Bông dong riềng bên bờ bắc sông Hương

.

Bông dong riềng (ảnh) này nở bên một hàng rào xanh thẫm. Tôi đã đi qua rồi mà phải vòng xe lại vì bị cái màu đỏ đến mê hoặc của nó níu giữ. Phía trong hàng rào là một khu vườn xùm xòa, với đầy những cây và hoa, và một nếp nhà nhỏ nhắn. Bên ngoài hàng rào là con đường, băng qua đường là sông Hương. Vâng, đúng là sông Hương, với tất cả những “dùng dằng không chảy” quá đỗi bình lặng của nàng ấy.

Ảnh: T.A
Ảnh: T.A

Đây là bờ bắc sông Hương. Huế có một sự phân chia kỳ lạ mang tới khác biệt vô cùng lớn giữa hai bờ. Bờ bắc là nửa thành phố di sản, bờ nam là nửa thành phố hiện đại. Nếu bạn muốn tìm Huế như tìm bất kỳ một đô thị phát triển nào thì chỉ nên dừng ở đầu bên kia của cầu Trường Tiền. Tất cả những gì hiện đại, náo nhiệt thuộc về thế kỷ 21, Huế đều tạo dựng ở đấy. Nhưng nếu bạn muốn thấy Huế thật là Huế, chính là Huế, thì hãy đi qua cây cầu gắn liền với dòng sông quyến rũ dịu dàng tới nghẹn cả thở này.

Tôi phải cảm ơn những ai đó, những tâm hồn, trái tim nào đó, đã giữ Huế còn vẹn nguyên là Huế ở đây. Tới mức một bông dong riềng cũng nở đỏ như thể hàng triệu năm nay nó vốn đỏ như thế cùng với sự chào đời của những lục địa. Tôi phải cảm ơn Huế vì đã mở lòng mình ra đón nhận bước chân hồn nhiên và cũng ít nhiều ngờ vực hồ nghi về những thành phố đầy di sản nhưng linh hồn thì đã phiêu dạt tận đâu đâu.

Tôi đi qua Huế, dừng lại ở Huế vài lần. Nhưng có lẽ những lần trước chưa đủ duyên nên tôi chẳng có cảm giác gì về Huế. Nói đúng hơn là một thứ cảm giác lơ mơ, nhạt nhòa. Phải đến lần này thì tôi cảm thấy mình đang chạm tới Huế. Huế vẫn đang ở đây, bên dưới những rêu phong của thời gian. Huế khiến tôi đôi khi run lên vì xúc động.

Thực ra chuyến đi của tôi là để tìm một ngôi nhà mà tôi đã có nó trong hình dung. Một ngôi nhà đựng trong nó câu chuyện của tôi, đầy những yếu tố hư cấu, với các nhân vật hư cấu. Nhưng riêng ngôi nhà phải có thật. Cái khó của một người sáng tác chính là lúc này đây. Mọi thứ đều có thể hư cấu, tưởng tượng; nhân vật có thể được thể hiện bằng diễn viên này hoặc diễn viên khác, vẫn là nhân vật ấy vì nó đâu có thật. Nhưng ngôi nhà thì phải có thật. Kỹ xảo điện ảnh có hiện đại đến đâu, rốt cuộc, vẫn có những cái phải có thật. Hoặc ít ra, trong tư duy của tôi, tôi thực sự rất khó để bịa tạc ra tất cả mọi thứ mà không hề có một chút cơ sở thực tế nào. Và tôi nhìn thấy ngôi nhà ấy, ở đây, bên bờ bắc của thành phố Huế. Một người phụ nữ từ trong đi ra.

Chị ấy đi chợ, có lẽ vậy. Tôi nói, em có thể vào sân để ngắm ngôi nhà của chị không? Chị ấy gật đầu không hề đắn đo. Và thế là tôi đi vào sân. Khoảng sân nhỏ, đầy hoa. Những bông mai của mùa xuân vẫn còn sót lại trên cành, vàng rực. Những chậu cây nhỏ trên ban công nở ra hồng và trắng. Bậc tam cấp và những ô cửa gỗ có kính đầy bí ẩn… Và bên cạnh ngôi biệt thự chắc mới xây chưa lâu còn có một ngôi nhà thấp và cũ. Đấy là cái lệ của nhiều gia đình Huế. Khi xây một ngôi nhà mới, họ giữ lại ngôi nhà truyền thống. Nếu như bố mẹ còn thì bố mẹ sẽ ở trong đó, nếu bố mẹ mất, thì đó là nơi thờ cúng tổ tiên. Ngôi nhà được giữ lại, chăm sóc, tồn tại như một cách để người ta kết nối, níu giữ, giằng buộc với quá khứ. Một quá khứ hẳn là đầy những câu chuyện số phận.

Tôi đã đứng rất lâu ở trong khoảng sân ấy, và nhìn lên những mái nhà. Tôi đã từng phải từ bỏ nơi mình sinh ra, và chắc chắn một điều, suốt những năm tháng còn lại của cuộc đời tôi sẽ luôn nhớ nhung tiếc nuối vì đã không thể nào giữ lại mảnh vườn ấy, nếp nhà ấy, con ngõ ấy, và những cái cây, cả dòng suối nhỏ ngày đêm tí tách chảy… Thế nên, tôi tin là những người sống trong khu nhà này, có thể hai, ba, bốn thế hệ, sẽ luôn cảm thấy thật là hạnh phúc vì trong hành trình đi qua hôm nay để tới ngày mai, họ luôn giữ được hôm qua ở bên cạnh, chứ không phải bỏ lại sau lưng rồi sẽ phải sống trong mất mát, tiếc nuối.

Tôi ngửi thấy mùi mật ngọt bên trong nhụy của những bông dong riềng. Khi còn nhỏ, lũ trẻ chúng tôi luôn đầu trần chân đất và đi xuyên qua khu vườn đầy những luống dong riềng của nhà hàng xóm. Cả một buổi trưa nắng nôi, tiếng ong vo ve trên đầu, chúng tôi vít những ngọn dong riềng cao nghều xuống để vặt hoa mút lấy mật. Mỗi bông hoa ấy đều mang trong cuống một giọt mật, rất ngọt. Ngọt tới nỗi bây giờ nghĩ lại tôi vẫn cảm thấy cái vị của nó còn đọng trong cổ họng. Và giờ đây, mùi thơm ngọt ngào của giọt mật nơi cuống hoa đang tỏa ra. Nó tỏa ra trong một buổi sáng tinh khiết, với những làn gió mang theo hơi sương phả lên từ mặt sông huyền bí.

Huế giữ chân tôi bằng tất cả những gì Huế có, không ngoại trừ cả một bông dong riềng đang căng nở.

Thanh Am


 

;
;
.
.
.
.
.