Biến mất

.

Một ngày Nhiên biến mất không để lại vết tích.

Tôi nhớ nhất về Nhiên đó là cô có khả năng nhớ rất tài. Chỉ cần nghe qua một dãy số điện thoại chẳng ăn nhập vào đâu, vậy mà Nhiên nhớ. Sang hôm sau còn đọc vanh vách không trật một số. Ngày ấy, tôi còn nghĩ với khả năng đặc biệt vậy, Nhiên sẽ hơn hẳn những đứa chẳng có khả năng gì như tôi.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Nhưng về sau này người ta liên lạc với nhau từ tài khoản mạng xã hội là chính, chẳng cần lưu tên, lưu số gì. Cũng chẳng tìm kiếm xa xôi, lên mạng gõ đúng tên là ra thôi. Kể cả khả năng nhớ những dãy số cũng có những chuyên gia nước ngoài về dạy, những đứa trẻ chịu khó qua lớp đào tạo có thể nhớ đến hàng trăm con số một cách dễ dàng.

Người báo tin cho tôi là chị dâu của Nhiên. Giọng của chị có những đoạn như lạc đi, muốn khóc. Chị nói trong số bạn bè của Nhiên, chị biết mỗi tôi nên gọi thử xem tôi có biết thông tin gì không. Tôi không biết bất cứ thông tin gì từ khi về đám tang mẹ Nhiên, trước đó là bố Nhiên. Sau đó, tôi có gặp thêm Nhiên một vài lần nữa ở quán cà-phê gần trường đại học nơi chúng tôi từng học. Đến giờ tôi chưa gặp lại Nhiên. Chị có vẻ ngạc nhiên khi nghe tôi nói điều đó, vậy là gần 2 năm chưa gặp nhau, bạn bè sao có thể như vậy? Chắc chị không biết, ở nơi này, nếu không phải là đồng nghiệp gặp nhau mỗi ngày nơi công sở thì chúng tôi chủ yếu chỉ biết thông tin nhau qua mạng xã hội. Hình như càng trưởng thành thế giới riêng tư càng là nơi trú ẩn an toàn nhất.

Tối đó tôi lên mạng xã hội, vào trang cá nhân của Nhiên. Ngay khi chưa mất tích thì Nhiên cũng ít cập nhật thông tin trên ấy. Trạng thái gần nhất của Nhiên là ảnh một con đường mờ sương. Có lẽ chụp ở phố núi. Ngoài ra không có bất cứ thông tin gì. Tôi cố nhìn xem có hình ảnh nào quen ở bức ảnh ấy, đó có phải là nơi tôi và Nhiên từng ghé qua vào một mùa hè nào đó cũng không còn nhớ. Khi ấy, Nhiên rủ tôi đi du lịch. Du lịch ở thời đại học trở thành xa xỉ với hoàn cảnh của những đứa vừa học vừa phải kiếm tiền như chúng tôi, nhưng tôi vẫn sắp xếp đi cùng Nhiên. Chúng tôi hỏi thăm xe ôm để tìm một nhà nghỉ rẻ tiền nhất, ban đêm về ngủ, ban ngày cả hai như bị hút vào những cung đường bạt ngàn thông và hoa dại tràn lối đi.

Tôi hỏi lại chị, vậy chị phát hiện Nhiên mất tích khi nào? Trong điện thoại, giọng chị vẫn có lúc tỉnh như không, có lúc nghẹn lại như cố kìm nén, lần này thì giọng chị lại tỉnh: vì lâu không thấy Nhiên về nên chị lên nơi ở tìm Nhiên. Cửa đã khóa. Không một ai chung quanh biết gì về Nhiên. Cũng chẳng lạ gì. Trong con hẻm nơi Nhiên ở hầu hết các cánh cửa đều đóng kín, không ai biết đến ai.

Hôm sau tôi ghé lại nhà Nhiên. Đó là căn nhà trong con hẻm mà hai xe máy phải nhường nhịn mới có thể không để lại va chạm khi lách qua nhau. Nhưng là hẻm cụt nên rất ít xe qua lại. Hồi mới mua Nhiên nói rất thích nơi này vì cảm thấy được riêng tư tuyệt đối. Trước nhà Nhiên có một bụi hoa trồng trong chậu, chẳng biết hoa gì vì chúng tàn tạ, phờ phạc dưới nắng, bụi. Trong lúc nhìn qua khe cửa, tôi thấy có tờ hóa đơn ghi điện nhét vào ấy, lòi ra một khúc ngắn. Tôi mở ra xem, thời gian trong ấy đã là gần 1 năm. Vậy là Nhiên đã đi ngần đó thời gian? Chị dâu Nhiên cũng tỏ ra ngạc nhiên, không ngờ Nhiên đi lâu như vậy rồi.

Suốt những buổi tối dài, tôi và chị gọi cho nhau để xem có thêm thông tin gì không. Cả hai đưa ra những giả thiết, liệu Nhiên có gặp bất trắc gì không, có sự cố gì dẫn đến sự mất tích? Chị dâu không ngại trải lòng, kể cho tôi nghe quãng thời gian từ ngày Nhiên ra khỏi nhà, đi làm, tích góp để mua căn nhà nhỏ. Hồi mới mua nhà, vợ chồng chị có ghé qua, gọi là làm lễ đơn giản về nhà mới. Nhiên vẫn vui vẻ, tinh thần tốt, dù mới trải qua cuộc hôn nhân đổ vỡ.

Lần ấy thì tôi biết, nhưng hôm Nhiên gặp lại không nói gì về hôn nhân tan vỡ, cô ấy là người mạnh mẽ đối diện với sự cố và khả năng chịu đựng tốt. Lần ấy, Nhiên than bị mất ngủ triền miên, và cả khi ngủ được, thức giấc vẫn thấy rất mệt mỏi. Khi ấy tôi nghĩ đến chứng mất ngủ ở tuổi ngoài 30 mà chúng bạn tôi cũng hay gặp phải. Nó không liên quan đến hoàn cảnh, công việc, chỉ là mất ngủ. Chúng tôi tập lối sống lành mạnh lại với chế độ ăn uống khoa học và tích cực thể dục để đẩy lùi những sự cố liên quan đến tuổi tác. Tôi cũng nói với Nhiên như vậy, cô ấy nghe và gật gù vẻ đồng cảm. Nhưng hôm ấy khi rời khỏi quán, tôi có chút áy náy bởi bắt gặp ánh mắt phảng phất hoang mang của Nhiên. Vẻ như buổi nói chuyện chẳng mang lại cho Nhiên bất cứ sự yên tâm nào như mong mỏi của cô ấy trước khi đến.

Chị kể luôn lần hai vợ chồng ghé nhà Nhiên chơi, hai chị em tranh thủ nấu ăn ở nhà để 3 người cùng ăn. Căn bếp nhà Nhiên trống hoác, dầu ăn hết, nước mắm hết, nhưng thực phẩm thì đầy trong tủ đông. Nhiên nói sẽ chạy ra ngoài mua ít gia vị trong lúc chờ rã đông thực phẩm. Chị dâu nói với chồng, cô ấy ở một mình lo thật. Anh trai Nhiên buông điện thoại, như thể cho vợ biết đã lắng nghe cô ấy nói, rồi lại cầm điện thoại lên. Rồi anh ấy bỏ hẳn điện thoại khi nghe chị nói đến đoạn: “Ở một mình mà lại đứng tên tài sản căn nhà như vậy thì cũng nên viết di chúc sẵn, để lỡ có chuyện gì còn dễ tính, anh nhỉ?”.

À, mà sao chị kể chuyện này với tôi? Chị nói có phải vì câu nói tình cờ nghe được đó, lúc ấy Nhiên chưa ra khỏi nhà mà đang trong nhà tắm, nên Nhiên giận chị không? Tôi chẳng nói gì, chẳng thể kết luận gì với chị. Việc bây giờ là tìm cho ra Nhiên. Nếu sự việc trầm trọng sẽ đăng tin công khai trên các trang mạng xã hội. Đó cũng là cách đơn giản mà hiệu quả nhiều người đã làm.

Tôi có nhắn tin trên mạng xã hội cho Nhiên, nhưng không thấy tín hiệu đã xem. Vậy là Nhiên mất tích thật sự.

Hôm sau tôi hỏi chị, chồng chị mới là anh ruột của Nhiên cơ mà. Anh ấy hẳn có hướng giải quyết nào đó? Chị thở dài thườn thượt, nói ông ấy cả ngày cạy không ra câu nào, nói gì cũng chỉ ậm ừ. Vậy chẳng lẽ sự mất tích của Nhiên không khiến anh ấy lo lắng? Có hay không mình cũng chẳng biết, kiểu đàn ông như chồng chị chán lắm em ạ.

Tôi tìm lại vài người bạn thời đại học. Chúng tôi ra trường nhưng rất ít đứa làm đúng chuyên ngành, thành ra chẳng còn sự liên kết với nhau. Nhất là đến cái tuổi yêu đương, rồi lập gia đình, con cái, nội ngoại hai bên… chẳng còn nhiều quỹ thời gian cho bạn bè. Một trong số những đứa bạn tôi liên lạc biết nơi Nhiên làm gần nhất, là một công ty thiết kế quảng cáo.

Tôi đến công ty gặp chị quản lý nhân sự, người phụ nữ nhỏ xíu, nhìn chỉn chu rất ra người làm việc văn phòng. Nhưng thông tin từ chị cũng chỉ là “Nhiên có làm thời gian ngắn rồi nghỉ, em biết mà, công việc sáng tạo nên các bạn làm ở nhà là chính”.
Tôi cũng từng nghe Nhiên nói Nhiên không hợp không khí công sở. Mỗi ngày bị cánh cổng văn phòng nuốt vào, đến chiều phờ phạc như một người không đủ khí để thở trong tòa nhà khô khan giữa lòng thành phố. Công việc nhàm chán, những mặt người cũ kỹ dần giết chết những ý tưởng sáng tạo của Nhiên.

Đến ngày thứ bảy, tôi không nghĩ ra ở thời công nghệ này tìm một người lại khó đến vậy. Đêm đó tôi tính chỉ cần sáng hôm sau, nếu chưa có thông tin gì, tôi sẽ nhờ hỗ trợ từ mạng xã hội, hay thậm chí là phía cảnh sát. Vài người bạn của tôi cũng ủng hộ cách ấy. Mọi người đều hồ hởi quyết tâm phải tìm cho ra Nhiên. Hẳn sẽ có một câu chuyện ly kỳ nào đó về sự mất tích này.

Tôi gặp Nhiên đứng trong cánh cổng sắt nhà Nhiên, ở ngay vị trí có khe hở mà hôm nọ tôi đã rút ra tờ hóa đơn tiền điện. Quá bất ngờ lẫn vui mừng, tôi vội chạy tới nhưng ánh mắt của Nhiên khiến những bước chân tôi chùn lại. Nhiên bình thường như không có chuyện gì xảy ra. Cô có vẻ hơi ngạc nhiên, hỏi tôi: “Sao sáng sớm Quỳnh đến vậy?”. Tôi cũng ngạc nhiên không kém: “Nhiên về khi nào? Thời gian qua Nhiên đã ở đâu?”. “Nhiên vẫn ở nhà”. “Không thể, sao Nhiên không nghe điện thoại, cả tin nhắn trên mạng xã hội?”. “Để làm gì?”. “Vì chúng ta là bạn”. “Là bạn thì sao?”. Tôi hơi khựng lại, không còn đủ tâm lý để cảm nhận lời nói cũng như cách mà Nhiên nhìn tôi. Tôi chuyển sang đề tài khác: “Người nhà rất lo lắng cho Nhiên”. “Thì sao?”.

Không thể tin nổi một Nhiên hiền lành, nhã nhặn lại có cách ứng xử như vậy với tôi. Nhưng chẳng phải chỉ cần Nhiên tồn tại mạnh khỏe, tôi đã mong như vậy, những ý nghĩ khó chịu trong tôi tan biến đi rất nhanh. “Quỳnh vào nhà được không?” - tôi nói xong và bất giác nghĩ đến câu khi nãy của Nhiên: “Để làm gì” cùng cái nhìn bất cần, khi ấy, tôi phải trả lời sao? “Quỳnh chỉ muốn ở bên cạnh Nhiên”, như vậy nghe sến và không đúng bản chất mối quan hệ giữa tôi với Nhiên, hoặc là, “Quỳnh nấu ăn, tụi mình cùng ăn nhé!”, càng không, tôi với Nhiên chưa từng cùng nấu ăn. Vậy thì, “để Quỳnh lấy nước tưới chậu hoa này, nó héo gần chết rồi”, vẫn có vẻ thừa thãi.

Đến lúc này tôi thấy giận chính mình. Tôi có phải là người bạn thân của Nhiên như lời chị dâu không? Tôi có lỗi gì trong sự mất tích này của Nhiên không? Nhưng những lo lắng về câu trả lời của Nhiên là thừa, lần này Nhiên không trả lời vậy. Cô ấy tiến đến cánh cửa, đẩy ra một khoảng nhỏ vừa đủ tôi đi vào. Nhưng khi vừa bước chân khỏi cánh cửa, tôi không còn thấy Nhiên đâu nữa.

Tôi choàng tỉnh khi có tín hiệu tin nhắn từ mạng xã hội. “Nhiên vẫn khỏe và có cuộc sống mới ở một thành phố khác. Khi nào về lại, Nhiên sẽ cà-phê cùng Quỳnh”. Tôi gọi lại nhưng Nhiên không bắt máy. Ví dụ như Nhiên nghe máy, tôi cũng không biết nói gì, chẳng lẽ kêu Nhiên quay về lại đi, khác nào đặt Nhiên vào một lối mòn nhàm chán, với sự lạnh nhạt của những tình thân và một xã hội nguội lạnh sẻ chia.
Tôi vẫn còn ám ảnh câu nói của Nhiên trong giấc mơ: “Để làm gì?”. Tôi chẳng làm gì được cho Nhiên. Nhưng ít nhất, tôi muốn nói với Nhiên là tôi đã trải qua những cung bậc cảm xúc sau cuộc mất tích của Nhiên, và chỉ cần sự tồn tại của Nhiên đã mang lại điều thi vị giữa những tẻ nhạt ở cõi tạm này. Vậy thôi!

La Thị Ánh Hường


 

;
;
.
.
.
.
.