Những đóa hoa kiêu hãnh(*)

.

Cuộc thi truyện ngắn viết về phụ nữ “Một nửa làm đầy thế giới” do NXB Văn hóa - Văn nghệ tổ chức với sự tài trợ của Giải LiBeratupreis - Frankfurt 2018 đã kết thúc nhưng dư âm còn đọng lại nhiều ấn tượng với độc giả. 19 tác phẩm xuất sắc lọt vào chung kết cuộc thi đã được in chung trong tập sách mang tên giải thưởng Một nửa làm đầy thế giới.

Đó là 19 câu chuyện về người phụ nữ trong những định kiến của xã hội đầy tính nhạy cảm và rung động lòng người. Mỗi tác giả mỗi nơi, mỗi ngành nghề, lứa tuổi khác nhau đã tựu chung về sân chơi tôn vinh hình tượng và phong cách người phụ nữ.

19 tác phẩm là 19 sắc thái riêng biệt với những cá tính làm nên một tập sách mang nhiều bóng dáng phụ nữ Việt hiện đại nhưng lẩn khuất đâu đó là sự hy sinh thầm lặng. Đọc tập truyện, người đọc như bước vào một thế giới phụ nữ phong phú, đủ các cung bậc cảm xúc rất đời, rất con người. Các truyện ngắn đã tái hiện chân thực và sống động nhiều phận đời với bao nhiêu nghịch cảnh. Nhiều vết thương hữu hình và vô hình, nhiều lựa chọn giằng xé, bi kịch khiến ta khóc, ta cười, ta đau với những niềm đau của nhân vật, nhưng trên hết là sức mạnh của niềm tin ở những người phụ nữ hiện đại đã thổi bùng trong ta nghị lực sống kiên cường, mạnh mẽ.

Truyện ngắn đoạt giải nhất là Tràng phan của Tống Phước Bảo. Đây là tác phẩm có cốt truyện lạ, viết về một nghề lạ ngày càng mai một ở một góc nhỏ ít người biết: nghề may cờ phướn. Qua câu chuyện làm nghề truyền thống, tác giả thể hiện tự nhiên, chân thực và cảm động về tình cảm gia đình, nỗi nhớ thương lưu luyến trong xa cách của những người phụ nữ đã bền bỉ gìn giữ nếp nhà thời mở cửa.

Đường về Sai Chản của Phan Đức Lộc viết về thân phận người con gái chẳng khác nào một món hàng chuyền qua tay những người đàn ông. Ta còn bắt gặp những người phụ nữ mà “số phận như trái bần trôi”, bị đời vùi dập, khốn khổ và bế tắc trong những truyện ngắn Giấc mơ rơi ở chân cầu của Cát Lâm, Hái xuống chợ của Nguyễn Thu Hằng, Vé số của Y Nguyên, Có một con đường ở phía mù sương của Lê Quang Trạng, Đắng hơn nước mắt của Phát Dương, Nhà của Vũ Thị Huyền Trang…

Trước những cảnh đời nhọc nhằn và đau khổ ấy, người đọc dễ đồng cảm với sự phản kháng nhất thời nhưng quyết liệt của những người phụ nữ không cam chịu trong Con Bén - Võ Đăng Khoa; hay vỡ òa niềm vui với những kết thúc có hậu, trước hạnh phúc muộn màng sau những tháng ngày lay lắt trong nỗi cô đơn và hoài nhớ, bị bỏ quên trong tình cảnh nghiệt ngã đầy sóng gió ở Người đàn bà lái máy cày - Hoàng Nghĩa, Vạc sành kêu sương - Triệu Vẽ, Cuối mùa cỏ cháy - Phong Dương, Dưới bóng cây gạo nở hoa - Tịnh Bảo.

Chở mẹ đi câu cá của Lê Ngọc Hạnh là câu chuyện viết về cô con gái phụng dưỡng mẹ những ngày cuối đời trong khi các anh chị vướng lý do bận bịu không điều kiện. Người mẹ không còn nữa, cô con gái hết được phụng dưỡng mẹ đành ngày ngày đi câu cá - nơi hai mẹ con hay cùng đi giải khuây. Ở đó, cô vẫn nghe tiếng mẹ bên tai, ơ mẹ vẫn còn đây? Còn chuyện ở nhà, anh chị em thì khóc lóc, nước mắt rơi trong khung cảnh đám cúng thất linh đình. Thiết nghĩ, người sống không lo chu đáo, chết rồi có nhận được gì nữa đâu. Đi câu cá trong ngày giỗ mẹ để nhớ lại niềm vui bình dị của mẹ lúc sinh thời thay vì hòa nhập với màn kịch đạo đức giả, đó là một cách ứng xử, hơn thế, đó là cách “phản kháng” về văn hóa. Truyện viết không dụng kỹ thuật, chỉ thiên về cảm xúc. Tình yêu nào cài bông hồng trắng trên áo sẽ hiểu thấu.

Một nửa làm đầy thế giới toát lên lời cảnh báo về hiện trạng gia đình và xã hội Việt Nam. Sau chiến tranh và nghèo đói, giờ còn có bạo hành, cạm bẫy, lừa gạt, phụ rẫy, phản bội và nguy cơ tan vỡ. Những người phụ nữ bé mọn chịu đựng và nhạy cảm trước những biến động đó ngay khi họ một mình một bóng. Nhưng phía sau mỗi câu chuyện đều có nút thắt để tin rằng vẫn còn điểm tựa để những người phụ nữ xung quanh chúng ta có thể bắt đầu lại...

Thật khó để diễn tả thế giới cảm xúc của những người phụ nữ trong tập truyện này. Cuộc đời họ đang sống chẳng khác nào những đóa hoa, kiêu hãnh - mộc mạc - quyến rũ - xù xì - mạnh mẽ - thoảng hương - nồng nàn - hoang dại nhưng vẫn êm dịu và can trường trước bao biến cố. Chỉ mong rằng, “một nửa” của thế giới này không hàm nghĩa chịu đựng mà là mạnh mẽ vươn lên trước những cơn sóng gió cuộc đời. Không ai vực mình lên bằng chính mình, đừng tự bỏ rơi mình, chỉ cần mình còn sống, mọi việc sẽ trong tầm với. Đó là thông điệp hết sức nhân văn của tập truyện.

Nam Hồng

(*) Đọc tập truyện ngắn Một nửa làm đầy thế giới - Nhiều tác giả, NXB Văn hóa - Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh, quý IV, 2019.

;
;
.
.
.
.
.