Những "cánh chim" không mỏi

Nhiệt huyết luôn căng tràn

.

Nhiều đảng viên về hưu luôn là những tấm gương sáng, mẫu mực đi đầu các phong trào ở cơ sở. Họ đóng góp, hỗ trợ nhiều hoàn cảnh nghèo khó, bất hạnh có điều kiện vươn lên trong cuộc sống, góp phần tạo nên thành công chung của địa phương trong giải quyết an sinh xã hội.

 Ông Phạm Công Lương trao 5 bộ bàn ghế trị giá 1,1 triệu đồng hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo, hộ khó khăn. Ảnh: Đ.H.L
Ông Phạm Công Lương trao 5 bộ bàn ghế trị giá 1,1 triệu đồng hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo, hộ khó khăn. Ảnh: Đ.H.L

Khơi nguồn lực từ cộng đồng

Bắt đầu nghỉ hưu vào năm 2014, ông Phạm Công Lương (65 tuổi) chuyển về sinh hoạt tại Chi bộ Bình Phước 1, phường Thuận Phước (quận Hải Châu). Đến năm 2017, ông được bầu làm Bí thư Chi bộ. Công việc đầu tiên ông Lương nghĩ đến là làm thế nào để có tiền chăm lo cho những người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn ở khu dân cư (KDC). Để làm được điều này, lúc đầu ông đi thu gom phế liệu trong KDC vào những lúc rảnh rỗi, rồi sau đó nghĩ đến việc thành lập Câu lạc bộ (CLB) Môi trường nhí để các cháu trong tổ cùng tham gia.

Đến nay, CLB có 26 em từ 6 đến 16 tuổi tham gia. Vào các ngày thứ Bảy, Chủ nhật và những lúc không bận học, các em đi thu gom phế liệu như là một hoạt động kế hoạch nhỏ ở địa phương. Phế liệu tái chế được thu gom từ hơn 100 hộ trong KDC, mỗi tháng trung bình thu được khoảng 3 triệu đồng. Nhờ “tích gió thành bão”, từ năm 2018 đến nay thu được hơn 70 triệu đồng. Từ số tiền này, ông Lương trích ra mua áo quần đồng phục CLB cho các em hay thuê sân bóng đá... “Tự mình lấy tiền của mình để hoạt động nên các cháu rất thích. Trung bình mỗi năm, tôi chi 4 triệu đồng cho bóng đá; bên cạnh đó, trao quà cho các cháu tham gia nghĩa vụ quân sự. Số tiền được từ thu gom phế liệu cũng được trích làm công tác an sinh xã hội ở KDC như mua sách vở cho các cháu học sinh giỏi con hộ nghèo vào dịp năm học mới hoặc Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1-6; qua đó, dạy các cháu biết quý sức lao động, đoàn kết, gắn bó nhau hơn”, ông Lương cho biết.

Hiện KDC gồm 2 tổ dân phố 48, 49 có 4 hộ cận nghèo và 9 trường hợp tàn tật. Ông Lương chi tiền từ quỹ thu gom rác hỗ trợ các chị em nghèo phương tiện sinh kế như xe bán hàng, tủ nhựa; tặng quà cho những người đau ốm. Mỗi năm, quỹ còn chi cho các hoạt động của KDC 2 triệu đồng, chi 1,5 triệu đồng tiền mua quà cho các hộ khó khăn…

Cũng trong 5 năm làm trưởng nhóm thiện nguyện ở KDC, ông quyên góp được 19 triệu đồng từ tiền tiết kiệm họp hành và vận động bà con hàng xóm chung tay ủng hộ quỹ. Số tiền này đã được ông sử dụng mua gạo và các vật dụng thiết yếu phục vụ Tết cho các hộ có người tàn tật, khó khăn trên địa bàn. Là một Bí thư Chi bộ KDC, ông Lương đã triển khai cho các đảng viên KDC nghiêm túc thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh có cam kết hẳn hoi. Trong năm 2019, chi bộ thực hiện chủ đề “Chăm lo đời sống nhân dân”. Theo đó, các đảng viên đăng ký một việc làm tốt. Nhiều đảng viên đăng ký tặng quà cho người nghèo, tặng học bổng cho học sinh nghèo học giỏi, quét dọn vệ sinh đường phố, nhắc nhở người dân treo cờ, thay cờ cũ… Năm 2020, chi bộ thực hiện chủ đề Xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh. Các đảng viên đăng ký thực hiện nói và làm theo nghị quyết. Hai năm liền, Chi bộ Bình Phước 1 đạt trong sạch, vững mạnh tiêu biểu; ông Lương là đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 3 năm liền (2017, 2018, 2019).  

Hướng đến trẻ em nghèo, khuyết tật

Bà Phạm Thị Mùi (75 tuổi), Chủ tịch Hội Từ thiện và bảo vệ quyền trẻ em phường Hải Châu 1 suốt 5 năm qua cũng là tấm gương tiêu biểu ở quận Hải Châu. Phương châm của bà Mùi trong công tác là 4 chung “chung tâm, chung trí, chung sức, chung lòng”.

Hội Từ thiện và bảo vệ quyền trẻ em phường Hải Châu 1 có 21 chi hội dưới KDC và 1 chi hội của cơ quan phường với tổng số 355 hội viên. Phường có 34 hộ nghèo, 29 trẻ em khuyết tật, mồ côi và hơn 50 em con hộ nghèo. Do đó, giúp đỡ các hộ nghèo và các em học sinh con hộ nghèo, đặc biệt là các em khuyết tật là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của Hội. “Tôi cũng có đứa cháu bị khuyết tật nên rất đồng cảm với các cháu ở đây. Các cháu bị khuyết tật cả đời nên cần sự giúp đỡ để có điều kiện vươn lên trong học tập”, bà Mùi giải thích lý do gắn bó với công việc này.

Hằng năm vào dịp lễ, Tết, mỗi chi hội KDC đều làm đề xuất gửi lên phường hỗ trợ 5 suất quà cho các hộ nghèo, mỗi suất 300.000 đồng, nếu chi hội không vận động được tiền thì Hội sẽ đứng ra lo liệu. Còn với các trẻ khuyết tật, trẻ mồ côi, Hội trao 300.000 đồng/suất quà gồm: gạo, mắm, dầu và các đồ dùng thiết yếu khác. Chi hội Từ thiện cơ quan còn có quán cơm “Nụ cười” tại lô 10 Ngô Gia Tự. Vào các ngày thứ Hai, Tư, Sáu, chi hội đứng ra nấu 150 suất cơm miễn phí/ngày. Bà Mùi cho biết: Mô hình này xuất phát từ ý kiến của bà Trần Thị Minh Nguyệt. Do trước đây, bà Nguyệt làm ở Thành phố Hồ Chí Minh có mô hình này rồi nên xin về đặt tên cho quán cơm và phường đứng ra hỗ trợ mặt bằng. Quán cơm phục vụ miễn phí cho những người bán vé số, bệnh nhân bệnh viện, xe thồ, khuyết tật. Ngoài ra, quán cơm “Nụ cười” còn hỗ trợ một trẻ bị bệnh u não đang học ở Trường tiểu học Phù Đổng. Hằng tháng, Chi hội Từ thiện cơ quan còn tổ chức bán rau sạch tại phường để gây quỹ hỗ trợ 8 suất quà cho 7 học sinh mồ côi, bệnh hiểm nghèo, con hộ nghèo đang học tại Trường tiểu học Phù Đổng và 1 hộ nghèo khác.

Bên cạnh đó, Hội Từ thiện và bảo vệ quyền trẻ em phường Hải Châu 1 còn tổ chức tuyên truyền tư vấn quyền trẻ em cho CLB Bảo vệ quyền trẻ em và CLB Quyền trẻ em. Thông qua các buổi tư vấn, các em được trao đổi, lắng nghe, đối thoại với các vị lãnh đạo thành phố, quận, phường về quyền trẻ em. Riêng trong năm 2019, Hội đã thực hiện 4 buổi tuyên truyền tại Trường tiểu học Phù Đổng và Trường THCS Trưng Vương với trên 4.900 em tham dự.  

Trong năm 2019, bà Mùi đã vận động hội viên và các mạnh thường quân quyên góp hơn 1,85 tỷ đồng để lo cho công tác an sinh xã hội. Chia sẻ về công việc mình làm, bà Mùi cho biết, tuy có khó khăn nhưng bà rất vui vì mang lại tiếng cười, giảm bớt khó khăn cho trẻ em khuyết tật. “Người làm công việc này phải có cái tâm, trung thực, trách nhiệm và giàu lòng nhân ái. Qua những lần đi làm từ thiện, cô chứng kiến nhiều cảnh thương tâm mà chỉ biết đứng khóc. Cũng có trường hợp khi đến thăm, dù các cháu bị khuyết tật nằm bất động nhưng vẫn nhớ tên mình khiến tôi rất cảm động và động viên mình cần phải làm tốt hơn nữa trong công việc”, bà Mùi chia sẻ.

Đoàn Hạo Lương

;
;
.
.
.
.
.