, những bữa “ăn chùa” trên con đường theo dấu chân Phật… Theo nhà thơ Văn Công Hùng, Di Li đã biến các món ăn thành những bữa tiệc tràn đầy ánh sáng và biểu cảm văn hóa. “Viết về cà ri Ấn Độ, thì có phải là cà ri nữa đâu, mà đã vượt lên khỏi cà ri, là văn hóa, vượt lên cả văn hóa, nó là những bí ẩn chưa giải mã mà con người luôn luôn thèm khát kiếm tìm”, nhà thơ Văn Công Hùng chia sẻ.

Di Li tên thật là Nguyễn Diệu Linh, sinh năm 1978 tại Hà Nội. Cô tốt nghiệp Cử nhân tiếng Đức và tiếng Anh tại Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, Thạc sĩ Quản lý giáo dục Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Cô được bạn đọc biết đến qua những cuốn sách thuộc nhiều lĩnh vực như: tiểu thuyết, truyện ngắn, du kí, PR, tuổi học trò và cả sách thiếu nhi: Trại Hoa Đỏ, Câu lạc bộ số 7, Chiếc gương đồng, Adam & Eva, Cocktail thị thành, Bình minh ở Sahara, Tôi PR cho PR... Trở lại văn đàn lần này, tác giả lại say mê với đề tài mới mẻ mà cô cho rằng cũng “thăng hoa không khác gì khi sáng tác tiểu thuyết trinh thám”.

NAM BÌNH

* Đọc “Tôi đã ăn cả cánh đồng hoa” và “Nửa vòng Trái đất uống một ly trà”, Di Li, NXB Lao động và Công ty Sách Thái Hà ấn hành quý 4-2019.

;
;
.
.
.
.
.