Đối diện với dịch bệnh

.

Khi Covid-19 bùng phát và có diễn biến phức tạp ở nhiều quốc gia trên thế giới, các nước có dịch đang nỗ lực để ngăn ngừa bệnh lây lan. Giữa “sự cố” không mong muốn này cũng là lúc người ta nhận ra nhiều giá trị cốt lõi của cuộc sống, đó không chỉ là lòng tốt giữa con người với con người mà còn là “liều thuốc thử” để các doanh nghiệp tăng cường “sức đề kháng”, đối diện với những sự cố mang tính ảnh hưởng toàn cầu.

Khi người dân trên toàn thế giới lo ngại với Covid-19 thì cũng nhờ đó mà người ta thấy được những điều tốt đẹp được sinh sôi, nảy nở. Đó là tình người trong “cơn khát” khẩu trang y tế, nước sát khuẩn. Khi mà một số cơ sở kinh doanh tăng giá, kiếm lời thì vẫn có những cơ sở kinh doanh, nhiều cửa hàng, khu, điểm du lịch tại Đà Nẵng đã phát, tặng khẩu trang miễn phí cho người dân và du khách.

Đó là những cán bộ y tế, bác sĩ nơi đầu tuyến chống dịch hơn một tháng qua miệt mài với công việc, áp lực tăng cao khi phải thăm khám, theo dõi, chăm sóc sức khỏe cho những người đi từ vùng dịch nước ngoài về.

Dù phải đối diện với nguy cơ bị lây nhiễm bệnh nhưng tất cả không ngại khó, ngại khổ, đều nỗ lực hết sức để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan. Đó là những người làm dịch vụ, thường xuyên tiếp xúc với người từ khắp nơi về; là những nhân viên sân bay, tổ bay, những lễ tân khách sạn, nhà hàng… khi mỗi ngày phục vụ hàng trăm, ngàn lượt khách. Đôi khi họ không hề biết du khách đã đi những đâu, đã tiếp xúc với những ai… Vẫn nụ cười ấy, vẫn sự nhiệt tình ấy nhưng họ tự trang bị thêm cho mình khẩu trang, sát khuẩn tay thường xuyên để bảo vệ sức khỏe chính mình và bảo đảm hiệu quả công việc…

Có thể coi dịch bệnh là một biến cố. Trong cuộc đời có rất nhiều biến cố phải vượt qua. Quan trọng là đối diện với biến cố như thế nào. Ngay lúc này, cuộc sống của người dân, hoạt động kinh doanh của hàng ngàn doanh nghiệp bị ảnh hưởng, nghiêm trọng nhất là ngành dịch vụ, du lịch. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, trong quản trị kinh doanh có quản trị rủi ro, tức là mỗi doanh nghiệp đều phải có một khoản nhất định dành cho quỹ dự phòng. Quỹ này được dùng để duy trì hoạt động của công ty khi xảy ra những rủi ro ngoài ý muốn như thiên tai, dịch bệnh…

Trước sự cố dịch bệnh mang tính toàn cầu như Covid-19, những doanh nghiệp, tập đoàn lớn có tiềm lực kinh tế mạnh có thể dùng quỹ dự phòng để chi trả, giữ nhân viên trong giai đoạn khó khăn này. Nhưng nhiều doanh nghiệp cũng bày tỏ lo ngại dịch bệnh sẽ kéo dài không biết đến khi nào. Nguồn quỹ dự phòng cũng chỉ có thể duy trì trong một khoảng thời gian ngắn. Bên cạnh đó, cũng có không ít doanh nghiệp do tiềm lực kinh tế mỏng nên trước những “cơn sóng” lớn như Covid-19 đã phải tự tìm kiếm những giải pháp cho doanh nghiệp mình. Nhẹ thì cho nhân viên nghỉ luân phiên một ngày làm một ngày nghỉ, hoặc nghỉ phép năm, nặng hơn nữa thì xin đóng cửa doanh nghiệp, tạm dừng hoạt động kinh doanh một thời gian để tránh các chi phí điện, nước, nhân viên, thuế…

Đây là điều mà những người làm quản lý không hề mong muốn, bởi doanh nghiệp nào cũng muốn giữ chân những nhân viên biết việc, lành nghề. Nhiều doanh nghiệp cho rằng việc cho nhân viên nghỉ không lương hoặc giảm lương là tình thế bắt buộc, doanh nghiệp cũng chỉ hy vọng nhân viên sẽ thấu hiểu, chia sẻ và cùng đồng hành khi hết dịch bệnh.

Covid-19 là thử thách, là khó khăn chung của toàn cầu. Đối diện với khó khăn, bản thân mỗi người dân, doanh nghiệp đều tự tăng sức đề kháng cho mình. Có thể ngay lúc này những người làm dịch vụ, du lịch, kinh doanh bị ảnh hưởng nhưng hơn lúc nào hết, tất cả đều chung một mong muốn thành phố được an toàn, dịch bệnh nhanh chóng được đẩy lùi.

THU HÀ

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.