Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, vùng đất Quảng Nam là địa bàn ác liệt nhất của Khu 5, nhưng đây cũng là nơi an toàn, được cơ quan Liên Khu ủy 5 rồi Khu ủy 5 lựa chọn làm nơi đứng chân lãnh đạo phong trào cách mạng toàn khu 5. Vùng tây Xứ Quảng trở thành “chiếc nôi”, “chiến khu kháng chiến” không chỉ Liên Khu ủy, Khu ủy 5 mà Tỉnh ủy Quảng Nam, Quảng Đà.
Khu nhà làm việc của lãnh đạo Đặc Khu ủy Quảng Đà tại Hòn Tàu. Ảnh: L.N.Đ |
Từ giữa năm 1956, sau khi đặt được bộ máy chính quyền ở một số thôn vùng thấp, địch tiến lên vùng trung và vùng cao, đóng thêm các đồn Pốtxít (Bến Giằng), Caxăh, Alâu, Atép (Bến Hiên) và nhiều đồn dã chiến ở Trà My, Phước Sơn. Địch mở nhiều cuộc hành quân vào các vùng, bắt dân làng Padương (Bến Yên) dời xuống Thạnh Mỹ, dồn dân ở Phú Túc (Trung Mang - khu vực giáp ranh giữa Đông Giang - Hòa Vang) ra bìa rừng, cưỡng bức nhân dân các xã Pui, Nú (Trà My) sống tập trung.
Để giữ thế “an toàn” miền núi, các cấp ủy Đảng đã tổ chức đội tự vệ ở thôn bản. Lực lượng này được trang bị vũ khí thô sơ như: cung, nỏ, giáo, mác; tổ chức đi tuần tra, cắm chông gài bẫy ở các nơi địch thường qua lại, ngăn chặn và hạn chế sự hoạt động của chúng vào các thôn, bản, bảo vệ nơi ăn ở của cán bộ. Đi đôi với phong trào trên, người dân vùng tây đã nổi dậy chống âm mưu dồn dân của địch. Tiêu biểu là cuộc đấu tranh phá khu dồn Thạnh Mỹ của đồng bào Padương (Bến Giằng).
Các cuộc đấu tranh của đồng bào các dân tộc đã làm thất bại các âm mưu đánh phá của địch, giữ vững thế làm chủ núi rừng và phát triển phong trào cách mạng miền núi một cách tương đối toàn diện, như trong báo cáo Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng, tháng 1-1960, có ghi: “Phong trào miền núi thực tế mới xây dựng trong mấy năm gần đây, nhưng đã có nhiều chuyển biến lớn và ngày nay đã trở thành chỗ dựa vững chắc cho phong trào chung toàn tỉnh, có tác dụng hết sức quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ chung của cách mạng hiện nay”.
Đó là cơ sở, niềm tin vững chắc để Tỉnh ủy Quảng Nam, Quảng Đà lựa chọn đứng chân. Đặc biệt, đầu năm 1958, cơ quan Tỉnh ủy chuyển từ Trung Mang lên đứng chân tại thôn Paghì, xã Tà-pơơ, huyện Giằng (nay thuộc thôn 2, xã Tà-pơơ, huyện Nam Giang).
Đây là địa bàn trung tâm để thuận lợi cho việc lãnh đạo phong trào cách mạng trên địa bàn toàn tỉnh, nhất là các huyện cánh Nam. Tại đây, Tỉnh ủy Quảng Nam-Đà Nẵng đã tổ chức nhiều hội nghị quan trọng.
Nhất là từ cuối năm 1958, trong khi chờ chủ trương mới của Đảng, Liên Khu ủy 5 đã truyền đạt những nội dung cơ bản của bản Dự thảo Đề cương cách mạng miền Nam của đồng chí Lê Duẩn và gợi ý cho Tỉnh ủy tiến hành một số công tác nhằm chuẩn bị xây dựng căn cứ miền núi, xây dựng lực lượng vũ trang để hoạt động.
Trên tinh thần bản Dự thảo Đề cương cách mạng miền Nam của đồng chí Lê Duẩn, Tỉnh ủy xác định một trong những nhiệm vụ quan trọng trước mắt là phải giữ vững miền núi, xây dựng miền núi thành căn cứ địa cách mạng vững chắc, phải tổ chức lực lượng tự vệ để bảo vệ căn cứ, đi đôi với việc xây dựng lực lượng chính trị và lực lượng kinh tế.
Đặc biệt, sau khi tiếp nhận được Nghị quyết 15 của Trung ương, đầu tháng 6-1959, tại Paghì, Tỉnh ủy Quảng Nam-Đà Nẵng triệu tập Hội nghị Tỉnh ủy mở rộng để học tập Nghị quyết Trung ương 15. Nhằm đưa cuộc kháng chiến phát triển lên một bước theo tinh thần Nghị quyết 15, Tỉnh ủy quyết định chuyển cơ quan từ Bến Hiên lên xây dựng cơ sở đứng chân tại bờ sông A Vương, thôn Adhur, xã Arooi, huyện Đông Giang và chuẩn bị tổ chức Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IV. Đây là đại hội đầu tiên của Đảng bộ Quảng Nam-Đà Nẵng trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Những ngày diễn ra Đại hội Đảng bộ tỉnh, Adhur sôi động hẳn lên. Đây là lần đầu tiên sau Hiệp định Genève, Bến Hiên được tiếp đón cùng một lúc nhiều lãnh đạo đại diện Liên Khu ủy, Tỉnh ủy, các cán bộ chủ chốt của các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.
Để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho đại hội và các đại biểu về tham dự, các điều kiện cần thiết phục vụ đại hội…, công tác chuẩn bị được tiến hành khẩn trương và rất chu đáo. Già làng Hôih Zơơn - nguyên du kích xã Arooi, huyện Đông Giang, là người trực tiếp làm nhiệm vụ bảo vệ vòng ngoài của đại hội - hồi tưởng:
“Khu vực Đại hội có 8 ngôi nhà được làm bằng tranh, tre, nứa…, có nhà ăn, nhà chăn nuôi… Các ngôi nhà được làm dưới tán cây, được ngụy trang cẩn thận nhằm tránh máy bay địch phát hiện. Vòng ngoài khu vực đại hội được cảnh giới và bảo vệ nghiêm ngặt, do 8 du kích xã phụ trách, được trang bị 1 cây súng trường và 2 cây súng cạc-bin.
Công tác sản xuất được đẩy mạnh nhằm bảo đảm lương thực cho các đại biểu về tham dự đại hội; bên cạnh đó, bộ phận phục vụ đã vận động đồng bào trong xã và các khu vực lân cận đóng góp lương thực như gạo, khoai, sắn, bắp… và các loại thực phẩm như dê, heo, gà… phục vụ cho Đại hội”.
Cuối năm 1962, thực hiện chủ trương của Khu ủy 5, Quảng Nam-Đà Nẵng được chia tách thành hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Đà. Lúc bấy giờ, cơ quan Tỉnh ủy Quảng Nam, Quảng Đà tiếp tục lựa chọn đứng chân tại các huyện miền núi. Theo đó, cơ quan Tỉnh ủy Quảng Nam lần lượt đứng chân tại các địa điểm Nà Cau, Tiên Phước (cuối năm 1962), rồi chuyển đến khu vực Sơn - Cẩm - Hà (nay là các xã Tiên Sơn, Tiên Cẩm, Tiên Hà) của huyện Tiên Phước (cuối năm 1963); sau Xuân Mậu Thân 1968 chuyển về nóc Ông Đề (thôn 5, xã Trà Cót, huyện Bắc Trà My); rồi thôn Phước Lộc, xã Phước Hà, huyện Tiên Phước (từ 1969-1972).
Trong khi đó, cơ quan Tỉnh ủy Quảng Đà lần lượt đứng chân tại làng Đào, nay thuộc xã Sông Kôn, huyện Đông Giang (năm 1963); từ 1964 đến 1968 lần lượt đứng ở khu vực đồng bằng các huyện Điện Bàn, Đại Lộc. Từ cuối năm 1968, bộ phận tiền phương của Thường vụ Đặc khu ủy và Văn phòng Đặc khu ủy về đóng ở núi Nhà Muỗi, thuộc dãy núi Hòn Tàu. Còn bộ phận phía sau (gọi là A7) đứng tại khu vực ranh giới giữa huyện Đại Lộc và huyện Nam Giang.
Để chỉ đạo sát phong trào hơn, vào tháng 12-1971, Hội nghị Đặc Khu ủy Quảng Đà đã quyết định chuyển toàn bộ các cơ quan của Đặc khu từ A7 về Căn cứ Hòn Tàu, mỗi cơ quan chỉ để lại bộ phận sản xuất tự túc. Bộ phận phía sau và bộ phận tiền phương của cơ quan Đặc khu ủy sát nhập thành một. Còn Tỉnh ủy Quảng Nam, sau Hiệp định Paris, đã chuyển về xây dựng căn cứ đầu não lãnh đạo kháng chiến tại Tiên Sơn - Căn cứ của Tỉnh ủy Quảng Nam (từ 1973-1975), Hòn Tàu - Căn cứ Đặc Khu ủy Quảng Đà (1968-1975).
Trong dịp thực hiện đề tài về Căn cứ và nơi đứng chân của Tỉnh ủy Quảng Nam giai đoạn 1930-1975 (gồm Căn cứ của Tỉnh ủy Quảng Nam, Căn cứ Đặc Khu ủy Quảng Đà), tôi nhiều lần gặp ông Phạm Thanh Ba - nguyên Chánh Văn phòng Đặc Khu ủy Quảng Đà, ông không quên nhắc đến lòng dân với một niềm tin tuyệt đối về Đảng, về cách mạng, dù khó khăn, hiểm nguy nhưng nhân dân vẫn một lòng che chở cán bộ.
Ông Ba nói: “Nhân dân chính là tai mắt của cách mạng. Nhờ có nhân dân, căn cứ Hòn Tàu mới vững. Lâu nay, chúng ta chỉ nói đến giá trị lịch sử của một núi Hòn Tàu sừng sững thôi thì chưa đủ, mà phải nói rộng ra, nhấn mạnh thêm vai trò, vị trí của lòng dân. Bởi nếu không có nhân dân thì không có căn cứ Hòn Tàu. Tất cả gạo thóc, lương thực, thực phẩm nuôi cán bộ lúc bấy giờ đều nhờ vào dân tiếp tế. Khi nhắc đến căn cứ Hòn Tàu phải nói đến lòng dân. Căn cứ Hòn Tàu là căn cứ lòng dân”.
Như vậy, một lần nữa Tỉnh ủy Quảng Nam, Đặc Khu ủy Quảng Đà lại lựa chọn miền núi để xây dựng căn cứ lãnh đạo cuộc kháng chiến. Tại Căn cứ Tiên Sơn và Hòn Tàu, Tỉnh ủy Quảng Nam và Đặc Khu ủy Quảng Đà đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử vẻ vang của mình, đó là lãnh đạo quân và dân giải phóng tỉnh Quảng Nam ngày 24-3-1975 và thành phố Đà Nẵng ngày 29-3-1975, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước trong mùa xuân năm 1975. Có thể thấy rằng, trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, miền núi Quảng Nam, Quảng Đà được lựa chọn làm “thủ đô kháng chiến”.
LÊ NĂNG ĐÔNG