Người phụ nữ ấy ôm cây ghi-ta, dịu dàng lướt mấy ngón tay để những âm thanh đẹp ngân vang làm nền cho câu hát: Sống trong đời sống cần có một tấm lòng. Để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi, để gió cuốn đi… Lần đầu gặp chị, cảm thấy một chút ngạc nhiên xen lẫn thán phục.
Niềm vui của những người làm từ thiện. Ảnh: V.T.L |
Làm từ thiện bằng... âm nhạc
Chị tên thật là Nguyễn Thị Sinh, từng là tay trống của Đoàn ca kịch Quảng Nam với nghệ danh Kim Sinh. Nghỉ hưu, chị làm nhạc công ghi-ta kiêm nghề cho thuê âm thanh, ánh sáng phục vụ hội nghị, đám tiệc tại Đà Nẵng. 5 năm trước, sau một thời gian vận động, ngày 1-1-2015, CLB Từ thiện “Nốt nhạc yêu thương” do chị làm Chủ nhiệm chính thức ra mắt với gần 40 thành viên, hầu hết là nữ.
“Trên đường mưu sinh, tôi thấy đây đó vẫn còn biết bao cảnh đời khó khăn, bất hạnh. CLB ra đời, quy tụ những tấm lòng hướng thiện, tình nguyện làm nhịp cầu chuyển tải tình thương và sự giúp đỡ của mọi người đến với những địa chỉ khó khăn cần được hỗ trợ”, chị Kim Sinh trải lòng.
Ban điều hành CLB có 5 người, toàn những người đã nghỉ hưu. Chị Kim Chi nghỉ công tác tại Trung tâm Bảo trợ trẻ em đường phố Đà Nẵng về làm kế toán CLB. Chị Cẩm An nghỉ làm ngành dâu tằm về tham gia vai trò thủ quỹ CLB cùng với chị Tâm Dương (Dương Thị Tâm).
Phó chủ nhiệm là chị Trần Thị Ngọc Lan, người từng có 18 năm làm chuyên trách giảm nghèo phường Nam Dương (quận Hải Châu). Nghỉ hưu, chị mang kinh nghiệm tổ chức hành chính cùng với tiếng hát trời cho của mình về giúp chị Kim Sinh. Kinh nghiệm hành chính làm chuẩn mực cho các ghi chép về hoạt động của CLB, mỗi chương trình từ thiện đều rạch ròi các khoản thu chi. Tiếng hát hòa với giọng đàn chuyển tải tâm tình buồn vui đến với những tâm hồn cần sự cảm thông, chia sẻ. Người viết từng được “mục sở thị” sự hài hòa kỳ diệu ấy.
Đó là lần CLB đi thăm và tặng quà bà con dân tộc Ca dong (xã Trà Vinh, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam), sau khi tổ chức thành công đêm nhạc Trịnh Công Sơn ngày 1-4 và nhận được 123 triệu đồng từ các nhà hảo tâm. Xuất phát từ 4 giờ, ăn sáng qua quýt trên xe bằng bánh mì. 7 giờ 30 đến Bắc Trà My, đi thêm 70km đường núi nữa mới tới xã Trà Vinh. Do xe bị sa lầy vì mưa dầm nên mãi đến 12 giờ mới bắt đầu tặng quà, mỗi suất trị giá 500.000 đồng, gồm các loại nhu yếu phẩm như: gạo, bột ngọt, mì tôm, nước tương, dầu ăn, bánh kẹo, cá khô, bánh mì, áo quần...
Hôm đó vui như hội, mặc dù trời đổ mưa. Tặng hết quà, chị Kim Sinh thay mặt đoàn tỏ lời cảm ơn, rồi ôm cây đàn cùng mọi người hát vang bài “Nối vòng tay lớn” của Trịnh Công Sơn. Một vài thanh niên nam nữ người Ca dong cũng lên góp giọng. Có người từ miền núi cao giáp với tỉnh Kon Tum, nửa đêm đã đạp rừng xuống xã cho kịp giờ nhận quà. Kinh nghiệm của CLB, theo lời chị Ngọc Lan: “Các địa phương ở gần người ta tặng quà quá nhiều rồi, mình đi thiệt xa như vậy mới giúp được những người thực tế đang rất khó khăn, thiếu thốn. Giúp cho người nghèo mình phải cảm ơn họ vì nhờ họ mà mình mới thể hiện được cái lòng từ tâm, hướng thiện của mình...”.
Xế trưa hôm sau đoàn quay về, gần 2 giờ mới dừng xe bên đường ăn bún... xì dầu. Tiền thuê xe và tiền ăn mọi người góp vào, tiền quyên được dành hết cho quà tặng. Về tới nhà tầm 9 giờ tối. Trời vẫn mưa. Ai cũng vui khi nghĩ đến bà con Ca dong trên đó quây quần bên bếp lửa, nướng món cá khô chấm với tương ớt cay cay...
Mỗi lần đi là thêm một kỷ niệm. Rằm tháng Bảy năm Kỷ Hợi 2019, CLB tổ chức đi thăm và tặng quà Trung tâm Dưỡng lão Hiệp Đức, đi Thăng Bình thăm người già neo đơn, đi Nông Sơn qua cầu Đại Bình, thăm những người già có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Về nghỉ một ngày xong lại đi xã Thủy Tân, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Đại Bình là quê hương của chị Phan Thị Kim Yến, một thành viên CLB. Mọi người thay đồng phục bằng áo bà ba đã chuẩn bị sẵn, tham quan các vườn cây ăn trái trong làng và chụp ảnh. Sau cơm trưa cây nhà lá vườn do ba mẹ Kim Yến chiêu đãi, mọi người ngồi lại dưới bóng cây vú sữa, chôm chôm, say sưa hát. Âm nhạc là cách họ trải lòng để thêm tin yêu vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống...
Tìm đồng đội bằng... lương hưu
Ở phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu), có người cựu chiến binh - thương binh Trần Ngọc Doanh góp phần làm cuộc sống tốt đẹp bằng lương hưu của mình.
Ông trải qua nhiều đơn vị trong quân ngũ, từng là lính Đặc công 471 - Quân khu 5, năm 1980 bị thương, chuyển ngành sang làm bảo vệ cho Công ty Đường sắt Đà Nẵng. Nghỉ hưu năm 2005, ông dành trọn thời gian đi tìm đồng đội - công việc mà ông đã bắt đầu từ năm 1997. Ông lập đội Tình nguyện xác minh, tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ gồm 5 người, do ông chủ công, điều hành chung là chị Nguyễn Thị Tình làm nghề chụp ảnh trên đường Ngô Xuân Thu.
Hơn 20 năm sống có trách nhiệm với người đã khuất, ông Doanh và đồng đội có gần trăm chuyến đi về chiến trường xưa. Trong đó, lần tìm ra hài cốt của liệt sĩ Ngô Xuân Thu - người được đặt tên một con đường trên địa bàn phường Hòa Hiệp Bắc - đã để lại trong ông nhiều kỷ niệm khó phai.
Chiến sĩ Ngô Xuân Thu thuộc Tiểu đoàn Công binh Hải Vân, năm đó tham gia đánh đoàn tàu của địch tại Thừa Thiên Huế, bị lộ, bèn ôm khối thuốc nổ hơn 7kg lao vào đoàn tàu đang đến gần. Khi tiếng nổ dậy trời cũng là lúc người chiến sĩ gan dạ anh dũng hy sinh, thi hài được người dân địa phương chôn cất gần đó.
Ông Doanh và đơn vị Công binh Hải Vân nhiều lần đi tìm mộ liệt sĩ Thu mà không có kết quả gì. Đến tháng 3-2016, ông được một người dân tên Tứ, quê Duy Xuyên (Quảng Nam), hiện ở tại huyện Phú Lộc (Thừa Thiên Huế) cho biết ngày trước ông này từng đi lính và được giao quản lý đoạn đường sắt nơi liệt sĩ hy sinh. Nhờ đó, ông Doanh cùng đơn vị Công binh Hải Vân và cựu chiến binh Phú Lộc phát hiện được nơi chôn hài cốt liệt sĩ Ngô Xuân Thu và liên hệ gia đình đưa về an táng tại quê nhà Kim Bảng, tỉnh Hà Nam.
5 tháng trước, ông cùng đồng đội tình cờ tìm thấy mộ ông Văn Đắc Trọng, theo văn bia thì ông này sinh năm 1917 quê quán xã Phổ Lợi, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, hy sinh ngày 15-11-1969. Lần đến địa chỉ này, ông mới biết tên xã giờ là Phổ Văn, con cháu ông Trọng vẫn ở đó. Gia đình cho biết ông Trọng hoạt động du kích tiền khởi nghĩa, bị địch bắt đày ra nhà tù Sơn Trà và chết ở đó. Sau nhiều lần di dời, mộ ông hiện nằm chung với mộ dân ở nghĩa trang Gò Cà, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang.
Người con đầu ông Trọng giờ đã 77 tuổi, cùng 2 em và con gái mang hồ sơ ra nhận mộ. Khi ông Doanh phát hoang cây cối để có chỗ cho gia đình cúng tế, mọi người không cầm được nước mắt, người dân địa phương đứng xem cũng khóc theo. Hơn 50 năm đi tìm, chừ mới thấy...
“Vui sao, nước mắt lại trào”. Ông Doanh rất vui, với ông, đó là hạnh phúc. Ông dành toàn bộ 1,3 triệu đồng lương thương binh 4/4 cùng với 1,2 triệu đồng trích từ lương hưu để làm cái việc mang lại cho ông hạnh phúc. Thân nhân liệt sĩ các nơi đến ở lại nhà ông, vợ ông lo cơm nước. Đi đâu thì có xe của 2 thành viên trong đội, họ thuộc thế hệ 8X, rất nhiệt tình.
Tấm lòng nối tấm lòng
Thân nhân ông Trọng đang hoàn thiện hồ sơ để xin Nhà nước công nhận liệt sĩ cho ông. Đang mùa Covid-19 nên mọi việc có chậm lại.
Công việc từ thiện của CLB Nốt nhạc yêu thương cũng dãn ra vì đại dịch. Tết rồi, CLB tổ chức chương trình quyên góp tại nhà hàng N&M trên đường 2 Tháng 9, sau đó tặng gần 500 suất quà cho người nghèo tại đây. Hôm đó, một người bạn (giấu tên) của vợ chồng chị Tâm Dương thấy mỗi suất 250.000 đồng có vẻ ít, bèn phát tâm tặng thêm mỗi người 100.000 đồng.
Hôm rồi, chị Ngọc Lan cho biết, người không muốn nêu tên đó gọi điện hỏi sao không thấy CLB tổ chức gì nữa để anh ta tham gia. “Đang mùa dịch mà anh, hãy để dành tấm lòng tốt đó cho những địa chỉ cần giúp đỡ trong tương lai gần”, chị Ngọc Lan trả lời...
Ký của VĂN THÀNH LÊ