Núi Mụ ở Mường Vang

.

Lúc tôi đi ngang qua ngọn núi này thì trời đã xẩm tối. Xe đã phải bật đèn từ lâu. Mặt trời lặn rồi, nhưng cái quầng sáng hồng hào quyến rũ bí ẩn của nó vẫn hắt một cách tiếc nuối lên nền trời phía tây.

Nguyên một bầu trời thẫm lại vì bóng tối đang chiếm lĩnh, chỉ có duy nhất một ngôi sao. Dừng lại, và bấm lia lịa, rốt cuộc tôi cũng được một tấm ảnh mà trong đấy chứa đựng tất cả những xúc động của tôi trong cái khoảnh khắc tuyệt diệu của thiên nhiên. Thật là biết ơn cuộc sống vì những khoảnh khắc như vậy.

Ảnh: K.H
Ảnh: K.H

Người dẫn đường là một nghệ sĩ, một nhà nghiên cứu - tôi gọi ông như vậy là bởi với tôi, nghệ sĩ hay nhà nọ, nhà kia không phải ở những tờ quyết định có đóng dấu đỏ, mà ở nơi tâm hồn họ luôn đầy ắp những khát khao được bày tỏ niềm mến yêu, trân trọng, nâng niu, và tự hào về những giá trị của chính cái cuộc sống mà họ đang ở trong đó. Ông nhìn qua cửa kính xe và nói: Đây là núi Mụ. Mụ tức Mẹ.

Núi Mụ, là núi Mẹ. Hay là Mẹ của những ngọn núi? Nếu như nhìn ban ngày thì núi Mụ cao hẳn lên, vượt lên trên những dãy, những ngọn thoai thoải khác. Và dưới chân núi là những thửa ruộng bậc thang nối tiếp nhau. Núi rừng biếc xanh, ruộng đồng cũng biếc xanh. Còn bây giờ, núi Mụ chỉ là một khoảng tối được viền bằng thứ ánh sáng đẹp vào loại bậc nhất thiên hà.

Tôi luôn xúc động vì những bình minh, và thường thấy buồn bã, nhớ nhung vào những buổi nhập nhoạng. Nhìn thấy ngày dần kết thúc ngay trước mắt thế nào cũng nôn nao một nỗi nhớ. Nhớ nhà, nhớ mẹ, nhớ con… Nhớ cả những gì đã qua, đang qua, và những gì sắp tới.

Núi Mụ đứng ở giữa một vùng Mường. Xưa, cộng đồng người Mường ở Hòa Bình được chia làm 4 vùng: “Nhất Bi, nhì Vang, tam Thàng, tứ Động”. Núi Mụ ở Mường Vang, tức huyện Lạc Sơn bây giờ. Người Mường chiếm khoảng 90% dân số ở Mường Vang. Đi đến đâu tôi cũng có thể gặp một người Mường.

Tôi sinh ra ở vùng Tày, trưởng thành cùng với vùng Mông, và từ một lúc nào đó, trong tôi nảy sinh cái ước muốn được già đi cùng với vùng Mường. Người Mường có một kho tàng khổng lồ các tác phẩm văn học nghệ thuật, mà hầu hết chúng được lưu truyền từ đời này qua đời khác bằng cách truyền miệng. Kinh ngạc nhất là mo Mường. Những ông thầy thực sự, chắc thời nào cũng chỉ đếm được trên đầu ngón tay, có thể diễn xướng mo Mường liên tục trong suốt… 12 ngày đêm.

Tôi thường bị mê hoặc bởi văn hóa truyền thống của các tộc người. Ở đâu có người dân tộc thiểu số sinh sống là ở đấy tôi bị hút chặt vào. Ở vùng Mường, cái văn hóa ấy không, hay là không còn, nằm ở bề nổi. Hoặc là có, nhưng rất ít. Những ngôi nhà sàn đang mất đi, thay vào đấy là nhà bê-tông, hoặc nhà sàn nhưng bằng bê-tông. Hơn thế, người ta còn vẽ vân gỗ lên những cọc, những sàn, những tường bê-tông ấy.

Nghe nói có người giàu lên chỉ nhờ vào mỗi một việc là đi khắp các bản làng để… vẽ gỗ lên bê-tông. Người có nhà mới thấy vui, tôi, chẳng liên quan gì, kỳ lạ thay, lại thấy trĩu nặng một nỗi gì giống như buồn phiền. Một ít ngôi nhà còn được giữ lại bên cạnh ngôi nhà mới. Cột bằng gỗ xoan, sàn, vách bằng cây bương già, mái lợp cọ. Người ta giữ lại những ngôi nhà bé nhỏ, cũ kỹ, mục nát ấy để làm kho chứa lương thực, cất nông cụ, hoặc làm bếp, để tách bếp ra khỏi căn nhà mới. Tôi đứng nhìn những cái chân cột nhà sàn. Khi xưa, để chống mối mọt, người ta thường kê chân cột lên những hòn đá.

Tôi từng ví đời người đàn bà miền núi giống như hòn đá kê chân cột nhà chồng. Đã về làm dâu, đến cái tên cũng mất. Mới lấy chồng thì theo tên chồng, có con thì theo tên con. Sống làm người nhà chồng, chết làm ma nhà chồng. Ở với mẹ đẻ lúc còn thơ bé, ở với mẹ chồng suốt cả cuộc đời. Và suốt cái cuộc đời làm dâu ấy, luôn nhẫn nhịn như hòn đá dưới chân cột. Và dưới gầm sàn một căn nhà cũ cũ bé bé còn sót lại ở đây, tôi thấy người ta kê chân cột, những cái chân cột đã mục, bằng những cục… bê-tông. Những hòn đá từ ngày dựng nhà rốt cuộc đã bỏ đi đâu?

Dù sao, nếp nhà cũ được giữ lại cũng mang đến một chút an ủi nào đấy. Tôi hy vọng, người ta giữ lại nếp nhà sàn cũ nằm khiêm nhường bên những gốc cam đang còn vài quả chín đỏ trên cành là vì không muốn một nơi ghi đầy những dấu ấn đẹp đẽ của ngày chào bố mẹ ra ở riêng bị mất đi.

Trong ngôi nhà ấy, bên bếp lửa ấy, cặp má người vợ đã từng căng mọng, đỏ hồng như quả đào chín. Đứa trẻ thứ nhất, thứ hai, thứ ba… lần lượt chào đời và tiếng khóc của chúng lảnh lót xuyên qua những khe vách. Chúng tập đi trên mặt sàn mỗi ngày một bóng lên theo thời gian, chập chững đặt chân xuống bảy bậc cầu thang, và chiều chiều ngồi bên ô cửa sổ ngóng mẹ đi làm về. Ngôi nhà vì thế không phải chỉ là nơi để ở, để ngủ, mà là nơi cất giữ những quãng dài hoặc ngắn của đời người.

Tôi đi tắt vào làng qua cánh đồng mùa xuân đang lên xanh. Những bờ ruộng nhỏ đặt vừa bàn chân còn đang ướt sũng vì bùn mới được vén lên. Đường làng đầy phân trâu. Lâu rồi mới đi qua những ngôi làng mà nhà nào cũng đang còn có một vài con trâu. Lâu rồi chiều chiều mới nghe tiếng mõ trâu lóc cóc từ rừng về. Và lâu rồi mới thấy những nếp nhà bập bùng đỏ lửa. Ngang qua một ngôi nhà, bạn tôi bảo, đấy là nhà thầy cúng. Một ông thầy cúng có tiếng. Trong sân nhà ông ấy vẫn còn giữ cái sanh bằng đồng. Một cái sanh khổng lồ. Nó to tới mức có thể luộc một con trâu. Tôi hỏi, để luộc chín một con trâu thì mất bao lâu? Mọi người cười ồ. Rốt cuộc thì người ta vẫn phải mổ, cái gì ra cái nấy rồi mới luộc chứ nhỉ.

Tôi luôn sợ các ông thầy cúng. Ở làng tôi ngày xưa, người ta gọi ông thầy cúng trong các đám tang là ông Then. Nhà có người qua đời là phải đón bằng được ông Then về làm lễ cúng tiễn người chết về trời. Không có ông Then là người chết không đi được. Trước khi đón ông Then về, người nhà phải cử một người đàn ông đi cõng… bộ quần áo của ông Then về trước. Bộ quần áo của ông Then thì khỏi nói rồi, độc nhất vô nhị. Người thường đến chạm vào cũng chẳng dám chứ đừng nói mặc thử. Bộ quần áo ấy được gấp, gói lại, và được cõng trên lưng suốt chặng đường dài về nhà có đám, tuyệt đối không được dừng, nghỉ, đánh rơi.

Sợ, nhưng tôi vẫn muốn gặp ông thầy cúng có cái sanh luộc được cả một con trâu ấy một lần. Tôi tin rằng, nếu gặp ông ấy, may mắn ra, ông sẽ khai sáng cho tôi phần quan trọng nhất trong thế giới tâm hồn của người Mường.

Núi Mụ lùi lại sau lưng, chìm dần trong bóng tối khi bầu trời và mặt đất đã chạm vào nhau. Chừng nào núi còn đứng đó thì Mường Vang vẫn còn những nhịp thở tĩnh tại của nó, chỉ là lòng người có mở ra đủ để cảm thấy hay không mà thôi.

Khải Huyền

 

;
;
.
.
.
.
.