Đây không phải là một bức tượng thông thường, mà là chân dung một người đàn ông khoảng 35 tuổi, người Việt cổ, tổ tiên của chúng ta, sống cách nay 1.000 năm, được tái sinh bởi bàn tay của một nhà khoa học - Tiến sĩ (TS) khảo cổ học Nguyễn Việt - Giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á. Việc phục dựng diện mạo của người Việt cổ trên cơ sở xương sọ có niên đại hàng nghìn năm từng là một sự kiện gây chấn động giới khảo cổ và những người quan tâm. Tôi “gặp” người thanh niên đẹp đẽ này tại Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á trong một ngày cuối xuân.
Tiến sĩ Nguyễn Việt với các bức tượng voi và cừu có niên đại 3.500 năm do ông phục dựng. Ảnh: T.A |
Tôi vẫn tin là ở đời mọi sự gặp gỡ đều hàm chứa một chữ “duyên”. Trước khi gặp TS Nguyễn Việt chừng nửa tháng, tôi đi Hòa Bình, vào Lạc Sơn, đến hang Xóm Trại. Hang Xóm Trại là một di chỉ khảo cổ đặc biệt giá trị, vì ở đó các nhà khảo cổ học đã tìm thấy những dấu tích của tổ tiên người Việt sống cách đây 21.000 năm. Đứng ở hang Xóm Trại và lặng yên ngắm nhìn bức tượng tổ tiên được phục dựng bên bếp lửa tôi đã nghĩ rằng, thật là đáng kinh ngạc trước khả năng “đọc” lịch sử loài người của các nhà khoa học.
Việc khai quật, tìm ra những giá trị đặc biệt lớn ở hang Xóm Trại gắn liền với tên tuổi nhà khảo cổ học Nguyễn Việt. Khi ấy ông còn là một thanh niên trẻ tuổi, đầy mộng mơ và hoài bão, đang làm việc tại Viện Khảo cổ học. Lúc đó tôi cũng chưa thể hình dung rằng mình sắp gặp nhân vật “huyền thoại” ấy. Tôi nghĩ mình không nói quá khi gọi ông là một nhân vật “huyền thoại”.
Chuyện về ông Việt rất dài, đủ viết một cuốn sách. Thậm chí tôi cũng nói với ông rằng sau này ông hãy viết một cuốn sách về cuộc đời đầy những sự kiện đáng nhớ, tôi tình nguyện… sửa morasse giúp ông. Tôi rất thích những cuốn sách viết về những cuộc đời đặc biệt, chúng luôn mang đến một năng lượng tích cực và luôn gợi mở những ước mơ đẹp đẽ, nhân văn cho người đọc. Ở bài viết này, tôi chỉ có thể đề cập đến một trong những điều tuyệt vời mà ông đã làm, đấy là phục dựng lại diện mạo của người Việt cổ xưa, tổ tiên của chúng ta.
Điều mà tất cả những người bình thường, như tôi, không thể hiểu được là cơ sở nào để từ một hộp sọ, người ta có thể phục dựng một gương mặt giống thật đến 90%? Ông Việt giải thích thế này: Vào khoảng những năm 1955-1965 là thời kỳ cả thế giới sôi động với các phát hiện cũng như thực hành của giáo sư Boris Gerasimov của Liên Xô cũ.
11 tuổi, ông Gerasimov đã thích mày mò về xương xẩu quanh nhà. Bố là bác sĩ, mẹ là hoạ sĩ. Và từ cái ham thích ấy, Gerasimov rất muốn phục hồi xương của động vật và con người. Lớn lên ông ấy xin vào nhà xác để làm việc. Bởi vì khi ở nhà xác thì ông toàn quyền với những xác chết. Phương pháp của Gerasimov rất thủ công. Ông lấy các cái kim nhúng vào dầu luyn sau đó cắm vào các phần mềm trên mặt xác chết, đầu kim chạm đến xương thì ông rút ra để đo. Và với hàng nghìn cái kim như thế, Gerasimov thống kê được một cách chi tiết, những con số mang tính quy luật.
Ví như phần trán người ta sâu bao nhiêu, má sâu bao nhiêu, cằm sâu bao nhiêu…, từ đấy Gerasimov có thể phục dựng lại một con người chỉ với… hộp sọ của họ. Và ở Việt Nam, rất nhiều năm sau sự kiện của Gerasimov, ông Việt đã dùng những chỉ số và công thức Gerasimov tạo ra kết hợp với số đo từ trên 100 chân dung X-Quang người Việt để phục dựng gương mặt tổ tiên người Việt. Tôi hỏi, vậy trước khi phục dựng ông có hình dung ra gương mặt người ấy không? Ông bảo, không bao giờ. Tôi cứ đắp đến đâu thì chân dung người ấy hiện ra đến đấy. Đầu tiên ông đắp một nửa gương mặt, rồi chụp ảnh, dùng photoshop để lật bức ảnh, ghép hai nửa thành một gương mặt.
Tất nhiên, vì mặt con người ta luôn lệch do thói quen thuận tay nào, nhai hàm nào, nên phải điều chỉnh. Nhưng căn bản là giống đến 90%. Cho tới thời điểm này thì khoa học hình sự trên thế giới đã có thể thực hiện việc phục dựng ấy một cách dễ dàng, nhanh chóng, chính xác hơn nhiều, nhưng tôi tin là cái cách thủ công, nặn từ đất sét, từng chút từng chút một, để rồi lặng đi khi gương mặt một người đã mất từ hàng nghìn năm trước hiện ra vẫn mang đến một cảm xúc đặc biệt đối với một nhà khoa học với tâm hồn nghệ sĩ như ông.
Ông nói, việc phục dựng chân dung tổ tiên sẽ khiến cho khảo cổ không phải là một cái gì đó quá “ghê gớm”, mà thực ra là nó giản dị thôi, gần gũi, ai ai cũng có thể tiếp cận được. Hãy thử so xem giữa việc nhìn thấy một bộ xương lạnh lẽo nằm trong hộp bảo quản bên ngoài ghi niên đại, với việc nhìn thấy một người với đúng chiều cao, gương mặt, trang phục, vũ khí, vương miện… thì sẽ thấy cảm xúc của chúng ta khác như thế nào.
Có thể ai đó sẽ thốt lên: Ôi, cậu thanh niên này giống bạn tôi, cô gái kia giống em tôi, người quen của tôi… Thì cũng là chuyện bình thường, dễ hiểu. Đó đâu phải người xa lạ, là tổ tiên rất rất nhiều đời của chúng ta đấy thôi.
Cùng với khố Chử Đồng Tử, thuyền buồm thời Hưng Đạo đại vương, nỏ thần của An Dương Vương… - là những hiện vật đã được TS Nguyễn Việt phục dựng trên cơ sở khảo cổ học - thì chân dung của tổ tiên người Việt đã mang lại cho tất cả những thế hệ hiện tại và sau này một sự nhận biết vô cùng quý giá về nguồn gốc, lịch sử dân tộc.
Cuộc trò chuyện với TS Nguyễn Việt còn mang tới cho tôi một điều gì như sự khai sáng về ý nghĩa của mỗi cuộc đời. Với ông Việt, làm việc dường như cũng là một cách hưởng thụ. Bởi vì trong công việc ông luôn tràn đầy hưng phấn, và niềm hạnh phúc mà công việc mang tới luôn không có giới hạn. Ông là một người bạn đặc biệt đối với nhiều đồng nghiệp trên khắp địa cầu. Có những công trình do ông thực hiện kết quả của nó đã góp những thông tin quan trọng trong ngành khảo cổ thế giới.
Trước lịch sử hàng nghìn năm có thể được bóc tách từng lớp một, lật giở từng trang một như lật giở một cuốn sách khổng lồ, tôi tin là mình có thể cảm nhận được thứ hạnh phúc kỳ diệu mà các nhà khảo cổ như ông có được. Như là tôi có thể hình dung cái đêm khuya khoắt, lần đầu tiên ông phục dựng được chân dung một cô gái 18 tuổi đã qua đời từ 2.000 năm trước. Thậm chí ông còn hóm hỉnh nghĩ về tử vi của cô ấy theo ngày, giờ cô được tái sinh, thì cảm xúc của ông thế nào.
Sống một cuộc đời mà từng ngày một đều giá trị tới mức tôi muốn được ghi lại một cách tỉ mỉ, một cuộc đời tận tuỵ, tận hiến, và luôn đầy ắp những ý tưởng, dự định, nhân gian này luôn thật hiếm hoi.
Thanh Am