Thế giới nghệ thuật đã trở thành nạn nhân mới nhất của Covid-19.
Bức tranh “Hoa hướng dương” của họa sĩ người Hà Lan Vincent Van Gogh đang trên đường từ Phòng trưng bày nghệ thuật quốc gia London đến Bảo tàng quốc gia nghệ thuật phương Tây Tokyo. Bức tranh là một phần của chương trình triển lãm 60 tác phẩm nghệ thuật được xếp hạng kiệt tác. Đó là lần đầu tiên kiệt tác của Van Gogh rời châu Âu. Tuy nhiên, sau sự bùng nổ Covid-19 tại Nhật Bản, Bộ Văn hóa nước này đã ra lệnh đóng cửa hai tuần tất cả các bảo tàng nghệ thuật quốc gia.
Mặt trước Bảo tàng quốc gia nghệ thuật phương Tây ở Tokyo. |
Dự kiến những kiệt tác mượn từ Phòng trưng bày nghệ thuật quốc gia London khai mạc ở Tokyo vào ngày 3-3 nhưng giờ sẽ đóng cửa cho đến ngày 16-3. Trong khi đó, một số tác phẩm nghệ thuật được đánh giá cao nhất của châu Âu hiện vẫn còn trong phần kiểm dịch của bảo tàng Nhật Bản.
WHO - Tổ chức Y tế Thế giới kết thúc nhiệm vụ tại Trung Quốc vào thứ hai ngày 4-2-2020, sau khi cho rằng virus ở “đỉnh điểm” Trung Quốc vào ngày 23-1 đến ngày 2-2 “và đã giảm dần kể từ đó”. Đại diện của WHO, cho rằng, các biện pháp của Trung Quốc nhằm “khóa chặt” một số thành phố đã giúp ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Adhanom Ghebreyesus, người đứng đầu WHO cảnh báo các nước phải chuẩn bị cho một “đại dịch tiềm tàng” của virus Corona mới. Ông gọi sự tăng đột biến trong các trường hợp ở Iran, Ý và Hàn Quốc là “liên quan sâu sắc”.
Tác phẩm Hoa hướng dương của Vincent Van Gogh (1888) bị buộc cô lập. |
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, ông Antonio Guterres cảnh báo: Có thể ngăn chặn căn bệnh này. Nhưng nếu một số quốc gia thất bại, một số khác không làm bất cứ điều gì cần thiết, điều này vẫn có thể vượt khỏi tầm kiểm soát với những hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe và nền kinh tế toàn cầu.
Công nhân Hội Chữ thập đỏ Hoa Kỳ tập kết nạn nhân của cúm Tây Ban Nha 1918 ở St. Louis, thành phố lớn ở Missouri, dọc theo sông Mississippi, Hoa Kỳ. |
Tuần qua, một số phương tiện truyền thông thế giới đã nhắc lại con số thương vong khủng khiếp qua trận đại dịch toàn cầu bùng phát năm 1918 - còn được gọi là cúm Tây Ban Nha, đã giết chết khoảng 50 triệu người trên thế giới. Vào thời điểm đó, cúm thường liên quan đến viêm phổi, phức tạp, ít được hiểu tường tận. Để so sánh, WHO ước tính rằng HIV chỉ giết chết tổng cộng 35 triệu người kể từ khi xuất hiện nhưng cúm Tây Ban Nha gây tử vong trầm trọng, được xếp hạng là dịch bệnh nguy hiểm nhất trong lịch sử.
Hình ảnh một quảng cáo phòng chống cúm được xuất bản vào tháng 10-1918. |
Giữa đại dịch cúm năm 1918, nước Mỹ phải vật lộn để chôn cất người chết. Các ghi chép lịch sử cho biết rằng, việc hỏa táng là một thông lệ không phổ biến vào thời điểm đó nên số lượng thi thể đã vượt quá khả năng của những người đảm nhận đào mộ và làm quan tài, họ chôn cất người chết không xuể.
Bản vẽ này từ năm 1918 mô tả một con quái vật “virus cúm” đánh vào đầu một người đàn ông. |
Trong thời kỳ cúm Tây Ban Nha, xảy ra trong ba đợt từ năm 1918 đến 1920, mọi người đều sống trong sợ hãi. Những người ở tuổi 20 đến 40 bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Rất nhiều y tá và nhân viên y tế cũng bị bệnh. Sự bùng phát lan rộng trên toàn cầu - từ Bắc Mỹ đến châu Âu, châu Á, châu Phi, Brazil và Nam Thái Bình Dương. Ở những nơi như Alaska, cúm Tây Ban Nha đã gây ra một con số thương vong khủng khiếp. Thế chiến thứ nhất và đại dịch cúm Tây Ban Nha kết thúc cùng năm (1918). Con số tử vong do dịch cúm gây nên cho 50 triệu người trong khi số thương vong trong Thế chiến thứ nhất chỉ có 16 triệu người.
HOÀNG ĐẶNG (theo The Guardian - BBC)