Đi chợ tháng Giêng

.

Những ngày tháng Giêng, cứ hễ bước ra chợ là lại muốn ôm hết các loại rau củ về nhà. Được nắng, được thời tiết tốt lại chăm bón đầy đủ nên các loại rau tháng Giêng cứ mơn mởn xanh, chỉ nhìn thôi đã thấy ngon từ gốc đến ngọn.

Món bông bí xào tỏi. Ảnh: PHAN CHUNG
Món bông bí xào tỏi. Ảnh: PHAN CHUNG

Tôi luôn thích đi chợ sớm trong những ngày tháng Giêng là vậy. Dạo qua một vòng chợ, chỉ nhìn thôi đã như thấy bao nhiêu tinh túy của đất mẹ như tụ hội hết trong những thứ rau củ người ta bày bán ở chợ. Rồi ngắm nghía, rồi lựa thứ này, chọn thứ kia, rồi tính toán coi mua thứ gì nấu cho hợp, tôi bỗng thấy mình như bản sao của má ngày xa xưa ấy. Những thứ má mua, những món má nấu, tôi đều nhớ và đến lượt mình tôi cũng làm y như má. Chỉ khác là ngày ấy tôi lon ton theo má đi chợ làng, ngôi chợ của tuổi thơ tôi giờ đây chỉ còn là nỗi nhớ mỗi khi nghĩ về.

Trong số các loại rau riêng có của những ngày tháng Giêng, cứ hễ đi chợ là tôi luôn nghiêng ngó, tìm kiếm loại ngọn bí và nụ bông bí. Ngọn bí và bông bí là món dễ ăn, dễ nấu. Mớ rau bí mua về, chịu khó tước hết xơ bên ngoài, chọn phần thân non, đem rửa sạch để ráo. Đập củ tỏi hơi nát rồi cho vào chảo dầu nóng phi thơm, xong cho mớ rau bí vào đảo thật nhanh tay cho đều, gia giảm chút nước mắm vừa ăn. Ngọn bí hơi xàu, màu xanh non ngả sang xanh đậm thì bắc xuống, ăn với cơm nóng. Món này ăn hoài vẫn thấy ngon dù đạm bạc. Nhưng bảo đảm ai đã ăn ngọn bí xào tỏi một lần, sẽ muốn được ăn thêm nhiều lần nữa, nhưng chỉ có tháng Giêng, tháng hai mới có mà thôi. Nụ bông bí cũng tước sạch lông măng, xơ bên ngoài rồi rửa sạch, luộc chấm mắm cá cơm, hay xào tỏi, nấu canh hến đều là món ngon. Nếu muốn ăn bông bí luộc, nấu canh hay xào tỏi, cứ đi chợ vào những ngày tháng Giêng là có, tha hồ cho các bà, các chị mà chọn, mà mua về.

Bí đỏ - hay quê tôi còn gọi là bí rợ - là thứ dễ trồng và dễ ăn nhất trong số các loại rau củ ở vùng đất pha cát ven sông. Cứ đầu tháng Chạp là các nhà vườn trồng rau lại gieo hạt bí đỏ ven hàng rào, ven bờ bãi. Cứ gieo xuống đất là hạt bí đỏ nẩy mầm, ra lá, tự bò chứ không cần chăm bón như các loại rau khác. Dây bí mọc chừng một tháng là bắt đầu ra hoa. Lúc đó phải ngắt ngọn bí để cho bí trổ nhánh, ra hoa cái, hoa đực. Muốn hoa cái đậu trái thì phải lấy hoa đực thụ phấn cho hoa cái, nếu không trái bí sẽ không lớn lên được và teo dần. Để biết được điều này, một đứa con nít mới lên 9 tuổi là tôi lúc đó đã làm một việc “động trời”, mà bây giờ cứ nhớ lại việc làm dại dột ấy là tôi lại thấy mình đáng bị ăn đòn, dù lần ấy ba tôi tha không đánh đòn.

Nhà tôi năm ấy chỉ có hai gốc bí ba tôi trồng ở góc vườn và ba chặt tre, làm giàn cho bí leo. Ba giao tôi nhiệm vụ mỗi sáng múc nước tưới cho hai gốc bí. Tôi làm việc ấy rất cần mẫn và không phụ công tôi, hai dây bí ra lá, trổ hoa sum suê khắp giàn. Nhưng cô tôi (em ruột ba) cứ sáng sáng lại đem dao cắt ngọn bí và bông bí về nhà mình. Tôi rất tức về điều đó mà không dám nói. Chọn một ngày ba tôi vắng nhà, má tôi đi bán ở chợ chưa về, tôi ở nhà lấy dao cắt hai gốc bí để cô tôi không còn cơ hội cắt ngọn, hái bông nữa. Giàn bí đang xanh tươi trở nên héo rũ ngay tức khắc. Làm xong việc đó, tôi ôm vở đi học.
Giờ ra chơi tôi chạy về thám thính xem ba tôi về chưa, thì thấy ba tôi đang kéo dây bí trên giàn xuống và má tôi ngồi lượm lặt mấy ngọn bí còn non. Ba tôi hỏi ai cắt gốc bí, tôi im lặng nhìn xuống đất. Lúc ấy con gái chị Hai tôi - gọi tôi bằng dì - méc với ông ngoại: “Lúc gần trưa con thấy dì cầm dao lúi húi ngoài giàn bí, không biết có phải dì cắt không”.

Thấy ba nổi giận, tôi sợ quá mới mếu máo: “Tại con thấy bí thì ba trồng, con tưới, mà cô Nhựt ngày mô cũng vô hái bông, hái ngọn nên con ghét, con cắt gốc cho chết khỏi hái”. Nghe tôi nói, ba tôi bật cười rồi nói: “Con ni nghịch trổ trời” . Rồi ba mới giải thích cho tôi biết là khi bí bắt đầu ra nhiều lá thì phải cắt ngọn cho bí trổ nhánh, cắt bông đực bớt để bông cái ra nhiều, rồi phải hái bông đực thụ phấn thì trái mới đậu, nếu không bí chỉ ra lá, ra hoa chứ không có trái. Khi tôi hiểu được điều đó thì giàn bí nhà tôi đã không còn nữa rồi. Giàn bí không còn nhưng tối đó nhà tôi được một bữa ngọn bí xào tỏi ăn để nhớ, để biết muốn bí đậu trái thì phải cắt ngọn, cắt bớt bông đi.

Kim Em
 

;
;
.
.
.
.
.