Người "gánh nước tưới sông"(*)

.

Tôi cầm trên tay tập thơ “Gánh nước tưới sông” của nhà thơ Phạm Phú Hải, một người bạn đã mất của cha tôi. Hơn mười năm ông ra đi, tôi vẫn còn nhớ, một đôi mắt sáng sâu thẳm đẹp đến nao lòng. Tập thơ này, thiền sư Minh Đức Triều Tâm Ảnh viết lời tựa: “...

Hải đọc tất thảy triết học, tư tưởng Đông, Tây; nhiều nhất là Phật học. Sách toán học tiếng Anh, dày cỡ vài phân, Hải đọc chỉ một đêm, phải thức trắng... Hải còn giỏi chữ Hán, viết chân, hành, thảo gì cũng đẹp - và làm thơ luật Đường bằng chữ Hán nhanh nhạy như nước chảy mây trôi...”.

Nhà thơ Phạm Phú Hải và tập thơ Gánh nước tưới sông.
Nhà thơ Phạm Phú Hải và tập thơ Gánh nước tưới sông.

Tuổi thơ tôi có những buổi chiều đứng ở hiên nhà, không có bạn để chơi. Ông thường đến nhà tôi vào những buổi chiều như thế. Từ xa nhìn thấy tôi đứng tựa ở cửa, ông luôn cười, nụ cười thật hiền và gọi tôi. Bao giờ cũng vậy, ông ngồi ngoài vườn chơi một lúc rồi vào nhà ngồi đọc sách đợi cha tôi về. Ngày đó tôi còn bé, mỗi khi ông đến tôi thích thú nhảy nhót quanh sân vì tôi biết sắp sửa được đi mua kẹo. Tôi nhanh nhảu ra vườn, len vào những vạt cải xanh tìm bắt những chú dế và những con bọ cánh cứng, đến trước mặt ông, tôi xòe tay ra. Nhìn thấy những con bọ, lần nào ông cũng khẩn khoản bảo tôi: “Cho chú xin nó đi! Chú cho con tiền mua kẹo”.

Chỉ chờ có vậy, tôi trao “chiến lợi phẩm” cho ông và chạy biến đi. Còn một mình, ông nâng niu, ấp những con dế, con bọ vào vạt áo, thì thầm trò chuyện. Những kỷ niệm này khiến tôi rưng rưng nhớ khi đọc bài thơ ông để lại trong “Gánh nước tưới sông”:

Buổi mai khi quét lá vườn
Xin em chừa lại giọt sương đầu thềm
Biết đâu trong luống cỏ mềm
Một con dế nhỏ suốt đêm đứng chờ.

(Quét vườn)

Cuộc đời ông là những chuỗi ngày đan xen giữa cõi thực và mê. Ông thực sự chìm vào cõi mê vào năm tôi học cấp ba. Một ngày, trên đường đi học về cùng bạn bè, từ xa tôi đã nhìn thấy ông, vẫn đôi mắt ấy, buồn và sâu thăm thẳm. Ông gầy gò, tiều tụy, râu tóc phủ kín gương mặt hiền lành khiến tôi nao lòng.

Cứ ngỡ chìm vào cõi mê sẽ khiến ông quên hết cả, quên cả cô bé là tôi ngày xưa, cô bé thường ra vườn bắt dế “bán” cho ông. Nào ngờ ông vẫn nhận ra tôi, ánh mắt ông mừng rỡ, ấm áp, ông lắp bắp gọi tên tôi không thành lời. Lúc đó, sự nao lòng vừa dấy lên trong tôi bay đâu mất, thay vào là nỗi e ngại. Người đi đường và bạn bè sẽ nói gì khi tôi nói chuyện với “một người điên”?! Nghĩ vậy, tôi cắm cúi bước đi như không hề nhìn thấy ông.

Một thân phận không thể tìm hạnh phúc ở cõi trần, suốt một đời ông ở cõi mộng Tỉnh - Say. Dường như ông đã thấy trước những bi ai đằng sau số phận của mình trên chuyến xe cuối ngày:

Có lẽ đã thở lầm hơi thở
Của ai kia từ buổi lọt lòng ra
Mây trắng quá suốt đời ta nói mớ
Nên suốt đời mây trắng vẫn bay xa.

(Có lẽ)

Nhận được quyển thơ của ông do cha tôi gửi, trong tôi lại dấy lên nỗi day dứt xưa cũ. Ông đã ở cùng gia đình tôi vào ngày mẹ tôi ra đi mãi mãi. Ông là một trong số những người chứng kiến tuổi thơ trong trẻo của tôi trôi qua trong cô đơn, dịu dàng... Trong di bút ông để lại có hai câu thơ man mác buồn khiến tôi nhớ lại hình ảnh ông ngày đó, râu tóc phủ kín gương mặt hao gầy, ngồi bên đường lắp bắp gọi tên tôi:

Lương đình treo mãi giọt sương
Ngàn sau có kẻ tìm đường tới thăm.
Thơ ông cũng có khi là nỗi đau đớn của một người không tìm được hạnh phúc trong cõi thực, dù ông đã cố nhập cuộc với đời. Những khoảnh khắc chợt tỉnh ông hốt hoảng tự hỏi:

Giọt sương treo mái lương đình
Nửa khuya thức dậy hỏi mình tan chưa?
Cuộc đời ở cõi mê của một người tài hoa, ngoài mẹ già, không có bóng dáng một người phụ nữ nào bên cạnh để chăm sóc, yêu thương... Đâu đó trong thơ thấp thoáng một nàng Ngọc mờ ảo, không có thực:

Sáng nay trở lại đường này
Anh nhìn anh thấy một ngày
 nắng tươi
Phải chăng ơi Ngọc? Em cười
Ngàn mây trắng bởi đâu lười
không trôi.

(Trời đất có nhau)

Tình yêu, đôi khi có thể nhạt phai và đi qua, nhưng tình thương là còn ở lại. Trong nghịch cảnh, tình thương càng mãnh liệt hơn. Ông chưa từng đi tu nhưng trong thơ luôn có phong vị thiền nên người yêu thơ gọi ông là “Thiền sư thi sĩ”. Với tôi, ông là một thi sĩ tài hoa, bạc mệnh, một tâm hồn trong, lành như suối, là người quá đỗi thiết tha cõi trần gian. Và hơn cả - ông, một người bạn lớn trong tuổi thơ tôi...
Với vạn vật, ông yêu bằng cả trái tim thật nồng nàn, hồn nhiên:

Ngày sẽ mới chim đùa hoa rực sắc
Đời sẽ dài trong giục giã hương bay
Bụi trần gian cũng tụ về ngây ngất
Ngát nắng tràn bờ cỏ dại nồng say.

(Xuân trùng hội)

Hơn mười năm trôi qua, ông đã về cõi hư vô. Mỗi khi đi qua mảnh đất quê ông ở Điện Bàn - Quảng Nam tôi chợt nhớ hai câu thơ của đại thi hào Nguyễn Du:

“Trăm năm trong cõi người ta
Chữ tài chữ mệnh khéo là
ghét nhau”.

Vâng! Ông đã trót mang nghiệp vào thân. Trong cõi người ta tài mệnh tương đố này, ông đã sống, đã yêu cuộc đời, yêu con người bằng một tâm hồn trong lành như suối:

Ta nghe đàn hạc về gần
Mang trên cánh trắng vô ngần triêu dương.

(Hồi tưởng)

Trên ngõ về im lặng của một kiếp người, ông để lại cho đời những vần thơ tuyệt tác, trong đó có cả những vần thơ được chép từ di bút ông để lại:

Người về áo vướng vần thơ
Thập phương mười ngón chân hờ hững trôi...

Sau một thời gian dài chìm vào giấc ngủ mê, ông lặng lẽ ra đi. Đó là ngày 6-5-2009. Cõi trần đã khép lại rồi. Khi tôi viết những dòng này, ông đã về với cát bụi. Hơn mười năm qua, ký ức tôi vẫn còn đó, những buổi chiều trong khu vườn nhạt nắng. Cô bé con với chú dế trong lòng bàn tay và ông, một đôi mắt sâu thẳm đẹp đến nao lòng. Đẹp, bởi nó cô đơn và huyền nhiệm, nỗi cô đơn bất tận ở cõi trần cho đến ngày đôi mắt đó khép lại và đi về cõi hư vô...

VŨ NGỌC GIAO

(*) Thơ Phạm Phú Hải (chữ nghiêng) trích trong các thi phẩm và tập thơ “Gánh nước tưới sông” (NXB Đà Nẵng, năm 2010)

;
;
.
.
.
.
.